22/01/2022 09:01 GMT+7

Những hàng trầu cau cuối cùng ở chợ Tết

DIỆU QUÍ
DIỆU QUÍ

TTO - Chợ trầu cau có tuổi đời trăm năm này hiện chỉ có trên dưới 15 người bán. "Tết mới đông đúc vậy thôi, chứ ngày thường mấy ai mua đâu. Năm nay dịch bệnh, khách còn ít hơn nữa" - bà Bảy nói khi có người hỏi thăm.

Những hàng trầu cau cuối cùng ở chợ Tết - Ảnh 1.

Chị Phước cho biết năm nay do dịch bệnh nên hàng bán không nhiều như mọi năm dù Tết đã cận kề - Ảnh: DIỆU QUÍ

Chỉ ít ngày nữa Tết Nguyên đán đến rồi, chợ trầu cau trăm năm nổi danh trên đường Lê Quang Sung (P.2, Q.6, TP.HCM) được điểm tô thêm màu của hoa mai, hoa đào bên cạnh chút sắc xanh của ít gian hàng trầu cau loe hoe còn ở lại. Và những cô hàng trầu cau bây giờ cứ như "người muôn năm cũ".

Trước kia tôi bán cho mấy chợ lẻ xung quanh nhiều, giờ người ăn lẫn người bán đều nghỉ nhiều rồi. Trầu cau bây giờ bán để cúng kiếng, đám cưới, làm thuốc trị bệnh, chứ mấy ai còn ăn nữa.

Chị Phước

4 đời nối nghiệp cau trầu

"Ở đây hỏi bà Bảy trầu cau là người ta biết, vì bà bán lâu nhất tới giờ mà" - bà Bảy cười nói. Quầy hàng của bà nằm ngay trước cổng bến xe đã 47 năm, trước đó bà bán trong chợ Bình Tây. Tính đến nay, bà Bảy gắn với nghiệp trầu cau "mới có 66 năm thôi à!".

Bà Bảy là người gốc Bà Điểm (Hóc Môn) như đa số người bán trầu cau ở chợ Lê Quang Sung. Ký ức của bà về thời "hoàng kim" của trầu cau chỉ vỏn vẹn vài dòng. 12 tuổi, bà theo mẹ ra chợ bán bằng xe ngựa trong bộ đồ bà ba. Sau khi lấy chồng, bà nghỉ vài năm rồi ra bán lại tới giờ.

"Hồi xưa người ta ăn trầu nhiều lắm, gái trẻ cũng ăn nữa. Tui bán ngày cỡ trăm ký, Tết thì thôi khỏi nói, không đủ mà bán. Chợ này lúc nào cũng đông vui, nguyên dãy đường này với đường đối diện người bán kẻ mua tấp nập. Khoảng 20 năm trở lại đây thì ít dần. Người già giờ ít ăn lắm, trẻ lại càng không ăn" - bà Bảy nói.

Hôm tôi đến, bà chuẩn bị dọn hàng về, khi ấy trời cũng xế trưa. Tuổi cao sức yếu không thể ngồi quá lâu nên bà Bảy không lấy hàng nhiều như các đồng nghiệp chủ yếu bán cho mối sỉ nên về sớm.

Mỗi ngày bà chỉ lấy một thùng cau 15kg, vài ba chục ký trầu từ nhà xuống bán chứ không ngồi tới 5 - 6h chiều như hồi trẻ. "Hồi trước bạn hàng lấy mỗi ngày, giờ 3 - 4 ngày mới lấy. Tết thì bán chạy hơn một chút. Tui chủ yếu bán cho mối quen, chứ bán lẻ ế lắm" - bà Bảy cho hay. Chỉ tay qua đường đối diện, bà nói đường đó trước kia có 4 người bán cỡ tuổi bà nhưng giờ đã chẳng còn ai nữa.

Bà Bảy là đời thứ tư bán trầu ở đây, khi tuổi đã xấp xỉ 80. Bà cho hay nơi mình sinh ra từng nổi danh "18 thôn vườn trầu" thì nay chỉ còn độ một thôn bởi không người trồng, trồng ra bán chẳng ai mua, lớp trẻ cũng không thiết tha nối nghiệp trong đó có con cháu bà Bảy.

Xót xa vì cái nghề trăm năm dần vắng bóng, bà Bảy tâm sự đã gắn bó mấy chục năm trời nên sẽ làm đến khi nào không đi nổi nữa thì thôi. "Ở nhà buồn, sinh bệnh nên ra chợ bán cho vui, giữ lại cái nghề ông bà. Bán hết mỗi ngày cũng kiếm được 200.000 đồng, đủ tui ăn với mua vé số. Con cháu kêu ở nhà, nhưng mình tự mần có tiền xài khỏe hơn" - bà vui vẻ nói.

Đẹp là được, ngon hay không... kệ

Dọc chợ, các hàng trầu cau bày biện kha khá những lá trầu, cau, vôi, thuốc xỉa... Những gian hàng ở đây đa số là người đứng tuổi bán nên có tuổi đời mấy chục năm, người trẻ nhất cũng ngoài 40.

Cách bà Bảy mấy bước chân, sạp hàng của chị Phước chất đầy mặt hàng nổi tiếng của chợ, có thêm cau kiểng để trang trí. Trước sạp, chị còn trang trí thêm cây mai giả cho đẹp. Chị Phước năm nay 47 tuổi nhưng đã theo mẹ ra chợ bán từ năm 13 tuổi và là đời thứ ba bán trầu ở chợ này.

Thoăn thoắt đan chiếc nơ đỏ vào buồng cau, chị Phước cho biết dù là dân Bà Điểm nhưng hàng bán được chị đặt các chành xe ở tỉnh lên rồi thuê xe ôm chở hàng ra chỗ bán. 

"Từ tháng 4 - 5 trở đi thì tui lấy hàng Bà Điểm, còn mùa này thì lấy dưới miền Tây. Bán hết thì gọi người ta chuẩn bị đem lên, còn bán chưa hết thì mai không dặn hàng. Ráng bán chứ để nó hư là ôm lỗ" - chị Phước cho biết.

Mỗi ngày, chị lấy khoảng 2 thiên cau (2.000 trái - PV), 20kg trầu để bán cho mối sỉ và khách lẻ. "Bữa nào mua được cau ngon, đẹp thì lời hai, ba trăm ngàn. Còn trúng cau xấu thì huề vốn hoặc lỗ" - chị kể. 

Cau ngon, đẹp sẽ có vỏ xanh mướt, láng mịn, ruột trắng chứ không đỏ, song chị Phước cho biết bây giờ ít ai quan tâm nó có ngon không, người ta chỉ cần bề ngoài đẹp để chưng bàn thờ hay đưa vào mâm sính lễ.

Cau một chục 13 trái có giá 40.000 đồng, bán lẻ 300.000 đồng/buồng, trầu mỗi ký 85.000 đồng. Cau cưới được người bán cắt tỉa nhánh dư thừa, dùng thun buộc lại rồi thắt nơ, dán giấy đỏ lên.

"Mọi năm người ta đi chợ xuân sắm sửa, bạn hàng tới lấy đồ về bán mà năm nay ít lắm, chừng tuần lễ nay mới nhộn nhịp chút. Trước kia tôi bán cho mấy chợ lẻ xung quanh nhiều, giờ người bán lẫn người ăn nghỉ nhiều rồi. Trầu cau bây giờ bán để cúng kiến, đám cưới, làm thuốc trị bệnh, chứ mấy ai còn ăn nữa.

Cưới hỏi mùa này cũng có nhưng không nhiều bằng mấy năm kia, tôi chủ yếu bỏ mối cho các dịch vụ cưới đặt trước" - chị Phước nói trong lúc đang trao đổi với anh Tân, tài xế chở trái cây từ Hậu Giang lên.

"Tết này chị có lấy trầu bán thêm không, em ở ngã 5 vùng trầu Vị Thủy, chở trái cây lên sẵn đem trầu lên luôn" - anh Tân mời chào chị Phước. Dù bị từ chối nhưng anh vẫn dặn chị Phước nếu khi nào thiếu hàng thì cứ alô cho anh.

Nhọc nhằn ráng giữ nghề

Theo chị Phước, hàng trầu cau vốn đã "về chiều", năm nay thêm dịch bệnh khiến hàng bán chậm hơn mọi năm dù đã gần Tết.

Nhiều lúc chị thấy nản vì khách quá ít, nhưng trong lòng vẫn yêu cái nghề đã gắn bó ba đời với nhà mình nên lại tiếp tục. "Bán quen rồi, giờ nghỉ cũng không biết làm gì" - chị Phước nói và chỉ sang sạp kế bên, cho hay mẹ chị cũng đang cố giữ nghề từng ngày.

Nghề bán trầu cau ngày càng hệt như buổi chợ chiều, nhiều người từng tâm huyết với nghề nhưng rồi cũng "vãn chợ" và cô ruột của chị là một trong số đó. 

"Xưa cả trăm người bán, khuya bỏ mối, sáng bán tới chiều, giờ loe hoe chưa tới 20 người mà bán còn ế lên ế xuống. Mấy người già "rụng" dần, không có con cháu tiếp tục" - chị Phước ngậm ngùi cho biết các con chị đều không ai muốn theo nghiệp trầu cau của bà, của mẹ.

May mắn hơn bà Bảy và chị Phước, bà Vân có con dâu đồng ý tiếp quản gian hàng trầu cau sau khi bà không làm nổi nữa. Bà Dung được mẹ truyền nghề lại, bà đã bán ở đây hơn 30 năm.

"Tui thích nghề này nên ráng theo tới giờ, ít người mua nhưng vẫn bán đủ sống được ngày 3 bữa cơm là mừng rồi. Tết người ta đặt trầu cau cúng, cưới hỏi mình cũng thấy vui" - bà Vân nói.

3(2) tc 1(read-only)

Bà Vân thắt chiếc nơ đỏ lên buồng cau được khách đặt mua cho lễ cưới - Ảnh: DIỆU QUÍ

Ngày thường, bà Vân lấy 40 - 50kg trầu, 2 thiên cau từ nhà ở Bà Điểm xuống bán tại chỗ và giao hàng.

Đợt cao điểm bắt đầu từ ngày 20 tháng chạp tới tháng 4 - 5 âm lịch, bà và nhiều người ở đây có thể bán lên đến 200 - 300kg/ngày, riêng tháng 7 âm lịch thường bán không chạy nên lấy ít. Đợt dịch vừa rồi, không thể ra chợ, vợ chồng bà cũng bán được cho mối quen dù số lượng không nhiều.

Trầu cau ngày tết hôm nay Trầu cau ngày tết hôm nay

TTO - "Ngày tư ngày tết' có thể thiếu bánh mứt chứ không thể thiếu trầu cau. Đó là quan niệm của ông cha ta ngày xưa nhưng xem ra phong tục ấy đang nhạt dần trong cuộc sống hiện nay ít dùng đến trầu cau.

DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên