09/12/2020 11:39 GMT+7

Những đứa trẻ chỉ muốn mãi được tới trường

CHÍ HẠNH - KHOA NAM
CHÍ HẠNH - KHOA NAM

TTO - Đúng giờ cơm trưa, bốn đứa trẻ quần áo lem luốc quây quần bên dĩa mì gói trụng nước sôi. Mì gói là món chính để trộn với cơm nguội ăn cho đỡ ngán.

Những đứa trẻ chỉ muốn mãi được tới trường - Ảnh 1.

Hai bà cháu Diễm Mai - cô bé học trò xuất sắc của Trường tiểu học Giục Tượng 2, huyện Châu Thành - Ảnh: CHÍ HẠNH

"Ở xứ này, đa số cha mẹ bọn trẻ khá nghèo, bôn ba tứ xứ mần ăn. Chắt chiu đủ thứ để tới trường mà mỗi năm cũng có vài đứa nản chí bỏ học. Thầy cô đi vận động cũng mệt lả người, khi thì đi đò, khi thì xe máy, cũng có khi cuốc bộ băng đồng".

Đó là chia sẻ của ông Phạm Văn Bá - hiệu trưởng Trường tiểu học Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

Bữa cơm trộn mì và ước mơ làm bác sĩ

Từ trung tâm huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, chúng tôi vừa đi vừa dò hỏi mất hơn một tiếng mới đến được ấp Tân Thành, xã Giục Tượng. 

Men theo dãy nhà cặp con lộ bêtông đang thi công dang dở, hỏi thăm người dân sống ven đường nhà cô bé Thị Diễm Mai (9 tuổi, học sinh lớp 4A1 Trường tiểu học Giục Tượng 2). Bên trong căn nhà có treo tấm bảng "nhà tình thương" tối om, xập xệ, tiếng một đứa trẻ vang lên: "Dạ con đây".

Đúng giờ cơm trưa, bốn đứa trẻ quần áo lem luốc quây quần bên dĩa mì gói trụng nước sôi. Mì gói là món chính để trộn với cơm nguội ăn cho đỡ ngán. Diễm Mai hồn nhiên giải thích: "Mấy chị em con ăn vầy quen rồi, cũng ngon lắm".

Những đứa trẻ chỉ muốn mãi được tới trường - Ảnh 2.

Bữa ăn của ba chị em Diễm Mai chỉ có cơm nguội trộn với mì gói trụng nước sôi - Ảnh: CH.HẠNH

"Có cơm ăn là trời độ lắm rồi!" - bà Thị Ngọc (60 tuổi, nội của Diễm Mai) nói, rồi cho biết thêm: "Diễm Mai có ba chị em, nhà thuộc diện hộ nghèo nên cha mẹ tụi nhỏ phải bơi xuồng khắp các kênh rạch chài lưới kiếm cá đem về bán. Tụi nó đi mấy ngày mới về, lúc đó mới có chút cá để ăn. Còn không thì cứ cơm trộn mì gói là qua ngày".

Căn nhà trống huơ trống hoác từ trước ra sau, thiếu thốn tới mức không mua nổi chiếc giường để ngủ. Đêm xuống, bốn bà cháu cùng chen nhau trên cái nền ximăng xây nhô cao ở sát góc nhà trước. 

"Thấy tụi nhỏ kham khổ quá đôi lúc cũng xót lòng, nên ban đêm tôi hay rọi đèn đi vớt ốc bán một ít lấy tiền mua mắm muối, còn lại làm thức ăn"- bà Ngọc kể.

"Khổ thì khổ chứ mấy đứa này ham học lắm", bà nói thêm.

Ở nhà, Diễm Mai là chị lớn, hai em gái của cô học trò đều được đến lớp và rất siêng năng học tập. Bản thân Mai còn là cô học trò xuất sắc, học lực xếp thứ nhì lớp 4A1. Kể chuyện đi học, Mai cho biết mỗi sáng bà nội dùng chiếc xuồng nhỏ chở cả ba chị em đi học, trưa rước về ăn cơm, rồi chiều tiếp tục trở lại trường. "Bữa nào bà bị đau ốm thì ba đứa con cùng lội bộ đến lớp, chừng hơn 3 cây số" - Mai nói.

Dù hoàn cảnh thiếu thốn nhưng ba chị em Mai đều rất ham học. Riêng Mai thì mơ ước sau này làm bác sĩ, trước hết để trị bệnh cho ông nội, rồi làm kiếm tiền phụ giúp ba mẹ nuôi em.

Nhổ rễ tranh nuôi 5 đứa cháu mồ côi

Ở xã Giục Tượng, do còn trắc trở về giao thông nên địa phương phải xây ba điểm trường cấp tiểu học, đó là Giục Tượng 1, Giục Tượng 2 và Giục Tượng 3. Qua hai lần đổi phương tiện di chuyển, chúng tôi mới đến được điểm trường xa nhất là Giục Tượng 3.

Ngôi trường nằm hẻo lánh gần cuối xã, cách xa trung tâm hành chính. Dù cố gắng tìm đến nhà cô bé học trò giỏi, mồ côi cả cha lẫn mẹ Danh Thị Bảo Ngân nhưng điều kiện không cho phép. 

Thầy hiệu trưởng Phạm Văn Bá cho biết để đến được nhà cô học trò ấy phải di chuyển 12km bằng đường sông, sau đó phải đi bộ băng qua cánh đồng nên xe máy không thể vào tới được. "Học trò ở đây còn khó khăn nhiều lắm, ngày nào tụi nhỏ cũng đi quá giang xuồng để đến lớp" - thầy nói.

Còn ở phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá, hoàn cảnh cô học trò Danh Thị Linh (lớp 6/4 Trường THCS Ngô Quyền) khác hẳn với chị em Diễm Mai. Tuổi thơ cô bé không được may mắn, bị mẹ bỏ rơi từ lúc 5 tháng tuổi, cha cũng mất sau một cơn bạo bệnh cách đây 2 năm. Anh trai Linh đành bỏ ngang việc học, theo ghe biển mưu sinh bằng nghề đánh cá khi vừa tròn 16 tuổi.

Những đứa trẻ chỉ muốn mãi được tới trường - Ảnh 3.

Danh Thị Linh - cô học trò chỉ mong muốn mãi được tới trường để thay đổi số phận - Ảnh: C.H.

Tụi con biết ông bà cực lắm, mong muốn của tụi con là làm sao được đi học, sau này có việc làm kiếm tiền lo cho nội.

DANH THỊ LINH

Căn nhà nửa tôn, nửa gạch, rộng chừng 50m2 nằm sâu trong con hẻm nhỏ là nơi sinh sống của bảy con người. "Ngoài Linh và em gái cháu, vợ chồng tui còn nuôi thêm ba đứa cháu khác, là con của mấy người con khác. Tụi nó đi làm ăn xa hết rồi, cả năm mới về một lần, còn cháu thì để đây vợ chồng tui cho ăn học" - ông Danh Chanh (70 tuổi, ông nội Linh) cho biết.

Ông Chanh chia sẻ thêm, gia đình ông mấy đời nay đều là hộ nghèo, con cái lớn lên đều tha phương cầu thực. Do đó, gian nhà nhỏ của ông mấy năm nay giống như một nhà trẻ, vì tất cả các cháu đều được gửi ở đây. 

Là hộ nghèo, nhưng gần đây chính sách hỗ trợ tiền bị cắt nên gia đình ông Chanh thêm chút gánh nặng. Hằng ngày, cả xóm Phi Kinh ai cũng quen với hình ảnh ông Chanh đèo lần lượt năm đứa cháu đến trường.

"Lo cho cháu xong, vợ chồng tui vác cuốc đi đó đây tìm cỏ tranh đào lấy rễ. Ngày được bốn năm ký rễ, đào xong còn phải mang về nhà chà cho thật sạch, thật bóng thì mối mới chịu mua. Mỗi ký được 50.000 đồng nhưng cũng ngày được, ngày thất" - bà Danh Thị Nhượng (70 tuổi, bà nội Linh) cho biết thêm.

Nhà không có bàn ghế dành riêng cho việc học, Linh cùng mấy đứa em của mình phải ngồi khòm lưng dưới đất để làm bài tập. Từ nhỏ, mấy chị em Linh không có điều kiện nên đứa nào cũng đi bộ tới trường. Lớn lên, ông nội được người con rể mua cho chiếc xe máy cà tàng nên chị em Linh tiện hơn đôi chút. 

Linh nói: "Lúc cha còn sống đi vác gạch nuôi mấy anh em con, ngày cha mất mẹ cũng chẳng về. Con chưa biết đạp xe, nhưng nếu có con sẽ cố tập chạy để hai chị em chở nhau tới trường".

600 suất học bổng tài trợ học sinh hai tỉnh Kiên Giang và Quảng Trị

Sáng nay 9-12, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) trao học bổng "Gieo mầm tri thức" tại hai huyện Châu Thành và An Biên (Kiên Giang) do Agribank tài trợ.

Hơn 300 suất học bổng, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng (gồm xe đạp và quà) thông qua Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, chi nhánh Phú Nhuận (Agribank Phú Nhuận, TP.HCM), sẽ đến tận tay các em nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ kịp thời và đồng hành cùng các học sinh có hoàn cảnh khó khăn này.

Dự kiến ngày 19-12 tới, 300 suất học bổng sẽ tiếp tục trao cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở hai huyện Hướng Hóa và Vĩnh Linh (Quảng Trị). Toàn bộ 600 suất học bổng trị giá 1,2 tỉ đồng và quà tặng được trích từ Quỹ tài trợ an sinh xã hội của Agribank và sự đóng góp của cán bộ nhân viên Agribank Phú Nhuận.

PHẠM KIM

Những đứa trẻ chỉ muốn mãi được tới trường - Ảnh 6.
'Gieo mầm tri thức': Đường đến trường chông chênh của Yến và Xuân

TTO - Đó là chuyện về hai cô gái nhỏ, Xuân (11 tuổi) và Yến (9 tuổi). Mỗi em một cảnh nghèo, một nghịch cảnh nhưng giống nhau từ chuyện đỡ đần cha mẹ, đảm đang việc nhà và quyết tâm học hành bằng nghị lực phi thường.

CHÍ HẠNH - KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên