Những liệt sĩ thời bình: Đổ máu cho quê hương

TÂM LỤA 06/04/2017 20:04 GMT+7

TTO - “Đại úy Lường Phát Chiêm (PC65, Công an tỉnh Sơn La) hi sinh ngày 19-7-2014 tại bản Thung Cuông, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La khi trực tiếp chiến đấu với nhóm vận chuyển trái phép chất ma túy có vũ trang”.

*** Error ***
Ba năm từ ngày anh Chiêm ra đi, nỗi đau vẫn chưa nguôi trong lòng mẹ anh, bà Lường Thị Phói, 77 tuổi - Ảnh: T.L.

Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng

Hai xã Vân Hồ và Lóng Luông được xem là điểm nóng nhất về ma túy của huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Chuyên án mang tên 279 đấu tranh với các tội phạm ma túy do Công an tỉnh Sơn La xây dựng đã được Bộ Công an phê duyệt.

Tháng 6-2014, lực lượng cảnh sát đặc nhiệm báo tin sẽ có đợt vận chuyển ma túy số lượng lớn sắp diễn ra tại bản Thung Cuông, xã Vân Hồ. Lực lượng trinh sát đã nằm rừng nhiều ngày, ăn lương khô, uống nước suối để khảo sát địa hình đường rừng và những nương ngô xung quanh.

Rồi tin mật báo về: tối 19-7-2014, khoảng 200 bánh heroin sẽ được khoảng 30 đối tượng vận chuyển bằng đường rừng qua biên giới. Mỗi đối tượng đều được trang bị súng AK và cacbin. Nếu bị truy bắt, chúng sẽ chống trả rất quyết liệt để thoát thân. Vì số lượng ma túy vận chuyển lớn, bị bắt cũng chết mà để mất hàng cũng chết.

Đêm tác chiến hôm ấy không thể nào phai mờ trong ký ức anh Vũ Trung Kiên (tiểu đoàn cảnh sát cơ động, Phòng PK20, Công an tỉnh Sơn La). Chiều tối 18-7-2014, trời mưa lâm thâm nhưng anh Kiên và hơn 100 chiến sĩ gồm cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động, Công an huyện Vân Hồ, Công an tỉnh Sơn La đã bao vây khu vực bản Thung Cuông.

Mấy vòng lực lượng mai phục cùng bàn chông được bố trí. Nhiều phương án tác chiến được đưa ra với quyết tâm càn quét, truy bắt cho bằng được các đối tượng vận chuyển ma túy. Phục kích từ chiều tối thì đến 4h sáng hôm sau, lực lượng phục kích phát hiện nhóm khoảng 25 người mang theo vũ khí và cõng hàng trên lưng.

Công an đã dùng loa yêu cầu các đối tượng đầu hàng, giao nộp vũ khí để hưởng sự khoan hồng. Thế nhưng chúng không những không chấp hành mà còn bắn trả quyết liệt. Tình thế ấy buộc lực lượng công an phải nổ súng. “Khi chúng tôi được lệnh tiến vào sâu bên trong để tiếp ứng cho đồng đội thì phát hiện đại úy Lường Phát Chiêm bị thương nặng” - anh Vũ Trung Kiên kể lại.

Với vai trò một trung đội trưởng nhiều kinh nghiệm chiến đấu trong các vụ án ma túy lớn, anh Lường Phát Chiêm được cấp trên phân công mai phục ở vòng trong. Vết đạn của các đối tượng bắn xuyên qua hố mắt làm anh Chiêm mất quá nhiều máu.

Anh cùng một số chiến sĩ bị thương được đưa đi cấp cứu. Đồng đội của anh Chiêm - những người vừa nhìn thấy anh nằm xuống - không hề nao núng. Họ ở lại càn quét khu rừng đến 11h trưa. Các chiến sĩ lùng sục hết ba quả đồi, lần theo vết máu giữa đường rừng để bắt thêm được một đối tượng nữa.

Cuộc chiến ngày hôm ấy có 5 đối tượng bị bắt giữ, 6 balô chứa 110 bánh heroin bị thu giữ. Khi các đồng đội từ khu rừng rút về thì anh Lường Phát Chiêm đã được chuẩn bị đưa về quê mai táng. “Nỗi mất mát quá lớn khiến chúng tôi bàng hoàng” - anh Vũ Trung Kiên nhớ lại.

Họ là những người đã cùng ăn ở, cùng huấn luyện trên thao thường, cùng chiến đấu với nhau. Với tư cách là trung đội trưởng, anh Chiêm luôn động viên anh em trong đội phải cố gắng vượt qua gian khó. Anh cũng chia sẻ với họ về giấc mơ dang dở của mình: xây được một căn nhà nhỏ để vợ chồng có chỗ chui ra chui vào...

*** Error ***
Đồng đội của anh Lường Phát Chiêm tại tiểu đoàn cảnh sát cơ động thuộc Công an tỉnh Sơn La - Ảnh: Đức Toàn

Lẽ sống của người ra đi...

7h sáng 19-7-2014, khi nhận được cuộc điện thoại hỏi địa chỉ cụ thể của gia đình thì chị Tòng Thị Hiếu (vợ anh Chiêm) giật mình. Chị chột dạ lo không biết có chuyện gì xảy ra. Chị gọi điện thoại cho chồng thì không thấy anh nghe máy. Chị gọi cho đồng đội của anh, ai cũng bảo không có chuyện gì. Cho đến khi đồng đội của anh đến nhà báo tin anh hi sinh khi đang làm nhiệm vụ, chị vẫn không tin đó là sự thực.

Ngày anh hi sinh cũng là ngày anh hẹn cả gia đình sẽ về thăm ông bà nội. Anh dặn vợ cứ đưa con trai về trước, khi xong nhiệm vụ anh sẽ về sau. Lời hứa ấy của đại úy Chiêm đã mãi mãi không thành sự thực. Khi được đưa đến bệnh viện, chị Hiếu nhìn thấy trên mặt, trên áo, trên ngực, trên tấm ga trải của giường bệnh viện... thấm đầy máu chồng mình. Người chiến sĩ ấy đã hi sinh cả những giọt máu cuối cùng của mình cho quê hương.

Khi biết anh Chiêm chuyển công tác vào đội phòng chống ma túy, mấy người chị của anh đều lo lắng không yên. Ai cũng biết cuộc chiến đấu với ma túy quá khốc liệt. Nhưng anh luôn động viên gia đình: “Bố mẹ cứ yên tâm, con đi đâu cũng có đồng đội. Với giờ là thời bình chứ đâu phải thời chiến...”.

Động viên gia đình như thế, nhưng hơn ai hết anh Lường Phát Chiêm và đồng đội của anh hiểu được những hiểm nguy mà họ có thể gặp phải khi đấu tranh với tội phạm ma túy. Cả tháng 6-2014, để chuẩn bị cho chuyên án 279, anh không có thời gian về thăm vợ con. Trước ngày xảy ra sự việc, anh gọi cho vợ báo rằng mình phải đi công tác xa.

Vợ hỏi đi đâu, anh chỉ nói: “Có khả năng anh đi đánh án ma túy nhưng không sao đâu, em đừng lo!”. Chị Hiếu chỉ nghĩ anh đi rồi sẽ về như những chuyến công tác khác. Chị không thể ngờ giữa thời bình chồng mình có thể ra đi vì súng đạn...

“Vợ chồng trẻ đang sống với nhau quá hạnh phúc thì anh ra đi. Tôi biết đất nước có nhiều người làm nhiệm vụ phải hi sinh chứ không phải một mình chồng mình. Nhưng rơi vào hoàn cảnh của tôi mới thấu hết nỗi đau xót”... - chị Hiếu nói. 12 năm trong ngành, anh Chiêm luôn phấn đấu vì công việc.

Anh ở đơn vị và đi huấn luyện suốt nên từ khi yêu rồi trở thành vợ chồng, họ có rất ít thời gian bên cạnh nhau. Anh chị đã dành dụm mua được miếng đất gần đơn vị của anh. Họ dự định cuối năm 2016 khi anh Chiêm hoàn thành việc học liên thông ở Học viện An ninh nhân dân thì sẽ xây nhà. Rồi khi có điều kiện hơn sẽ dành thời gian đưa nhau đi du lịch...

Sau khi đại úy Lường Phát Chiêm hi sinh, chị Hiếu được mời về công tác tại Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Sơn La theo chính sách dành cho vợ liệt sĩ. Tháng 9-2015, sau hơn một năm suy nghĩ, chị Hiếu đồng ý khoác lên mình chiếc áo màu xanh ngành công an.

“Màu áo này là hi vọng, là niềm tự hào của anh” - nước mắt chị lặng lẽ rơi khi đặt bàn tay lên bộ đồng phục. Chị cố gắng học hỏi để hoàn thành nhiệm vụ. Đều đặn mỗi tháng, chị đều đưa con về thăm ông bà nội để cha mẹ anh nguôi ngoai nỗi đau. Sự hi sinh của anh đã trở thành lẽ sống của đời chị.

Tôi biết đất nước có nhiều người làm nhiệm vụ phải hi sinh chứ không phải một mình chồng mình. Nhưng rơi vào hoàn cảnh của tôi mới thấu hết nỗi đau xót"

Chị Tòng Thị Hiếu

****************

Kỳ tới: Nằm xuống giữa hòa bình

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận