13/08/2023 11:10 GMT+7

Những cây vĩ cầm sứ của Xuân Huy

Nhắc đến đàn sứ, nhiều người nghĩ chỉ để trang trí, nhưng Xuân Huy làm những chiếc violin sứ không chỉ chơi được mà còn chơi cực hay.

Nghệ nhân Xuân Huy và cây vĩ cầm sứ - Ảnh: MAI THƯƠNG

Nghệ nhân Xuân Huy và cây vĩ cầm sứ - Ảnh: MAI THƯƠNG

Gặp nghệ nhân Xuân Huy một sáng cuối tuần tại Hà Nội, anh bảo mình đã hai ngày không ngủ bởi chưa nghiên cứu ra điều mình cần.

Thế nhưng khi nhắc đến bộ sưu tập đàn vĩ cầm sứ, đôi mắt anh lại sáng rực, rồi mải miết kể về những gì đã qua, những dự định sắp tới.

Một cây đàn làm bằng chất liệu sứ rất hay bởi nó hội tụ đủ ngũ hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Hơn nữa, chất lượng âm thanh của violin sứ dường như tốt hơn một số loại vật liệu thay thế khác như sợi carbon hay thủy tinh. Do chất liệu sứ khi đạt độ mỏng thích hợp sẽ cho tiếng ngân thanh, vang nhưng vẫn có độ trầm lý tưởng để làm nhạc cụ.

Nghệ nhân Xuân Huy

Từ nghệ sĩ vĩ cầm đặc biệt

Ngày 1-6-2018, Xuân Huy đã chơi bản Thais Meditation của Massenet với dàn nhạc dây Yokohama Sinfonietta của Nhật tại Tokyo trước sự chứng kiến của vợ chồng Nhật hoàng Akihito cùng quan chức cấp cao hai nước. Anh trở thành nghệ sĩ duy nhất vừa có thể chơi đàn lại vừa có thể làm đàn ở đỉnh cao.

Ít người biết ngay từ nhỏ, Xuân Huy cùng em gái là kiện tướng dance sport Khánh Thi đã được nuôi lớn bằng những giai điệu truyền thống của gia đình.

Cha là nghệ sĩ Nguyễn Bảo Đoàn, ông tốt nghiệp chuyên ngành violon ở Nhạc viện Thượng Hải. Còn mẹ anh là bà Phạm Thị Đông, một nghệ sĩ thanh nhạc danh tiếng một thời.

Được tiếp xúc với đàn vĩ cầm từ năm lên 8 tuổi, sau một năm luyện tập, Xuân Huy vào khoa trung cấp Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).

Bốn năm sau, anh sang Venhepsky (Ba Lan) dự thi Tài năng vĩ cầm trẻ và đứng thứ 16 trong số hơn 300 thí sinh dự thi. Với dấu ấn ở tuổi 13, Xuân Huy đã nhận được sự chú ý đặc biệt của giới vĩ cầm Việt.

Năm 16 tuổi, Nguyễn Xuân Huy đỗ thủ khoa Nhạc viện Hà Nội và nhận được một suất học bổng của Trường âm nhạc Gnesiny Liên Xô đặc cách học âm nhạc trình độ đại học.

Ở tuổi 18, anh được giáo sư của trường giới thiệu thi vào dàn nhạc giao hưởng Century và Xuân Huy vượt qua hàng trăm thí sinh để có mặt trong top 15 người chơi trong dàn nhạc mà Công nương Diana tài trợ.

Từ đó, ngoài thời gian học tập ở trường, anh cùng dàn nhạc đi biểu diễn khắp nơi trên thế giới.

Cận cảnh chiếc đàn violin sứ đầu tiên trên thế giới của nghệ nhân Xuân Huy- Ảnh: MAI THƯƠNG

Cận cảnh chiếc đàn violin sứ đầu tiên trên thế giới của nghệ nhân Xuân Huy- Ảnh: MAI THƯƠNG

Đến bộ sưu tập vĩ cầm sứ độc bản

Dành cả thập niên kiên trì với đam mê chế tác violin sứ, nghệ sĩ Xuân Huy chỉ ưng ý với bốn cây đàn đạt đến hoàn hảo để thẩm âm, chơi nhạc.

Trong số đó, một cây thuộc quyền sở hữu của Nhật hoàng. Hai cây còn lại được các nhà tài phiệt sưu tầm. Xuân Huy giữ lại cho mình chiếc violin sứ đầu tiên làm thành công.

Chiếc vĩ cầm sứ đầu tiên là thành quả mà anh đã dành sáu năm để nghiên cứu và mày mò, từ 2017 - 2021 mới hoàn thiện. Được chế tác kết hợp sơn mài cùng những hoa văn cổ điển châu Âu, cây đàn nặng hơn 825g tính cả phụ kiện bằng gỗ, tức chỉ gấp đôi đàn gỗ.

Ðây là trọng lượng gần như không tưởng đối với sứ để đạt tới kích thước chuẩn của violin 4/4. Phía thành đàn chỉ dày khoảng 1,2mm nhưng anh lại khắc chữ ký của mình lên đó với đường khắc sâu 1mm. Chỉ cần lỡ tay một chút thôi, thành đàn sẽ thủng.

"Phải kiểm soát được cương nhu, gần như đạt đến đỉnh của thiền định", Xuân Huy tâm sự.

Xuân Huy vẫn hay nói đùa, công việc của anh giống như cho vào lò một cái xe máy, nhưng mong muốn khi lấy ra nó là một chiếc ô tô.

Nói thế để thấy độ khó và không tưởng khi nghiên cứu chất liệu sứ cho ra một cây đàn vĩ cầm chơi được và chơi hay. Trước khi làm đàn sứ, Xuân Huy phải trở thành một nghệ nhân kỳ cựu chế tác đàn gỗ, nhưng anh còn là một chuyên gia gốm sứ.

Phải như vậy, anh mới có thể chế tác một chiếc đàn gỗ với kích thước to hơn đàn sứ theo một tỉ lệ chính xác, rồi mới đổ khuôn thạch cao và nung ở nhiệt độ nhất định để đàn được "ngót" về đúng tỉ lệ.

Thế nhưng quá trình nung là thứ mà một con người không thể kiểm soát được. Bởi qua "hỏa biến" khi đưa vào lò, chỉ một chút biến dạng cũng khiến cây đàn trở nên khiếm khuyết. Vậy nên, cái tỉ lệ khi đổ khuôn ban đầu phải đúng từng milimet.

Với những cây không đạt yêu cầu, anh phải tự tay đập bỏ. Cứ thế, gần 10 năm cặm cụi nghiên cứu, đẽo đàn, đổ khuôn, cho vào lò nung và hy vọng, Xuân Huy chỉ làm ra bốn cây đàn ưng ý. Và cả rất nhiều đêm không ngủ để mày mò, nghiên cứu chinh phục sự ưng ý tiếp theo.

Cây vĩ cầm hơn 300 tuổi quên trên tàu điện đã về với chủCây vĩ cầm hơn 300 tuổi quên trên tàu điện đã về với chủ

TTO - Nhạc sĩ nổi tiếng người Anh Stephen Morris chia sẻ với báo giới ông vẫn 'chưa hết sửng sốt' sau khi tìm lại được cây vĩ cầm hơn 300 năm tuổi yêu quý của ông bỏ quên trên tàu điện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên