09/04/2020 08:59 GMT+7

Những khuôn mặt hằn vết khẩu trang

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Không phải dễ khi cả tháng sống, làm việc hoàn toàn trong bệnh viện. Không phải dễ khi mặc 'áo mưa', đeo găng tay cao su và che kín khẩu trang suốt cả ngày... Nhưng họ, những y bác sĩ đã, đang và tiếp tục trải qua những ngày như thế.

Những khuôn mặt hằn vết khẩu trang - Ảnh 1.

Các bác sĩ làm việc tại các khu vực cách ly luôn phải mặc quần áo bảo hộ y tế kín mít trong suốt nhiều giờ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Đến hết hôm qua 8-4, cả nước có 251 ca mắc COVID-19, trong đó có 126 người đã khỏi bệnh.

Hôm qua cũng là 1 tháng 2 ngày bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai, trưởng khoa nhiễm khuẩn tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, và các đồng nghiệp "cắm trại" ở bệnh viện. Các y bác sĩ không về nhà từ ngày 6-3, khi bắt đầu đợt 2 của vụ dịch COVID-19 với ca bệnh số 17.

"Tôi ở một mình một phòng nên có thời điểm không phải mặc trang phục bảo hộ, còn lại các đồng nghiệp ở chung phòng phải mặc kể cả ban đêm, trong phòng bệnh thì chắc chắn phải bảo hộ kỹ hơn nữa" - bác sĩ Mai nhỏ nhẹ kể.

Không phải dễ mà cả tháng sống, làm việc hoàn toàn trong bệnh viện.

Không đi chợ, không giải trí, không siêu thị, không quần áo đẹp, không có người thân ở bên... tất cả y bác sĩ ở đây đều mặc trang phục bảo hộ, loại trang phục tương đối giống... chiếc áo mưa. Họ mặc những trang phục này suốt ngày và đôi tay khô ráp vì găng tay cao su.

Mùa dịch này, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và một số cơ sở y tế có điều trị bệnh nhân COVID-19 thật sự là "tuyến đầu chống dịch".

Đã có khoảng 100 bệnh nhân được điều trị ở bệnh viện này, gần 1/2 trong số này đã khỏi bệnh, 4/5 bệnh nhân nặng nhất phải thở máy, lọc máu liên tục, 1 người trong số đó phải chạy ECMO (thiết bị thay thế tim và phổi) đều đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm tính mạng, quay về với cuộc sống.

Nhưng trong những ngày điều trị cho bệnh nhân, có 2 bác sĩ ở bệnh viện này trở thành bệnh nhân COVID-19.

Và để có mỗi ca bệnh thành công, đặc biệt là những ca bệnh khó, các y bác sĩ đã ghi chép từng giờ, theo sát từng diễn biến của bệnh nhân, điều chỉnh mỗi thay đổi nhỏ nhất.

Mỗi ca làm việc tại khu vực bệnh nhân nặng kéo dài 12 giờ, dài hơn gấp rưỡi những ca làm việc bình thường, vì mỗi lần ra/vào đều phải thay đồ bảo hộ, phải sát khuẩn toàn thân để tránh lây lan.

Hôm 7-4, khi có 11 người bệnh được công bố khỏi bệnh ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, tìm mãi mới thấy chị Mai, thấy bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, bác sĩ Giang và một số bác sĩ.

Mọi người có ấn tượng về những khuôn mặt hằn vết khẩu trang do ca làm việc kéo dài ở Trung Quốc hồi đầu vụ dịch này? Ở Việt Nam chúng tôi cũng đã thấy những gương mặt như thế.

Và đến hôm nay 9-4, hơn 50% người bệnh COVID-19 ở Việt Nam đã khỏi bệnh. Mỗi lần có bệnh nhân khỏi bệnh, họ thường xếp hàng vỗ tay cảm ơn y bác sĩ, họ hiểu họ đã thoát khỏi những nỗi lo cả về tâm lý và thể lý, không chỉ của cá nhân họ.

Và những người "mặc áo mưa" hơn cả tháng kia, với nhiều người bệnh, là những người đáng nhớ hơn cả.

Những lá thư xúc động của bệnh nhân tri ân y bác sĩ họ không nhìn thấy mặt Những lá thư xúc động của bệnh nhân tri ân y bác sĩ họ không nhìn thấy mặt

TTO - Có cụ ông, cụ bà ở Vũ Hán không nhớ rõ tên và khuôn mặt y bác sĩ đã tận tình chữa trị cho họ. Khi xuất viện về nhà, họ đã gửi thư bày tỏ lòng biết ơn đến những "thiên thần áo trắng" đã cứu mạng họ.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên