19/09/2023 18:55 GMT+7

Những ngành nào phải cắt giảm lao động nặng nề?

Báo cáo thực trạng nhân sự ngành sản xuất do Navigos Group công bố khảo sát 1.000 lao động ở 500 doanh nghiệp cho thấy nhiều nơi sụt giảm doanh thu, phải cắt giảm lao động.

Ngành dệt may, da giày là một trong hai ngành đứng đầu về tỉ lệ sụt giảm doanh thu - Ảnh: VŨ THỦY

Ngành dệt may, da giày là một trong hai ngành đứng đầu về tỉ lệ sụt giảm doanh thu - Ảnh: VŨ THỦY

Đứng đầu là sản xuất vật liệu xây dựng

Đứng đầu các ngành bị sụt giảm doanh thu nặng là sản xuất vật liệu xây dựng (97% số doanh nghiệp tham gia khảo sát). Tiếp theo là dệt may, da giày (82% doanh nghiệp bị sụt giảm, trong đó 44% doanh nghiệp sụt giảm 20 - 40% doanh thu) và sản xuất công nghiệp (76% doanh nghiệp).

Các ngành công nghệ cao cũng có tới 69% doanh nghiệp sụt giảm doanh thu nhưng mức độ ít nghiêm trọng hơn (21% doanh nghiệp sụt giảm dưới 10%, 17% sụt giảm dưới 20%). Tuy nhiên công nghệ cao có tỉ lệ doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu cao nhất với 28%.

Nguyên nhân sụt giảm hầu hết được các doanh nghiệp tham gia khảo sát đưa ra là do bị ảnh hưởng bởi nguồn cầu cả trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp cũng dự đoán việc phục hồi kinh doanh chưa thể diễn ra nhanh chóng.

Đa số doanh nghiệp (39%) dự đoán mất đến 12 tháng hoặc thậm chí hơn 12 tháng thị trường mới có thể phục hồi. Chỉ có 8% doanh nghiệp cho rằng kinh tế sẽ phục hồi sau 3 tháng.

Đối phó với tình trạng sụt giảm doanh thu, doanh nghiệp ở các ngành đều chọn cách cố gắng duy trì quy mô hiện tại. Tuy nhiên vẫn có nhiều doanh nghiệp chọn thu hẹp quy mô, đứng đầu tỉ lệ này là ngành dệt may, da giày với 32%, sản xuất vật liệu xây dựng 34%.

Việc thu hẹp quy mô dẫn đến một tỉ lệ lớn lao động bị cắt hợp đồng hoặc bị cắt giảm giờ làm. Là ngành có tỉ lệ sụt giảm doanh thu đứng thứ hai, đa phần doanh nghiệp dệt may, da giày chọn giải pháp cắt giảm giờ làm (52%) và cắt giảm lao động (24%).

Trong khi công nghệ cao có đến 56% doanh nghiệp thu hẹp quy mô bằng cách cắt giảm lao động.

Theo thống kê, trong số lao động bị cắt giảm giờ làm có 58% người lao động ngành sản xuất bị cắt giảm 30 - 50% lương, 34% bị cắt giảm 10% lương, 6% bị cắt giảm 10 - 30% lương. Khoảng 2% bị cắt giảm nhiều hơn 50% lương.

Bên cạnh đó, người lao động được khảo sát cho biết họ cũng bị cắt giảm giờ làm, giảm tiền tăng ca và không nhận được trợ cấp như thường lệ.

Đẩy mạnh tự động hóa

Một xu hướng được ghi nhận tại khảo sát là tất cả các ngành đều có khuynh hướng áp dụng tự động hóa vào khâu sản xuất. Có ngành còn muốn áp dụng tự động hóa vào tất cả các khâu.

Cụ thể, ngành công nghệ cao có 52% doanh nghiệp áp dụng tự động hóa tất cả các khâu. Ngành dệt may, da giày có 60% doanh nghiệp áp dụng tự động hóa cho khâu sản xuất. Ngành dược phẩm, công nghệ sinh học có 62% doanh nghiệp áp dụng tự động hóa cho khâu sản xuất.

Tự động hóa trong khâu sản xuất, ngành nông lâm nghiệp có 64% doanh nghiệp áp dụng, ngành sản xuất công nghiệp có 54% doanh nghiệp áp dụng, ngành tự động hóa - ô tô có 82% doanh nghiệp áp dụng tự động. Trong khi các ngành khác có 75% doanh nghiệp áp dụng tự động hóa cho tất cả các khâu.

Pouyuen chi 1.129 tỉ đồng hỗ trợ lao động bị cắt giảm năm 2023Pouyuen chi 1.129 tỉ đồng hỗ trợ lao động bị cắt giảm năm 2023

Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam cho biết đã chi khoảng 1.129 tỉ đồng hỗ trợ 9.200 lao động sau ba đợt cắt giảm tính đến nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên