11/10/2019 12:12 GMT+7

Những doanh nghiệp 'lặng lẽ'

NGỌC AN - NGỌC HIỂN
NGỌC AN - NGỌC HIỂN

TTO - Ngày doanh nhân Việt Nam, nhiều doanh nghiệp (DN) lớn được nhắc tên. Nhưng có những DN xã hội đang âm thầm đóng góp cho cộng đồng, cũng cần được vinh danh.

Những doanh nghiệp lặng lẽ - Ảnh 1.

Xưởng sản xuất thú bông của Công ty Kym Việt, nơi tạo việc làm cho hàng chục người lao động khuyết tật - Ảnh N.AN

Dù chưa được biết đến nhiều nhưng họ đang thay đổi cuộc sống cho hàng vạn người yếu thế, với sự bền bỉ đáng khâm phục.

Các DN muốn phát triển đều phải thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần bảo vệ môi trường, đóng góp cho xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng bền vững... Nếu DN không nhận thức đầy đủ hoặc chưa xem trọng vai trò xã hội của mình sẽ khó phát triển bền vững.
Ông Chu Tiến Dũng (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM)

Đến Công ty cổ phần Kym Việt (Hà Đông, Hà Nội) vào một buổi sáng mới đây, trong ngôi nhà 4 tầng rộng chỉ chừng 20m2, những bạn trẻ khiếm thính như Huyền vẫn đang miệt mài làm việc. Nếu lần đầu tới đây, chẳng ai nghĩ rằng những bạn trẻ đang say mê làm việc, người may máy, người kẻ vẽ, dập là, cắt mẫu... đều là những người khuyết tật.

Nếu được hỗ trợ...

Ngồi trên chiếc xe lăn, anh Phạm Việt Hoài - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kym Việt - cho biết sau khi bị tai nạn và không còn khả năng đi lại, anh có điều kiện tiếp xúc với người khuyết tật nhiều hơn.

Và anh hiểu được rằng dù đã được cộng đồng xã hội quan tâm, hỗ trợ nhưng cuộc sống của cộng đồng người khuyết tật vẫn quá khó khăn, vì thế điều cần nhất không chỉ là hỗ trợ mà còn cần phải tạo sinh kế, việc làm cho người khuyết tật.

Do đó, dù đã có công ty riêng, nhưng anh Hoài đã cùng một số người bạn cũng là người khuyết tật quyết định thành lập nên Công ty cổ phần Kym Việt - chuyên sản xuất các sản phẩm thú nhồi bông - nơi tiếp nhận những người khiếm thính vào làm việc.

Ban đầu công ty chỉ có 3 nhân viên nhưng đến nay đã tiếp nhận và tạo việc làm cho 18 bạn, với mức lương trung bình hơn 4 triệu đồng/người. Với những bạn ở xa, công ty cũng tạo điều kiện về nhà ở, hỗ trợ ăn trưa và được hưởng đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm, khen thưởng, xăng xe, đi lại... như những lao động bình thường.

Theo anh Hoài, dù là DN thực hiện vai trò xã hội rất lớn, tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật, nhưng Công ty cổ phần Kym Việt vẫn hoạt động và vận hành như một DN bình thường. Bởi định hướng kinh doanh của công ty là phải sống bằng nền tảng sản phẩm, đạt yêu cầu mẫu mã, màu sắc và chất lượng để thị trường chấp nhận.

"Đến nay, khi công việc kinh doanh đã vận hành tạm ổn, có nguồn khách hàng ổn định, công ty dự kiến sẽ mở rộng hoạt động, tiếp nhận thêm nhiều bạn bị khuyết tật để đào tạo, tạo việc làm, hình thành nên hệ sinh thái và môi trường cho các bạn khuyết tật vừa sản xuất, vừa giao lưu, nhưng việc tìm vốn rất khó khăn" - anh Hoài nói.

Giải thích lý do không đăng ký làm DN xã hội theo quy định của Luật DN, anh Hoài cho biết dù đã tìm hiểu và thấy các thủ tục quá phức tạp nên không muốn chuyển đổi.

Đơn cử như DN phải làm đề án, có bản kế hoạch kinh doanh, hoạt động, mô tả chi tiết công việc, các đối tượng được hưởng lợi. Trong khi đó, những cơ chế ưu đãi cho DN xã hội cũng chẳng khác so với mô hình công ty.

Thực tế, Công ty cổ phần Kym Việt đang thuê mặt bằng với số tiền hằng tháng là 12 triệu đồng, dù có nhu cầu vay vốn để mở rộng thêm mặt bằng, mua sắm trang thiết bị máy móc, mở rộng mô hình thành hệ sinh thái sản xuất, nhưng cũng rất khó khăn vì các ngân hàng không có ưu đãi, yêu cầu phải có tài sản thế chấp.

Đến nay Công ty cổ phần Kym Việt mới được hưởng ưu đãi duy nhất là miễn thuế thu nhập DN đối với cơ sở sử dụng trên 31% người khuyết tật.

Giúp phụ nữ khó khăn có việc làm

Từ nhiều năm nay, cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Mekong Plus (Q.1) đã trở thành điểm dừng chân quen thuộc của các đoàn khách quốc tế từ các tàu du lịch 5 sao quốc tế khi cập cảng ở TP.HCM. Điều đặc biệt của DN này là đang tạo việc làm cho khoảng 200 phụ nữ nông thôn tại các tỉnh Hậu Giang, Bình Thuận...

Phần lớn là những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, được đào tạo về nghiệp vụ, được đóng bảo hiểm và có thu nhập gấp đôi so với sản xuất nông nghiệp. Nhờ công việc tại đây, nhiều gia đình đã thoát nghèo.

Không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ gặp khó khăn, công ty cũng dành phần lợi nhuận để hỗ trợ các chương trình cộng đồng ngay tại các địa phương có dự án của công ty.

Với một dự án có ý nghĩa cho cộng đồng, công ty này được các tình nguyện viên quốc tế hỗ trợ về mặt thiết kế, hướng dẫn sản xuất nên các sản phẩm của công ty khá phong phú, bắt mắt và chất lượng cao. Theo anh Chu Anh Túc (hướng dẫn viên du lịch), nhiều du khách quốc tế rất thích thú với các sản phẩm lưu niệm tại cửa hàng của công ty này.

Các sản phẩm handmade (gồm: chăn, gối, sản phẩm thời trang, lưu niệm, trang trí...) được làm từ các chất liệu như tre, vải, giấy tái chế, lục bình... không chỉ đáp ứng thị hiếu của du khách cao cấp mà còn được xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Ngoài cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở TP.HCM, DN này còn có cửa hàng ở Hà Nội và 2 cửa hàng tại Campuchia.

Tuy nhiên, theo ông Bernard Kervyn - đại diện Công ty TNHH Mekong Plus, hoạt động của một DN xã hội thực thụ ở Việt Nam vẫn còn những rào cản khiến các DN khó phát triển.

Lợi nhuận của DN xã hội sẽ được sử dụng để trả lương cho nhân công và tái đầu tư cho các chương trình xã hội. Nhưng trong chính sách thuế hiện nay, DN xã hội vẫn bình đẳng như một DN bình thường khi mức thuế đóng giống nhau.

"Điều này chưa thực sự khuyến khích các DN xã hội bởi đây là DN phi lợi nhuận, dùng chính lợi nhuận đó để san sẻ các dự án cộng đồng nên mức lương mà các nhân viên khối văn phòng hưởng không cao như các DN khác, vì thế rất khó để giữ chân nhân viên gắn bó lâu dài.

Ngoài chi phí quản lý, chi phí vận chuyển cao do địa bàn sản xuất tập trung ở các vùng sâu, vùng xa..., chi phí đào tạo, tuyển dụng nhân viên mới cũng là một điểm khó đối với một DN xã hội" - ông Bernard Kervyn nói.

Vì sao không muốn là doanh nghiệp xã hội?

Báo cáo thúc đẩy phát triển khu vực DN tạo tác động xã hội tại VN do Trường ĐH Kinh tế quốc dân phối hợp với UNDP và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa công bố cho thấy có khoảng 22.000 tổ chức, DN (chiếm 4% DN VN) nằm trong khu vực DN tạo tác động xã hội.

Tuy nhiên, phần lớn những DN này đều đăng ký vận hành theo mô hình hợp tác xã hoặc là DN, chỉ có khoảng 80 DN đăng ký mô hình DN xã hội.

mekong3s 3(read-only)

Gian hàng sản phẩm thủ công của Công ty TNHH mền bông Mê Kông, do các phụ nữ nông thôn Việt sản xuất - Ảnh: DUYÊN PHAN

Khảo sát gần 300 DN về lý do không đăng ký DN xã hội, nguyên nhân được chỉ ra là không biết trong quy định hiện nay có xác lập vị trí pháp lý cho DN xã hội. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng những lợi ích, ưu đãi không có trong khi nghĩa vụ đặt ra cho DN xã hội nhiều hơn như cam kết tái đầu tư, giải quyết các vấn đề xã hội, phải thực hiện báo cáo nhiều hơn, nên DN không mấy mặn mà.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Đức Hiếu - phó viện trưởng Viện Ciem - cho rằng nhiều DN hoạt động theo mô hình DN xã hội nhưng số lượng DN xã hội đăng ký theo Luật DN còn khiêm tốn, do một số DN không muốn bộc lộ mình. Cũng có những trường hợp cảm thấy việc thành lập DN xã hội chưa thấy lợi ích gì, mà thậm chí gặp khó khăn hơn. "Đây là vấn đề đáng suy nghĩ với những nhà làm chính sách và thực thi chính sách" - ông Hiếu nói.

Không ai bị bỏ lại đằng sau

Theo bà Catherine Phương - trợ lý giám đốc quốc gia UNDP VN, có 40% DN tạo tác động xã hội được thành lập từ năm 2015 và bùng nổ vào năm 2016 số lượng DN được thành lập, chiếm tới 72% DN tạo tác động xã hội được đăng ký.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là dù các DN tự công nhận hoạt động kinh doanh của họ đang có tác động đến xã hội nhưng rất ít trong số DN này đăng ký là DN xã hội theo pháp luật.

Trong khi đó, khu vực DN này đến từ nhiều tầng lớp xã hội, với 74% công nhân đến từ nhóm người thiệt thòi trong xã hội và 90% là người dân địa phương.

"Bằng cách hỗ trợ các DN tạo tác động xã hội, hoặc thúc đẩy khởi nghiệp xã hội trong khu vực tư nhân, chúng ta có thể hỗ trợ được mục tiêu phát triển bền vững, giúp giảm bất bình đẳng và hiện thực hóa ý tưởng: không ai bị bỏ lại đằng sau" - bà Phương cho hay.

Doanh nghiệp xã hội Việt và hành trình tạo dấu ấn trên thị trường Doanh nghiệp xã hội Việt và hành trình tạo dấu ấn trên thị trường

Doanh nghiệp xã hội là các doanh nghiệp hoạt động vì mục đích cộng đồng. Nhiều sản phẩm của các Doanh nghiệp xã hội Việt hiện gây được sự chú ý vì tính độc đáo, hiệu quả sử dụng cao…

NGỌC AN - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên