08/07/2021 09:02 GMT+7

Những điểm thi đặc biệt - Kỳ 2: Thỏa lòng mong ước ở đảo Phú Quý

ĐỨC TRONG
ĐỨC TRONG

TTO - Năm 2021 là mốc quan trọng của ngành giáo dục đảo Phú Quý, bởi lần đầu tiên thí sinh được dự thi tốt nghiệp THPT tại chỗ.

Những điểm thi đặc biệt - Kỳ 2: Thỏa lòng mong ước ở đảo Phú Quý - Ảnh 1.

Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Trường THPT Ngô Quyền, huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận - Ảnh: BÍCH DUNG

"Việc tổ chức kỳ thi tại đảo đã thỏa niềm mong mỏi từ nhiều năm qua của bà con nơi đảo xa này" - ông Ngô Tấn Lực, phó chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý, phấn khởi nói.

Thời cơ chín muồi

Từ năm 2020 trở về trước, hằng năm tỉnh Bình Thuận phải huy động mọi nguồn lực để lo cho thí sinh ở đảo Phú Quý vào đất liền dự thi. Các em sẽ được bố trí thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo, đồng thời ăn ở luôn tại ký túc xá trường.

Có nhiều rào cản lớn khiến việc tổ chức kỳ thi tại đảo phải lỗi hẹn từ gần 10 năm trước. Ông Phan Đoàn Thái - giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Bình Thuận - luôn trăn trở, mong mỏi ngày thi tại đảo được thực hiện càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, mọi việc không thuận lợi. 

Đảo Phú Quý những năm về trước gặp nhiều khó khăn cả cơ sở vật chất cũng như phương tiện đi lại. Ngoài ra, kế hoạch cho kỳ thi phải chuẩn bị trước hai tháng nhưng gió bão thì không biết trước được. 

Đảo Phú Quý có hai mùa rõ rệt là mùa gió bấc và gió nam. Mùa bấc gió thổi mạnh, còn mùa nam hay dông gió.

Trước năm 1980, từ đảo Phú Quý vào đất liền hết sức khó khăn vì tàu nhỏ, không có mui che hành khách. Hải trình kéo dài gần hai ngày, mọi người đều ướt át, lạnh lẽo. 

Từ năm 1981 đến 1998, đảo đã có tàu gỗ lớn hơn, trang bị thêm mui che mưa che nắng, độ an toàn cũng cải thiện, hải trình từ 6 đến 9 tiếng đồng hồ, có lúc 12 tiếng, tùy thời tiết. 

"Còn bây giờ, hành trình đến với đảo đã khác hẳn. Nếu không cấm biển, hằng ngày có đến 4 tàu cao tốc ra, vào giữa đất liền và đảo, thời gian rút ngắn chỉ còn 2,5 đến 3 tiếng. Hệ thống dự báo thời tiết chuẩn xác, có thể xem trước cả tuần, thông tin liên lạc hiện đại" - ông Lực nói.

Ông Thái nói: "Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và đào tạo, an toàn kỳ thi phải đặt lên hàng đầu. Chỉ cần một sơ suất nhỏ là ảnh hưởng đến cả nước. Nhiều năm trước, tàu ra đến đảo phải mất 5 tiếng đồng hồ, vận chuyển đề thi và con người mất nhiều thời gian. Cơ sở vật chất ở đảo cũng không thể đáp ứng. Bởi theo quy định, giáo viên không được coi thi tại trường mình, trong khi tại đảo chỉ có một trường. Việc bố trí nơi ăn chốn ở cho cán bộ từ đất liền ra làm nhiệm vụ coi thi không thực hiện được. Phải chi đảo có hai trường thì rất khỏe, điều nơi này sang nơi khác".

Còn năm nay, ông Thái khẳng định: "Thời cơ đã chín muồi". Mọi điều kiện tại đảo cơ bản đã đáp ứng. Đặc biệt là việc dự báo thời tiết đã chuẩn xác hơn, biết trước cả tuần lễ để có nhiều thời gian chuẩn bị. Riêng việc di chuyển dễ dàng hơn bởi những chuyến tàu cao tốc chạy liên tục. Chính vì vậy, địa phương mạnh dạn tổ chức thi luôn tại đảo.

"Ai cũng vui mừng khôn xiết khi biết được thông tin này. Nguyện vọng người dân đã được xem xét. Phụ huynh đã bớt đi gánh nặng, lo âu. Con cái từ nhỏ đến lớn ít có vào đất liền, không có điều kiện tiếp cận nhiều môi trường, cho nên được thi tại đây thì cha mẹ vẫn yên tâm hơn" - thầy Bùi Bi, phó hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, chia sẻ.

Để chuẩn bị cho việc này, trước đó đoàn công tác của tỉnh từ đất liền ra phối hợp với địa phương tiền trạm, kiểm tra cơ sở vật chất tại trường. Tất cả đã đáp ứng. Địa phương đã huy động toàn bộ lực lượng để phục vụ chu đáo nhất cho kỳ thi lần đầu tiên được diễn ra tại đảo.

Những điểm thi đặc biệt - Kỳ 2: Thỏa lòng mong ước ở đảo Phú Quý - Ảnh 2.

Học sinh Phú Quý giờ có thể vui vẻ, thoải mái thi ở ngay đảo - Ảnh: BÍCH DUNG

Cho một kỳ thi an toàn tại đảo xa

Theo ông Lực, trước đây mặc dù được cả xã hội cùng chung tay với các thí sinh, nhưng nguyện vọng người dân đảo Phú Quý vẫn mong muốn một ngày nào đó con em mình được thi tại đây. Từ những mong ước đó, các thế hệ lãnh đạo huyện đảo nung nấu ý chí, quyết tâm để đạt được tiêu chí tổ chức kỳ thi mang tầm quốc gia tại Trường THPT Ngô Quyền ở đảo.

"Trong điều kiện kinh tế - xã hội đã phát triển như ngày nay, ngành giáo dục của đảo phải được hưởng thành quả đó. Mà cụ thể là các em học sinh thi tại đảo, thay vì gian khổ vượt sóng biển vào đất liền như các thế hệ đi trước. Mong muốn đó không chỉ riêng ngành giáo dục mà hầu hết tất cả bà con trên đảo này" - ông Lực trải lòng.

Sinh ra và lớn lên tại đảo nên ông Lực nắm tường tận biển cả nơi đây. Thông thường mùa thi cử rơi vào mùa gió nam nên sóng gió không đáng kể. Đặc biệt, bây giờ các tàu cao tốc có thể chịu đựng sức gió lên đến cấp 7, hệ thống cảnh báo thời tiết chuẩn xác... 

Vì vậy, nếu có kế hoạch phù hợp thì chuyện vận chuyển người và tài liệu phục vụ cho thi cử ở đảo sẽ đáp ứng. Nếu trước đây tàu gỗ không đáp ứng được, còn bây giờ hoàn toàn có thể với tàu cao tốc.

Ông Lực nói thêm: "Có luồng ý kiến cho rằng kinh phí thuê trực thăng chở đề thi ra đảo rất lớn. Nếu để số tiền đó hỗ trợ cho các thí sinh vào đất liền thì hay hơn. Nhưng theo tôi, quan trọng nhất là tinh thần, giá trị đó không thể đong đếm hết. Nó động viên, chứng tỏ cả xã hội đang quan tâm đến các em. Đây là món quà có ý nghĩa rất lớn cho các em. Tiền bạc có thể kiếm được, nhưng giá trị tinh thần cho các em không đong đếm được".

Lần đầu tiên diễn ra kỳ thi đã bỡ ngỡ, nay còn trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên khó khăn hơn với đảo Phú Quý. Ông Thái cho biết Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh Bình Thuận đã thống nhất thuê tàu cao tốc vận chuyển đề thi, bài làm và cán bộ phục vụ ra, vào đảo.

Trước khi lên tàu, tất cả cán bộ coi thi phải được xét nghiệm có kết quả âm tính. Đoàn còn có bộ phận an ninh bảo vệ nghiêm ngặt công tác vận chuyển đề thi và bài làm. Trước đây, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh đề xuất vận chuyển bằng trực thăng là tối ưu nhất. Tuy nhiên sau khi hội ý lại, Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh thống nhất thuê tàu cao tốc. "Bởi nếu biển động, tàu cao tốc không chạy được, đồng nghĩa trực thăng cũng không thể bay. Việc quan trọng nhất là dự báo thời tiết thật chuẩn xác để có kế hoạch chạy" - ông Thái cho biết.

Thí sinh tự tin, vui vẻ với kỳ thi đầu ở Phú Quý

Khi chuyến tàu cao tốc chở đề thi và hàng chục giám thị từ đất liền cập cảng, Công an huyện đảo Phú Quý cùng các đoàn thể chờ sẵn để hỗ trợ. Đề thi được hộ tống, bảo vệ nghiêm ngặt đến nơi quy định. Ngoài ra, Huyện đoàn Phú Quý đã thành lập đội hình tình nguyện tiếp sức mùa thi nhằm hỗ trợ tất cả thí sinh. Các đội tình nguyện luân phiên trực theo ca tương ứng với các buổi thi, động viên để sĩ tử đạt kết quả tốt nhất.

Trong ngày đầu tiên, tất cả 262 thí sinh dự thi tại điểm Trường THPT Ngô Quyền, huyện Phú Quý hoàn thành bài thi nghiêm túc, đảm bảo đúng thời gian quy định. Phần lớn các thí sinh tự tin, vui vẻ với bài làm của mình.

**********

Thạnh An, xã đảo thuộc huyện Cần Giờ, TP.HCM, cứ mỗi mùa thi học sinh lại lên tàu vào bờ, lấy trường học làm nơi trọ trong những ngày thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

>> Kỳ tới: Cả trường "cắm trại" để thi

Những điểm thi đặc biệt - Kỳ 1: Những điểm thi đặc biệt - Kỳ 1: 'Vượt vũ môn' ở đảo Cô Tô, Quan Lạn

TTO - Vận chuyển đề thi bằng "chuyên cơ", dành hẳn chuyến tàu thủy để đi lấy đề thi, rồi các phương án bảo vệ, thời tiết trở xấu trên biển... Đó là những câu chuyện đặc biệt ở các điểm thi ngoài đảo xa. Thậm chí phải dự phòng cả chuyện sét đánh.

ĐỨC TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên