16/11/2018 13:19 GMT+7

Những người đang viết tiếp 'Ước mơ của Thúy'

LAN ANH
LAN ANH

TTO - "Ung thư không phải là dấu chấm hết nếu chúng ta chiến đấu với nó bằng tinh thần chiến binh" - ông Trần Văn Thuấn, giám đốc Bệnh viện K, nói.

Hướng về ngày hội Hoa hướng dương 2018

Những người đang viết tiếp Ước mơ của Thúy - Ảnh 2.

Diệu Thuần (ngồi giữa) và các bệnh nhi Viện Huyết học truyền máu trung ương - Ảnh do nhân vật cung cấp

Ung thư không phải là dấu chấm hết nếu chúng ta chiến đấu với nó bằng tinh thần chiến binh

Ông TRẦN VĂN THUẤN (giám đốc Bệnh viện K)

Đã 5 năm nay, Diệu Thuần được coi là một người đã khỏi bệnh ung thư. Cô không phải uống thuốc điều trị, tóc Thuần đã mọc lại. Thuần lại đi làm, Mỗi tuần cô vào Viện Huyết học truyền máu, Bệnh viện Nhi T.Ư hay Bệnh viện K (Hà Nội) khoảng 3 lần để chơi với những đứa trẻ mắc bệnh ung thư.

5 năm nay, Thuần viết sách và dành tiền bán sách tặng bọn trẻ. Người ta bảo Thuần là một trường hợp lạ. Nhưng bác sĩ Phạm Hương (Bệnh viện K) nói rằng còn rất nhiều bệnh nhân như Thuần: bệnh nhân Hiển chiến thắng hai căn bệnh ung thư ở giai đoạn muộn và đang quay lại giúp những người đồng bệnh; bệnh nhân Kiên bị ung thư xương ra viện đã hơn 5 năm.

Mới đây bác sĩ Hương gặp lại một bệnh nhân ung thư xương từ khi cô ấy 17 tuổi, cô ấy đã vượt qua nỗi lo lắng có khi bị tàn phế và vượt qua cả cái chết. 8 năm trôi qua, cô ấy mới lấy chồng và đã khỏi bệnh.

Những chiến binh ung thư

Trích nhật ký một ngày bình thường của Thuần:

Ghé thăm em Nhi ở Bệnh viện Nhi T.Ư, thấy em đang ngồi bên bờ hồ Ngọc Khánh (gần bệnh viện), thế là lại rưng rưng vì bận thương, bận mến. Được đà, quyết định tuột qua bên Viện Huyết học đưa bé Hương Giang đi mua quần áo, giày dép, như đã hứa với chị Nguyễn Thủy vì chị nhắn chị gửi 500.000 đồng để đưa bé mua đồ theo sở thích.

Ngang qua phòng Trang, hỏi Trang có muốn đi mua quần áo cùng cô và Giang không? Trang thích quá chạy vào phòng xin phép bố, ba cô cháu lên đường. Trên đường đi, Trang kể nhiều chuyện cho cô nghe, về việc nàng sợ bệnh nặng hơn, sợ phải truyền hóa chất, sợ bị ngã phải đi cấp cứu, thở oxi, kể chuyện lấy ven ở tay không được thì phải lấy ở chân, ở cổ...

Khi thử quần áo, hai nàng đều tự tay chọn lựa. Cảm ơn ba em bé đã cho cô tỉnh ngủ chiều tối nay. Trên đường về Trang hỏi: Cô ơi cô có giàu không? Cô bảo: Mấy đứa khỏe thì cô sẽ mua quà cho nữa.

Khi gặp Hoàng Thị Diệu Thuần, cô gái nhỏ bé có biệt danh là "Thuần mèo", thật khó tưởng tượng năng lượng ở đâu mà Thuần làm được chừng ấy việc cùng lúc: viết sách, làm tạp chí, đi bán từng cuốn sách, từng thiệp chúc tết để có tiền tặng cho bọn trẻ, chụp những bức ảnh đẹp cho chúng và hơn hết là làm người cô thân thiết tuần nào cũng tới dẫn bọn trẻ đi ăn, đi chơi.

Trái tim của một người đã hơn 10 năm chữa bệnh ung thư giờ đã dành hết cho trẻ con mắc bệnh ung thư.

"Tôi nhớ rất nhiều em bé ở bệnh viện. Nhớ nhất là Mạnh. Mạnh đang học lớp 10, Noel năm 2017 các tình nguyện viên đã tổ chức sinh nhật cho các bạn sinh nhật tháng 12. Mạnh cũng sinh tháng 12, hôm đó Mạnh được thổi nến, Mạnh nói đây là lần đầu tiên trong cuộc đời Mạnh được thổi nến mừng sinh nhật mình.

Mạnh phải sống để bù lại những gì trước đây em chưa biết. Mạnh rất chăm học, nhưng bố mẹ lo sức khỏe của con nên nhắc Mạnh đi ngủ, thương lắm, lúc đó Mạnh toàn vừa học vừa khóc. Tôi nhớ bé Thảo, Thảo đã đọc sách của tôi và nói bệnh Thảo cũng giống như tôi, Thảo sẽ cố gắng chữa bệnh..." - Thuần kể với Tuổi Trẻ.

Khi kể chuyện về người bạn trẻ trung Hoàng Thị Diệu Thuần, anh Nguyễn Đức Lam, một người cùng quê Nghệ An với Thuần và hiện đang làm việc ở Hà Nội, cứ xót xa vì hình như Thuần "có mối liên hệ đặc biệt nào đó với những đứa trẻ ở nơi Thuần từng hơn 10 năm đằng đẵng điều trị ung thư máu, những đêm đau không ngủ nằm nghe chiếc điều hòa cũ rên rỉ.

Thuần cũng còn khó khăn mà chỉ lo nghĩ trước hết cho những người khác" - anh Lam cho hay.

Ung thư không phải là dấu chấm hết

Cuối tuần qua, bác sĩ Phạm Hương (Bệnh viện K) đã gặp một bệnh nhân cũ. Cô ấy giờ đã 25 tuổi, rất xinh và mới lập gia đình. Cô ấy đang làm việc ở một trường mầm non, giờ đến bệnh viện khám lại để chuẩn bị sinh con.

Ít ai biết được rằng 8 năm trước, ở tuổi 17, đứng trước nguy cơ phải cắt cụt chi mà vẫn chưa chắc giữ được mạng sống, quả là cú sốc cực lớn với gia đình và cô gái trẻ. Trong sáu đợt truyền hóa chất, do tác dụng phụ của hóa chất, cô ấy nôn rất nhiều, mấy lần cô toan bỏ cuộc...

"Nhưng sự quyết liệt đến hà khắc của bác sĩ, sự chăm sóc của gia đình, tình yêu thương cao thượng của người bạn trai đã giúp cô ấy vượt qua, không những không phải cắt cụt chi mà còn thoát chết.

Chồng cô ấy vẫn là chàng trai năm xưa. Tôi có hỏi về căn bệnh ung thư, cô ấy nói mình đã khỏi bệnh và đang định sinh con" - bác sĩ Hương vui mừng cho hay về người bệnh của mình.

Đang có rất nhiều bệnh nhân như vậy, chị Cẩm Bào, chị Thu Huyền, những người đang chiến đấu với căn bệnh ung thư vú và đã có trên 5 năm "chung sống" với bệnh, nhưng họ đều đang nỗ lực hằng ngày hằng giờ và quyết định không bao giờ bỏ cuộc.

Bệnh nhân Hiển chiến thắng 2 bệnh ung thư ở giai đoạn cuối... Theo bác sĩ Hương, điều khó khăn là nhiều người bệnh vẫn e ngại, coi bệnh ung thư như án tử.

"Ung thư không phải là dấu chấm hết nếu chúng ta chiến đấu với nó bằng tinh thần chiến binh" - ông Trần Văn Thuấn, giám đốc Bệnh viện K, nói.

Và còn rất nhiều bệnh nhân từng mắc bệnh ung thư đã quay lại làm điều gì đó cho những người bệnh ung thư khác và cả cộng đồng. Và tháng 11 này, nhiều người trong số họ sẽ có mặt ở ngày hội "Ước mơ của Thúy", họ đang viết tiếp ước mơ này.

Mời bạn đọc tham gia chiến dịch "Tôi đồng hành"

Ước mơ của Thúy (báo Tuổi Trẻ) - chương trình đồng hành với bệnh nhi ung thư đã bước sang năm thứ 11. Ngày hội hoa hướng dương năm nay dự kiến tổ chức vào ngày 25-11, tại 2 địa điểm TP.HCM và Hà Nội (Viện Huyết học truyền máu trung ương, đường Phạm Văn Bạch, Q.Cầu Giấy).

Trong chương trình đi bộ Đồng hành cùng bệnh nhi ung thư tại công viên văn hóa Đầm Sen (cổng Lạc Long Quân, Q.11, TP.HCM) vào ngày 25-11, với mỗi người tham gia đi bộ, Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng NutiFood sẽ đóng góp 50.000 đồng vào quỹ dành cho bệnh nhi ung thư.

Để gây quỹ cho ngày hội, ngay bây giờ bạn đọc có thể tham gia chiến dịch "Tôi đồng hành" thông qua mạng xã hội Facebook bằng ba bước đơn giản là vẽ tranh hoặc làm hoa hướng dương, viết thông điệp yêu thương dành cho bệnh nhi ung thư và ngày hội vào ảnh; đăng ảnh lên trang Facebook cá nhân của mình và gõ thêm hashtag với dòng chữ #ngayhoihoahuongduong2018, #uocnguyenhong2018; tag mời thêm ba người bạn Facebook của mình cùng ủng hộ.

Mời bạn đọc cùng tham gia hiến máu, sẻ chia sự sống với bệnh nhi ung thư từ 7h - 11h chủ nhật ngày 18-11 tại Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM (118 Hồng Bàng, Q.5; đăng ký bạn Hồng Phúc: 0962.942.908) và 8h - 10h ngày chủ nhật ngày 25-11 tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương Hà Nội (đường Phạm Văn Bạch, P.Yên Hòa, Q. Cầu Giấy; đăng ký bạn Thành Luân: 0984.733.960).

Ngày hội cũng tiếp nhận mọi đóng góp của cộng đồng dành cho bệnh nhi ung thư thông qua ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ (điện thoại: 0913.804.883 hoặc tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100 tại Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM, nội dung chuyển khoản: ủng hộ chương trình "Ước mơ của Thúy" giúp bệnh nhi ung thư).

Theo dõi fanpage của chương trình tại đây.

CÔNG TRIỆU

Mời bạn đọc hiến máu, hưởng ứng Ngày hội hoa hướng dương 2018 Mời bạn đọc hiến máu, hưởng ứng Ngày hội hoa hướng dương 2018

TTO - Mời bạn đọc báo Tuổi Trẻ cùng tham gia hưởng ứng cùng Ngày hội hoa hướng dương 2018 với nhiều hoạt động yêu thương và chia sẻ như hiến máu, đi bộ đồng hành; làm hoa hướng dương, chợ phiên gây quỹ…

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên