07/07/2021 09:44 GMT+7

Những điểm thi đặc biệt - Kỳ 1: 'Vượt vũ môn' ở đảo Cô Tô, Quan Lạn

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Vận chuyển đề thi bằng "chuyên cơ", dành hẳn chuyến tàu thủy để đi lấy đề thi, rồi các phương án bảo vệ, thời tiết trở xấu trên biển... Đó là những câu chuyện đặc biệt ở các điểm thi ngoài đảo xa. Thậm chí phải dự phòng cả chuyện sét đánh.

Những điểm thi đặc biệt - Kỳ 1: Vượt vũ môn ở đảo Cô Tô, Quan Lạn - Ảnh 1.

Một phòng thi tại điểm thi THPT Cô Tô năm 2020 - Ảnh trường cung cấp

Quảng Ninh có 2 điểm thi ngoài đảo xa. Một đặt tại Trường THPT Quan Lạn (huyện Vân Đồn) và một điểm khác tại Trường THPT Cô Tô (huyện Cô Tô). Các năm trước, để đảm bảo một điểm thi có học sinh từ hai trường THPT khác nhau trở lên, Quảng Ninh đưa học sinh ở Quan Lạn vào đất liền thi, chỉ đặt một điểm thi ở đảo Cô Tô.

Học sinh thi tại đảo, nguy cơ lây lan dịch COVID -19 đỡ hơn, nhưng nếu không kiểm soát tốt thì vẫn đáng lo.

Thầy Nguyễn Văn Hà, (hiệu trưởng Trường THPT Quan Lạn)

Chuyến tàu chở đề đặc biệt

Nhưng năm nay, do tình hình dịch bệnh phức tạp nên điểm thi Quan Lạn được tái lập cùng với Cô Tô là hai điểm thi ngoài đảo xa. Từ Cô Tô vào đến Hạ Long bằng đường thủy khoảng 100km, còn Quan Lạn cách Hạ Long gần 50km. Học sinh thi tại đảo thì thuận tiện, nhưng lại phức tạp công tác đưa đón giám thị và vận chuyển đề thi từ đất liền ra đảo.

"Suôn sẻ thì phải đi khoảng một tiếng bằng tàu mới ra đến Quan Lạn, nhưng nếu mưa to, biển động sẽ lâu hơn nhiều"- thầy Nguyễn Văn Hà, hiệu trưởng Trường THPT Quan Lạn, chia sẻ. Di chuyển ra Cô Tô còn gấp đôi thời gian so với ra Quan Lạn.

Theo ông Đinh Ngọc Sơn - phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, đã có những năm mưa bão nên mất rất nhiều thời gian tàu mới ra được tới đảo. Vì thế nhiều năm nay, để đảm bảo việc vận chuyển đề thi ra đảo trước ngày thi, phòng rủi ro trên đường vận chuyển, cán bộ phụ trách điểm thi của đảo phải nhận đề thi sớm hơn nơi khác một ngày.

"Trước đây đề thi nhận tại nơi in sao sẽ được cho vào túi nilông, niêm phong kỹ từng túi rồi buộc chặt, bó lại đưa lên tàu mang ra điểm thi ngoài đảo. Nhưng từ năm 2020, chúng tôi thay đổi cách. Đề thi vẫn được đóng gói trong túi nilông nhưng sẽ cho vào thùng sắt có khóa, niêm phong để tăng cường công tác bảo mật" - ông Đinh Ngọc Sơn cho biết.

Ban chỉ đạo thi tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu Sở Giao thông vận tải hỗ trợ điều tàu thủy mang đề ra Quan Lạn, Cô Tô.

"Chúng tôi không vận chuyển đề trên tàu khách chung mà có riêng tàu chỉ để vận chuyển đề thi. Cùng đi theo thùng đề có công an, cán bộ thanh tra, giám sát đi cùng. Tới điểm thi đề được bàn giao cho điểm trưởng với sự giám sát của các thành phần như quy định trong quy chế thi và có camera giám sát 24/24" - thầy Nguyễn Văn Hà cho biết.

Tương tự, việc đưa đón giám thị ra các điểm thi ở đảo cũng vất vả hơn ở các điểm thi đất liền. Vì không lường trước được ảnh hưởng của thời tiết nên phải có nhiều phương án. Ông Sơn kể có những năm dự báo thời tiết mưa bão đúng thời điểm thi, ban chỉ đạo thi phải tính toán nhờ quân đội điều tàu chuyên dụng có thể đảm bảo an toàn vượt biển được.

"Đưa học sinh vào đất liền thi, đảm bảo chỗ ăn, chỗ nghỉ cho các em cũng là giải pháp thuận tiện cho khâu tổ chức. Nhưng các em phải di chuyển vất vả. Vì thế đổi lại, công tác tổ chức thi phức tạp hơn nhưng tạo điều kiện cho học sinh được thi tại trường. Với tình hình dịch bệnh như năm nay thì giải pháp này cũng an toàn hơn cho các em học sinh" - thầy Hà chia sẻ.

Những điểm thi đặc biệt - Kỳ 1: Vượt vũ môn ở đảo Cô Tô, Quan Lạn - Ảnh 3.

Điểm thi THPT Cô Tô năm 2020 - Ảnh trường cung cấp

Cứ mưa to là mất điện và nhiều nỗi lo riêng của đảo

Theo thầy cô ở Cô Tô, đã có năm một vài thí sinh sát ngày thi vào đất liền chơi, khi định trở về thì mưa bão lớn, tàu không ra đảo nên đành kẹt ở lại đất liền. Cũng có học sinh bị muộn thi vì kỳ thi diễn ra đúng vào ngày mưa bão khiến di chuyển rất khó khăn. Vì ở đảo mưa thường kèm gió lớn, có sóng lừng nên nếu phải đi đò thì sẽ rất nguy hiểm.

Các điểm thi ngoài đảo của Quảng Ninh thường không nhiều thí sinh, mỗi năm có khoảng 50 đến trên 90 thí sinh/điểm thi. Năm 2021, điểm thi THPT Cô Tô có 95 thí sinh, trong đó tính cả thí sinh tự do. Ở Quan Lạn có 83 thí sinh, trong đó có 20 thí sinh tự do.

Ở đảo nhưng có thí sinh phải đi 4-5km đường biển mới đến điểm thi. Có em phải đi đò. Nếu biển động, sóng lớn cũng rất nguy hiểm. Tại Cô Tô, một số học sinh ở các xã xa điểm thi hoặc đi lại khó khăn đã được bố trí ở lại trường. Trước ngày thi, lực lượng hỗ trợ thí sinh cũng phải chia nhau gác ở những điểm khó khăn khi có mưa bão để sẵn sàng ứng cứu đưa thí sinh đến kịp điểm thi.

Đặc biệt, theo thầy Nguyễn Văn Hà, sống trên đảo sẽ quen với việc "cứ mưa to là mất điện". Dây điện bị gió bão quật đứt, hoặc cũng có khi mất điện lưới do sét đánh. Nên chuyện mất điện trong lúc đang diễn ra kỳ thi hoàn toàn có khả năng.

"Có những khi điện mất do sét đánh phải chờ vài ngày mới khắc phục được. Thời gian trước đây, chuyện mất điện do mưa bão là nỗi lo thường trực của cả thầy cô và học sinh dự thi. Đang làm bài thi, điện tắt tối thui. Chưa kể trong điểm thi vẫn cần có máy photocopy và các thiết bị phục vụ việc tổ chức thi. Nhiều thí sinh thấy mưa là đã lo. Nhưng bây giờ thì ổn hơn do các điểm thi đã được đầu tư máy phát điện. Các em cứ việc thi, còn nếu có sự cố về điện, điểm thi sẽ xử trí nhanh" - một giám thị ở Quảng Ninh từng coi thi ở Cô Tô kể lại.

Tuy vậy, máy phát điện chỉ được cấp riêng cho những ngày thi. Còn thời gian học sinh ở Cô Tô ôn thi, chuyện mất điện thường xuyên xảy ra và thầy, trò phải tự khắc phục, học trong điều kiện thiếu sáng và nắng nóng.

Năm nay, theo thầy Nguyễn Văn Hà, các điểm thi ngoài đảo đều có nhiều phương án khác nhau để đảm bảo chủ động tổ chức tốt kỳ thi. Nhưng có những điều "ngoài đảo lo hơn đất liền". Ví dụ như xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm khiến học sinh bị ngộ độc, đau bụng, những vấn đề liên quan tới sức khỏe.

"Học sinh thi tại đảo, nguy cơ lây lan dịch COVID -19 đỡ hơn, nhưng nếu không kiểm soát tốt thì vẫn đáng lo. Gần thời gian tổ chức thi, nhiều người dân đi làm ăn xa trở về đảo. Rồi cán bộ coi thi được điều từ đất liền ra. Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã tăng cường rà soát để phân loại có biện pháp với những người từ vùng dịch hoặc có tiếp xúc với nguồn bệnh" - thầy Hà trao đổi.

**********

>> Thoả lòng mong ước ở đảo Phú Quý

Năm 2021 là mốc quan trọng của ngành giáo dục đảo Phú Quý, bởi lần đầu tiên thí sinh được dự thi tốt nghiệp THPT ngay ở đảo xa. Học sinh, thầy cô và phụ huynh đều mừng nhưng cũng phải giải nhiều vấn đề khó.

34 thí sinh xã đảo Thạnh An vào bờ sớm để kịp đi thi 34 thí sinh xã đảo Thạnh An vào bờ sớm để kịp đi thi

TTO - Chiều 6-7, 34 học sinh lớp 12 ở xã Thạnh An, huyện Cần Giờ đã được bộ đội biên phòng hỗ trợ vào đất liền và được bố trí chỗ nghỉ ngơi sát điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia để thuận lợi đi lại.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên