Gần Tết, dưới cái lạnh 10 độ C, đâu đó ở các góc phố của Hà Nội, những công nhân móc cống vẫn oằn mình trong những ống cống dưới lòng đất ngập ngụa rác thải, phân người, mỡ động vật… 

Những người công nhân móc cống không ngại vất vả chỉ mong làm đẹp cho đời - Video: NGUYỄN HIỀN

Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 2.

Khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, thêm đèn pin mini, đội công nhân móc cống bắt đầu ngày làm việc của mình. Hôm nay, họ có nhiệm vụ nạo vét lòng cống tại khu vực Trung Tiền (Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội).

"Địa bàn hôm nay còn rất rộng, thoải mái. Bình thường, chúng tôi phải vào địa bàn có nhiều ngõ ngách, rất nhỏ, chỉ cần đẩy một chiếc xe gom là kịch đường. Nhiều chỗ, hệ thống cống chưa ổn định nên công tác nạo vét, duy trì rất khó khăn", đã làm công việc này được 33 năm và thuộc làu từng ống cống nơi mình quản lý, anh Phạm Doanh Khoa - tổ trường tổ duy trì 5, xí nghiệp thoát nước số 4, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội - chia sẻ.

Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 3.

Địa bàn quản lý của xí nghiệp thoát nước số 4 là quận Đống Đa và một phần quận Ba Đình, quận Thanh Xuân với đặc thù quản lý cống ngầm, dọn dẹp cống ở khu dân cư cũ, đông người sinh sống.

Lỗ cống chỉ vừa cho một người chui xuống, các công nhân phải thật cẩn thận, dò từng bước để tránh trượt chân. Dưới cống hôm nay ít rác hơn mọi khi, chủ yếu là bèo tây, túi ni lông, bùn thải, vì thế công việc cũng nhẹ nhàng hơn.

Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 4.

Lõm bõm trong dòng nước đen ngòm ước chừng tới ngang ngực, anh Khoa kể: "Ngày xưa, công việc vất vả hơn nhiều. Làm thủ công hoàn toàn, không có quần áo bảo hộ. Mặc quần đùi, đi chân đất, cởi trần, tay cầm xô múc.

Lúc đó, chỉ sợ chạm phải kim tiêm, mảnh sành, đinh tán, cốp pha, xà gồ… Dưới đấy, nó tránh mình chứ mình không tránh được nó. Nặng thì xước xát tay chân, nặng thì uốn ván, nhiễm trùng.

Khi đi làm, không có đèn đội đầu, mặc dù mở thông hai đầu cống nhưng trong lòng cống tối thui. Mới đầu xuống cống, anh em chỉ mò mẫm để tìm nhau thôi chứ chưa tìm thấy gì cả. Phải nửa tiếng sau, mắt mình bắt đầu quen với môi trường xung quanh, khi ấy mới có thể nhìn rõ hơn".

Vừa làm, anh Lưu Ngọc Tưởng (31 tuổi, thành viên trẻ nhất tổ) vừa hài hước kể: "Nước cống ở đây bọn mình "uống" thường xuyên. Những lần chẳng may vấp ngã thì được "ăn sáng" luôn bằng nước cống".

Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 5.
Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 6.

Gắn bó với nghề được gần 10 năm, anh Lưu Ngọc Tưởng nhớ lại những ngày đầu tiên đi làm: "Chỉ cần mở nắp hố ga lên, đã cảm thấy sợ rồi. Có hôm ăn sáng xong là nôn hết. Mùi nồng nặc, xộc thẳng vào mũi, nhiều hôm sợ đến mất ngủ ấy chứ. Biết là vất vả, cực nhọc, độc hại, nhưng đã theo rồi thì gắng làm cho tốt, bằng cái tâm, bằng trách nhiệm của mình".

Dù vất vả nhưng anh Tưởng và các anh công nhân móc cống vẫn vui tươi, yêu nghề, không tự ti vì công việc.

Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 7.

"Vào công ty được 2 năm thì mình lập gia đình. Kể cả lúc hẹn hò, mình luôn chủ động nói trước, không bao giờ để người yêu phải hỏi. Bà xã của mình luôn hiểu và thông cảm cho công việc của chồng. Không bao giờ vợ chê mình bẩn hay có thái độ gì. Cô ấy bảo "anh cứ về đây, em lo hết!", anh Tưởng bộc bạch.

Dưới cống, nước ngập đến ngang bụng, có chỗ sâu đến tận ngực, chỉ còn chút nữa thôi nước sẽ tràn vào bộ đồ bảo hộ. Làn nước đen sì, bốc mùi hôi thối nồng nặc, cộng thêm đủ loại rác thải mà những người công nhân gọi là "lẩu thập cẩm".

Từ xác động vật thối rữa, phân tươi, kim tiêm, dầu thải xe máy, đinh tán, đến cả cây xà beng... đều có mặt trong lòng cống.

"Trời lạnh như thế này còn đỡ, những ngày nắng nóng 39, 40 độ C thì không thể ngửi nổi. Nếu ai không quen thì có thể ngất", chú Nguyễn Văn Tiến (54 tuổi) - người anh cả của tổ 4 - chia sẻ.

Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 8.
Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 9.

Ngồi một góc đường, tay run run cầm cốc trà ấm, tất cả thành viên của tổ vẫn mặc nguyên bộ đồ bảo hộ còn dính bùn thải đen kịt, nhớp nháp, các anh chia nhau cốc trà nóng.

Ngồi kế bên bình nước trà, nhẹ nhàng kéo chiếc khẩu trang lem nhem bùn thải, chú Nguyễn Văn Tiến - tâm sự: "Cống ngầm thì chỗ nào cũng khó khăn, chỗ nào cũng vất vả. Tổ chúng mình chuyên làm trong ngõ xóm ở khu dân cư. Nếu làm ở đường lớn, phố rộng thì xe cơ giới có thể vào hỗ trợ nhưng ở các khu Khâm Thiên, Trung Tiền… thì không thể.

Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 10.

Có những nơi ngõ rất nhỏ, chỉ vừa khít bề ngang của xe gom rác. Đặc thù khu dân cư cũ ở thủ đô có hệ thống cống chưa hoàn chỉnh nên công tác nạo vét, duy trì rất khó khăn.

Nếu ở khu dân cư thì đặc trưng là dầu mỡ, phân tươi…, thì sang đến các điểm gần công trường xây dựng lại nhiều bùn đất, mảnh kim loại thừa có thể đâm xuyên thủng ủng".

Theo anh em công nhân móc cống, trước tình hình số lượng nhà hàng bùng nổ hiện nay, công ty lắp đặt máy tách dầu mỡ để làm sao trước khi nước thải ra hệ thống chính thì chất thải đổ ra gần như bằng 0.

Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 11.

Hàng tháng, xí nghiệp sẽ cử công nhân đến duy tu, bảo dưỡng và tách dầu mỡ để tránh làm ách tắc đến hệ thống cống. Chẳng hạn, mỡ động vật khi tích tụ đủ sẽ đóng lại thành từng bánh mỡ lớn. Điều đó khiến công nhân phải lấy xẻng để xắn mỡ ra.

"Trước năm 90 của thế kỷ trước, các cơ sở sản xuất trong thành phố rất ít nên cống ít hóa chất. Sau năm 90, nhiều nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất thải nhiều mỡ, dầu sinh hoạt, dầu máy móc", anh Phạm Doanh Khoa tâm sự.

Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 12.
Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 13.

Nhiều người hỏi "vất vả như vậy sao vẫn theo nghề", anh Phạm Doanh Khoa cười nói: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ dành phần ai. Ngày xưa, mình chỉ nghĩ được tuyển vào xí nghiệp, có công ăn việc làm tại cơ quan nhà nước là tuyệt vời, hạnh phúc lắm rồi.

Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 14.

Nhưng càng làm, mình càng thấy yêu nghề hơn. Nhìn đường phố hết ngập nước, bà con đi lại thuận tiện là tôi vui rồi". Vừa kể, anh Khoa vừa nhanh tay chuyển từng xô bùn đen sì lẫn rác lên cho đồng đội phía trên miệng cống.

Còn chú Nguyễn Văn Tiến tâm sự: "Sắp đến tết, mình và anh em chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi để cuộc sống bà con trở lại bình thường. Ai ai cũng có một cái Tết ấm no, vui tươi".

"Chỉ mong ý thức người dân tốt lên để công việc của anh em nhẹ nhàng hơn. Mỗi người góp một chút, vứt rác đúng nơi quy định, không xả rác xuống cống nữa thì người được lợi nhất chính là người dân. Anh em công nhân chúng mình đi làm cũng chỉ phục vụ bà con. Rác thải ít thì nạo vét dễ hơn, thành phố sẽ bớt ngập úng mỗi khi mưa lớn", anh Tưởng nói.

Dù trời lạnh hay nóng, dù ngày nắng hay mưa, những người công nhân móc cống vẫn không quản ngại khó khăn, vất vả trong công việc để hệ thống thoát nước không bị ách tắc ở bất cứ đâu. Niềm vui đối với họ đơn giản chỉ là được giúp thành phố trở nên sạch, đẹp hơn.

Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 15.

HÀ QUÂN - NGUYỄN HIỀN
NAM TRẦN
NGUYỄN HIỀN
HẢI PHI
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Chủ đề: công nhân
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên