25/03/2021 16:44 GMT+7

Những người anh hùng trẻ tuổi trên tem bưu chính

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Những tấm gương anh hùng trẻ tuổi sẵn sàng hi sinh vì độc lập dân tộc được thể hiện qua tem bưu chính nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, hun đúc tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ.

Những người anh hùng trẻ tuổi trên tem bưu chính - Ảnh 1.

Ngày 23-3, tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc lại những tấm gương anh hùng trẻ tuổi và khẳng định, trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, bất kỳ quốc gia, dân tộc nào, thanh niên cũng là lực lượng quan trọng, đông đảo và có những đóng góp to lớn cho xã hội.

“Nhắc lại một đôi điều như vậy vào giờ phút trang trọng này để muốn khẳng định rằng: Lịch sử nước ta đã từng dành những trang chói lọi cho tuổi trẻ nước ta, và tiền đồ xán lạn của dân tộc đang nằm trong tay và chờ đón tuổi trẻ nước ta”

Tổng bí thư, Chủ tịch nước NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn (26-3-1931 - 26-3-2021), Tuổi Trẻ Online gửi đến hình ảnh những người anh hùng của tuổi trẻ Việt Nam được thể hiện qua tem bưu chính.

Anh hùng Lý Tự Trọng (1914 - 1931)

Lý Tự Trọng tên thật Lê Hữu Trọng, quê gốc ở Hà Tĩnh nhưng sinh ra ở Thái Lan và từng học tập ở Trung Quốc.

Năm 1929, ông về nước hoạt động với nhiệm vụ thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Đông Dương và làm liên lạc cho Xứ ủy Nam kỳ với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1931, trong một buổi mittinh kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Yên Bái tổ chức tại Sài Gòn, Lý Tự Trọng đã bắn chết viên mật thám Le Grand và bị bắt.

Những người anh hùng trẻ tuổi trên tem bưu chính - Ảnh 3.

Anh hùng Lý Tự Trọng trên tem bưu chính - Ảnh: BẢO TÀNG TUỔI TRẺ VIỆT NAM

Tại phiên tòa xét xử, anh tuyên bố: "Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác". Ngày 21-11, trước khi lên máy chém, người anh hùng 17 tuổi đã hô tên Việt Nam và hát bài Quốc tế ca, giữ vững tinh thần cách mạng đến phút cuối đời.

Hình ảnh anh hùng Lý Tự Trọng được giới thiệu trên tem Bưu chính Việt Nam dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam (MS 187 - phát hành ngày 26-3-1966) do họa sĩ Nguyễn Kim Điệp thiết kế, khuôn khổ 30x50mm.

Nổi bật trên hình ảnh mẫu tem chân dung anh Lý Tự Trọng dưới lá cờ Đảng và huy hiệu Đoàn Thanh niên.

Anh hùng Kim Đồng (1929 - 1943)

Anh Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền, người dân tộc Nùng, quê ở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng.

Anh là người đội trưởng đầu tiên của tổ chức Đội Nhi đồng cứu quốc (nay là Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh). Anh hi sinh khi vừa tròn 14 tuổi.

Những người anh hùng trẻ tuổi trên tem bưu chính - Ảnh 4.

Anh Kim Đồng trên tem bưu chính - Ảnh: BẢO TÀNG TUỔI TRẺ VIỆT NAM

Trong một lần đi liên lạc về, giữa đường gặp lính địch phục kích gần nơi có cán bộ của ta, Kim Đồng đã nhanh trí đánh lạc hướng cho bọn địch nổ súng về phía mình. Nhờ tiếng súng báo động ấy, các đồng chí cán bộ ở gần đó tránh thoát lên rừng, nhưng anh Kim Đồng bị trúng đạn và hi sinh.

Năm 1997, Nông Văn Dền (tức Kim Đồng) được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Hình ảnh anh Kim Đồng, một chiến sĩ giao liên cách mạng được giới thiệu trên tem Bưu chính Việt Nam thông qua bộ tem kỷ niệm 35 năm truyền thống ngành bưu điện (MS 367 - phát hành ngày 15-8-1980).

Anh hùng Võ Thị Sáu (1933 - 1952)

Chị tên thật là Nguyễn Thị Sáu, quê ở xã Phước Thọ, quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (nay là Bà Rịa - Vũng Tàu).

Mới 14 tuổi, chị đã đi theo anh trai tham gia hoạt động cách mạng ở trên chiến khu, vừa làm nhiệm vụ mua hàng, vừa giao liên để nắm tình hình địch.

Những người anh hùng trẻ tuổi trên tem bưu chính - Ảnh 5.

Chị Võ Thị Sáu trên tem bưu chính - Ảnh: BẢO TÀNG TUỔI TRẺ VIỆT NAM

Năm 1950 tại trận chiến Đất Đỏ, chị bị chính quyền Pháp bắt sau khi đã ném lựu đạn tại chợ Đất Đỏ, giết chết cai tổng Tòng.

Sau gần ba năm tra tấn, giam cầm, quân Pháp đưa chị ra giam ở Côn Đảo. Các luật sư biện hộ cho chị đã phản đối án tuyên với lý do chị chưa đủ 18 tuổi nhằm đưa chị thoát khỏi án tử hình. Tuy vậy, tòa án Pháp không chấp nhận.

Bản án này đã gây chấn động dư luận, gây ra sự phản đối mạnh mẽ tại Việt Nam và ngay tại nước Pháp. Vì vậy, chính quyền quân sự Pháp không thể công khai thi hành án. Chúng tiếp tục giam cầm và đợi đến khi chị qua 18 tuổi để tử hình. Chị Sáu hi sinh ngày 23-1-1952.

Mộ của chị Võ Thị Sáu hiện ở nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo. Năm 1993, chị được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Hình ảnh chị Võ Thị Sáu được giới thiệu trên tem Bưu chính Việt Nam dịp kỷ niệm lần thứ 25 ngày thành lập nước (MS 244 - phát hành ngày 2-9-1970). Bộ tem do họa sĩ Trần Huy Khánh thiết kế, khuôn khổ 45x32mm.

Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi (1940 - 1964)

Quê anh ở xã Thanh Quýt, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 16 tuổi anh vào Sài Gòn làm việc, đầu tiên là đạp xích lô, sau là thợ điện ở xưởng Ngọc Ánh. Anh là chiến sĩ giải phóng trong đơn vị biệt động bí mật của Sài Gòn, đã đặt mìn trên cầu Công Lý mưu giết bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara. Anh bị bắt vào ngày 9-5-1964 và bị giam ở khám Chí Hòa 5 tháng.

Ngày 15-10-1964, chính quyền Sài Gòn đưa anh ra xử bắn tại sân sau nhà lao khám Chí Hòa.

Những người anh hùng trẻ tuổi trên tem bưu chính - Ảnh 6.

Hình ảnh anh Nguyễn Văn Trỗi được giới thiệu trên tem bưu chính - Ảnh: BẢO TÀNG TUỔI TRẺ VIỆT NAM

Trên pháp trường, trước họng súng của đội hành quyết, Nguyễn Văn Trỗi đã hô vang khẩu hiệu yêu nước: "Hãy nhớ lấy lời tôi - Đả đảo đế quốc Mỹ! - Đả đảo Nguyễn Khánh! - Hồ Chí Minh muôn năm...! - Việt Nam muôn năm".

Hình ảnh anh Nguyễn Văn Trỗi được giới thiệu trên tem bưu chính thông qua các bộ tem hội nghị Bộ trưởng Đường sắt các nước Xã hội chủ nghĩa (MS 158 - phát hành ngày 23-3-1965).

Bộ tem gồm 2 mẫu do họa sĩ Trần Lương thiết kế, khuôn khổ 40x28mm. Trên mẫu tem giới thiệu hình ảnh đầu máy hơi nước đầu tiên do Nhà máy xe lửa Gia Lâm thiết kế và sản xuất mang tên là "Đầu máy Tự lực 1 - Nguyễn Văn Trỗi", bên cạnh là chân dung anh Nguyễn Văn Trỗi, phát hành ngày 20-7-1965.

Anh hùng Nguyễn Viết Xuân (1934 - 1964)

Quê anh ở xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. 18 tuổi, anh xung phong vào bộ đội ở trung đoàn pháo cao xạ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị tham gia chiến đấu, bắn rơi nhiều máy bay địch.

Những người anh hùng trẻ tuổi trên tem bưu chính - Ảnh 7.

Anh hùng Nguyễn Viết Xuân trên tem bưu chính - Ảnh: BẢO TÀNG TUỔI TRẺ VIỆT NAM

Mười năm sau, đơn vị anh đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ bầu trời phía Tây Quảng Bình. Nguyễn Viết Xuân - người chính trị viên đại đội với khẩu lệnh: "Nhằm thẳng quân thù, bắn!" đã trở thành bất tử, biểu tượng của khí phách tuổi trẻ Việt Nam chống cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc.

Tem Anh hùng Nguyễn Viết Xuân là mẫu 638 trong bộ tem 6 mẫu kỷ niệm lần thứ 25 ngày thành lập nước (2-9-1945 - 2-9-1970).

Những bà mẹ anh hùng tại triển lãm Mẹ và trái tim người lính Những bà mẹ anh hùng tại triển lãm Mẹ và trái tim người lính

TTO - Một cuộc hội ngộ xúc động với những người mẹ liệt sĩ trên khắp cả nước đang diễn ra tại Hà Nội qua những bức ảnh của nhà báo Trần Hồng.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên