28/07/2021 12:21 GMT+7

Những người dám giã từ ký lương - Kỳ 8: Anh cán bộ bỏ việc, về muối ba khía

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - Chồng từng là cán bộ nông nghiệp, vợ tốt nghiệp ngành thiết kế tàu thủy, nhưng hai vợ chồng lại nổi danh với nghề... muối ba khía ngay ở vùng đất là thủ phủ của loài cua rừng này.

Những người dám giã từ ký lương - Kỳ 8:  Anh cán bộ bỏ việc, về muối ba khía - Ảnh 1.

Sang và mẻ ba khía muối mới

Làm ăn ai cũng muốn lớn mạnh. Nhưng giữ được hồn nghề mới quan trọng hơn. Nếu chỉ vì đồng tiền, có lẽ tôi đã khác.

CHÂU THANH SANG

Làm chơi không ngờ ăn thiệt

Năm ngoái, khi nghề muối ba khía được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, những người tìm kiếm loại sản vật này lại đổ về Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau). 

Tương truyền rằng con ba khía ở đây là ngon nhất thế giới. Vùng rừng đước ở tận cùng đất nước vốn tồn tại nhiều giai thoại về loài cua rừng này, với những mùa "ba khía hội" được mô tả như là thời khắc thăng hoa của thiên nhiên đất rừng phương Nam.

Con ba khía và nghề muối ba khía đã nuôi sống nhiều thế hệ lưu dân, làm nên tên tuổi những người cố cựu nơi đây. Vậy nhưng khi phải tìm một địa chỉ để chứng minh ba khía Rạch Gốc ngon đến mức nào, thì dân ở đây lại chỉ đến anh chàng mới ngoài 30 tuổi mà không phải là một lão dân rừng nào khác. 

Một cán bộ ở Bảo tàng tỉnh Cà Mau còn không tiếc lời giới thiệu: "Tui đem cho nhiều người am hiểu, sành ăn xa gần thử hết rồi. Ba khía muối chỗ vợ chồng Sang làm là chuẩn chất Rạch Gốc".

Tôi tìm đến căn nhà sàn nằm đối diện cù lao Giá. Anh thương binh Lý Văn Bùi thấy có khách, thoăn thoắt bằng đôi tay bơi xuồng qua bắt chuyện. 

Rồi anh kể về anh chàng Châu Thanh Sang: "Sang nó nhỏ mà "biết điều" với bà con lắm. Tui chiến đấu về cụt hai chân, sống ở đây rồi bắt ba khía về bán cho nó. Tui cố gắng mưu sinh nhưng nó còn cố gắng hơn tui...".

Sang không phải là dân cố cựu Rạch Gốc. Thời gian trước, chàng cán bộ nông nghiệp từ thành phố về vùng rừng này với mong ước bảo vệ sản vật xứ sở. Sang kể mỗi chiều khi tan sở, không vợ con, anh hay lân la nhà người dân ở Rạch Gốc, Kiến Vàng để hỏi chuyện đời sống. Anh bị thu hút khi thấy bà con muối ba khía. 

Dân ở đây tánh tình phóng khoáng. Họ muối ba khía dù là để ăn hay bán, khi có người hỏi bí quyết cũng chẳng mấy ai hẹp bụng giấu nghề.

Những lần lân la "coi chơi" ấy, Sang không ngờ mình lại học được bí quyết muối ba khía. Cái nghề đã giúp cho nhiều người Rạch Gốc nổi tiếng.

Về nhà "ngứa tay chân", Sang muối thử mớ ba khía đầu tiên. Với vốn kiến thức được chỉ dạy từ những người nhiều năm trong nghề, Sang vẫn không ngờ mình đã làm được ba khía muối. Ban đầu anh tặng bạn bè, đồng nghiệp, người thân ăn chơi. Chẳng lâu sau họ lại hỏi mua. 

Nhiều người hỏi ba khía muối giống như hôm trước anh tặng, mua ở đâu chỉ họ mua. Vậy là anh tiếp tục làm mẻ mới. Dần dần, chàng cán bộ nông nghiệp trở thành đầu mối cung cấp mắm ba khía với lượng khách ngày càng đông.

Những người dám giã từ ký lương - Kỳ 8:  Anh cán bộ bỏ việc, về muối ba khía - Ảnh 3.

Ba khía muối là món đặc sản danh tiếng vùng Rạch Gốc, Cà Mau - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Giữ hồn nghề

"Làm được mỗi mẻ ba khía ngon là mình mê lắm. Cái mùi thơm đặc trưng của ba khía, cái vị ngon đặc trưng làm mình bỏ không được" - Sang chia sẻ.

Một ngày, Sang trình bày với cấp trên cho anh thôi việc. Bất ngờ nhưng khi nghe Sang nói muốn tập trung phát triển nghề làm ba khía muối, một đặc sản của Rạch Gốc, sếp đã đồng ý để anh chuyển nghề. 

Đồng nghiệp nghe tin Sang từ việc Nhà nước về làm ba khía muối, nhiều người ủng hộ vì họ biết "hồn vía" anh đã gửi vào con ba khía rồi.

Người ta nghĩ khi quyết định khởi nghiệp với con ba khía, Sang sẽ cưới con gái chủ vựa ba khía hay một gia đình cố cựu nào đó. Nhưng anh chàng lại yêu và cưới vợ là một kỹ sư ngành thiết kế tàu thủy. Cưới xong, anh dẫn vợ về thẳng với rừng.

Nỗi lo cô gái chữ nghĩa, lại học hành thiết kế, vợ Sang sẽ khó hòa nhập cái nghề muối mắm ở miệt rừng này. Nhưng Sang không ngờ chẳng lâu sau vợ anh chẳng những lãnh hội bí quyết muối ba khía, mà còn phát triển thêm nghề làm mắm tôm, mắm cá với một thương hiệu riêng.

Nói gọn vậy, nhưng làm ăn không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Mà nghề làm mắm muối nếu gặp rủi ro thì đồng nghĩa mất trắng. Sang nói không chỉ một lần, mà vài lần đã thử thách anh như thế.

Con ba khía sắp đến mùa "ba khía hội" sẽ lột vỏ. Đến khi cứng cáp, chúng sẽ mang áo mới đi tìm bạn tình. Ban đầu anh không biết điều đó, mua phải ba khía lột về làm mắm. Đến khi giở ra thì hư cả mẻ ba khía muối. Có nghĩa là anh mất trắng. 

Những lần sau, nghe người đi trước chỉ dạy, anh lựa thời điểm mua, lựa bỏ những con ba khía lột. Nhưng nếu mười con cứng cáp, chỉ gặp một, hai con ba khía lột thì mẻ đó coi như bỏ. Những lần như vậy, vợ chồng chỉ biết động viên nhau không nản chí, rằng cuộc đời cũng có những thử thách, khó khăn mới biết quý thành công.

Thất bại, làm lại, rồi lại thất bại, làm lại..., bao nhiêu lần như thế đã giúp anh chàng càng cương quyết hơn. Nhận thấy nếu cứ làm nhỏ lẻ, phó mặc số phận cho rủi may mãi thì sẽ không thể thực hiện được kế hoạch cuộc đời. 

Anh bắt đầu những bước đi căn cơ hơn. Từ chuẩn hóa công thức, làm thương hiệu, đến đầu tư kho lạnh để đảm bảo ba khía chỗ anh ổn định chất lượng, tránh rủi ro, giải quyết được con ba khía lột...

Khi Sang quyết tâm làm thì cũng là lúc ngành văn hóa Cà Mau xây dựng đề án xin công nhận nghề muối ba khía là Di sản quốc gia. Các cán bộ của Bảo tàng tỉnh Cà Mau chủ xị đi thu thập thông tin, tư liệu nghề muối ba khía về làm đề án. Dĩ nhiên, họ xuống vùng rừng Rạch Gốc. 

Ban đầu, họ gặp những cơ sở làm ba khía muối lâu năm ở đây nhưng đều gặp sự ngần ngại. Có lẽ do cách làm ăn của dân ở đây phần nhiều không muốn phô trương, một phần họ cũng chẳng hiểu giúp những cán bộ trẻ này thu thập bí quyết làm ăn liệu có lợi gì...

Thế rồi cũng có người giới thiệu nhóm nghiên cứu đến gặp Sang. Từng là cán bộ nhà nước, Sang đồng cảm việc làm của anh em từ tỉnh xuống. Vậy là anh gật đầu đồng ý cho khách lạ "ăm dầm nằm dề" ở nhà mình để cận cảnh việc bắt, muối ba khía từng công đoạn. Anh cũng chỉ tường tận bí quyết cho họ. 

"Không lâu sau, anh Vĩnh, giám đốc bảo tàng, gọi báo cho tôi là nghề muối ba khía của bà con Rạch Gốc đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Anh ấy cảm ơn những giúp đỡ của tôi với nhóm viết đề án".

Sau sự kiện đó, khách hàng khắp nơi tìm đến thương hiệu ba khía muối Châu Sang. Lớp nào các cơ quan đặt hàng làm quà tặng, khách du lịch tìm mua, lớp nào các cơ quan truyền thông tìm hỏi. Anh chàng trẻ tuổi vô tình xuất hiện như một trong những người tâm huyết giữ nghề muối ba khía truyền thống.

Làm ăn tử tế với nhau

Trở lại chuyện anh thương binh tên Bùi nhắc về Sang, về cái tánh "biết điều" của chàng trai trẻ. Bởi người ăn ba khía ngày càng nhiều, mà ba khía đến giờ vẫn là loài cua rừng, sống hoang dã, chưa thể nuôi được.

Để có ba khía làm nguyên liệu, các chủ cơ sở làm mắm phải trông vào đội ngũ đi bắt ba khía trong trong rừng. Chưa kể, mối lái khắp nơi cũng tìm đến Rạch Gốc để tìm mua vùng ba khía ngon nức tiếng này.

Tình thế phải có sự cạnh tranh để mua ba khía sống. Là người trẻ, Châu Thanh Sang vừa đối xử tử tế với dân rừng sống bằng nghề bắt ba khía, vừa chủ động nhường nguồn nguyên liệu cho các hộ sản xuất khác.

"Tiềm lực nó có thể bao mua cả một vùng nhưng nó không làm như vậy" - người bắt ba khía nói.

Lương kỹ sư xây dựng ngàn đô của chồng và lương trình dược viên của vợ cũng xấp xỉ ngàn đô. Nhưng Lê Ngọc Anh và Doãn Hải Vân đã bỏ hết để trở về quê hương xây dựng thương hiệu mắm sạch.

Kỳ tới: Vợ chồng bỏ lương ngàn đô về  làm mắm sạch

Những người dám giã từ ký lương - Kỳ 7: Cô gái Khmer mê đường thốt nốt Palmania Những người dám giã từ ký lương - Kỳ 7: Cô gái Khmer mê đường thốt nốt Palmania

TTO - Từng có hơn 10 năm làm trong lĩnh vực ngân hàng và vị trí trưởng phòng một tổ chức phúc lợi cộng đồng nên việc Dịu trở về quê gắn bó với đường thốt nốt khiến bạn bè không khỏi bất ngờ.

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên