24/02/2023 20:54 GMT+7

Những bức họa cuối cùng của họa sĩ Tô Ngọc Vân

Tháng 6-1954, danh họa Tô Ngọc Vân ngã xuống trên chiến trường gần Điện Biên Phủ, được coi là liệt sĩ đầu tiên của giới mỹ thuật. Những ngày cuối cùng trên chiến trường ác liệt, ông đã để lại nhiều bức họa cảm động vẽ những vẻ đẹp Việt Nam mới.

Những bức họa cuối cùng của họa sĩ Tô Ngọc Vân - Ảnh 1.

Người yêu mỹ thuật ngắm xem những bức ký họa của Tô Ngọc Vân trưng bày trong triển lãm - Ảnh: T.ĐIỂU

Tô Ngọc Vân và những tác phẩm "hóa thạch" tình cảm của người nghệ sĩ trên giấy

Những bức họa cuối cùng của Tô Ngọc Vân, đơn sơ trên những mảnh giấy ngả vàng, vẽ niềm vui của những bà bủ đã biết chữ, những nam thanh niên đốt đuốc đi học chữ, những đồng đội nằm nghỉ trong hang… đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội).

Những bức ký họa mực, màu nước trên giấy của Tô Ngọc Vân vẽ năm 1954, năm ông hy sinh, được treo cùng nhiều bức tranh của đồng nghiệp, đồng chí, đồng đội mình những năm kháng chiến chống Pháp trên chiến khu Việt Bắc.

Triển lãm có tên Nghệ sĩ là chiến sĩ do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023).

Những bức họa cuối cùng của họa sĩ Tô Ngọc Vân - Ảnh 2.

Tác phẩm "Bủ Đường biết đọc" họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ năm 1954, chất liệu màu nước trên giấy

Ông Lương Xuân Đoàn - chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - xúc động gọi đây là "những tác phẩm đầu tiên của nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam, những tác phẩm đẹp nhất".

Khi đất nước gặp họa xâm lăng một lần nữa bởi giặc Pháp, các nghệ sĩ đến với cách mạng, sẵn sàng phục vụ cách mạng như một lựa chọn đương nhiên.

Họ bỏ lại đô thành phồn hoa, đi theo cách mạng lên chiến khu Việt Bắc, theo chân bộ đội, du kích ra mặt trận, theo chân nông dân ra đồng… 

Các họa sĩ đồng hành để vẽ lại những vẻ đẹp mới của đất nước, những người đang chiến đấu giành độc lập, hòa bình cho Tổ quốc.

Để rồi những ký họa từ chiến khu ra đời như "những hóa thạch trên trang giấy nhỏ" những tình cảm của người nghệ sĩ dành cho vẻ đẹp mới của người Việt là những chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong, đặc biệt là hình tượng Bác Hồ.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân cũng nằm trong số những nghệ sĩ chiến sĩ đầu tiên, đẹp đẽ ấy.

Những bức họa cuối cùng của họa sĩ Tô Ngọc Vân - Ảnh 4.

Tác phẩm "Hoan hô", mực trên giấy, Tô Ngọc Vân vẽ năm 1954

Tô Ngọc Vân - liệt sĩ đầu tiên của giới mỹ thuật

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết ngay từ thời điểm toàn quốc kháng chiến năm 1946, ở Hà Nội, Tô Ngọc Vân đã vẽ tác phẩm Hà Nội vùng đứng lên. Ông vẽ thiếu nữ với tà áo dài tung bay, nói lên quyết tâm chiến đấu giành độc lập của người Hà Nội.

Ngay từ những ngày tiêu thổ kháng chiến đi lên chiến khu Việt Bắc ấy, danh họa đã tạo ra những nét đầu tiên của tranh ký họa Việt Nam.

Theo ông Đoàn, ký họa chiến trường chính là từ danh họa Tô Ngọc Vân. Ông có cách vẽ vừa nhanh vừa thận trọng, mang lại những tác phẩm giá trị, với ngôn ngữ thể loại như một bức tranh chứ không còn thuần túy là ghi chép.

Dù ông vẽ chì, bút sắt, than, hay màu nước thì cũng nguyên vẹn rung cảm của người nghệ sĩ trước vẻ đẹp mới của người Việt trong cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ của chúng ta.

Những bức họa cuối cùng của họa sĩ Tô Ngọc Vân - Ảnh 5.

Tác phẩm "May áo", Tô Ngọc Vân vẽ mực trên giấy năm 1954

Sự hy sinh của Tô Ngọc Vân ngay trước hòa bình tại chiến khu Việt Bắc là một mất mát quá lớn của nền mỹ thuật nước nhà. Nhưng chỉ bằng những gì ông để lại cũng đã đủ đưa ông thành danh họa của Việt Nam. 

"Những giá trị còn lại của danh họa Tô Ngọc Vân cho đến hôm nay cho thấy một cuộc đời đẹp đẽ, trọn vẹn cho đến phút cuối cùng khi ông ngã xuống ở chiến trường gần Điện Biên Phủ", ông Đoàn nói về người liệt sĩ đầu tiên của giới mỹ thuật Việt Nam.

Những bức ký họa cuối cùng của ông vẽ bằng mực, màu nước trên giấy những vẻ đẹp Việt Nam mới, những gương mặt của lịch sử một thời đại hào hùng, được trưng bày trong triển lãm cùng những bức ký họa khác mang đến thật nhiều cảm xúc cho người xem.

Trong triển lãm còn có nhiều tác phẩm cảm động của các danh họa Mỹ thuật Đông Dương như Lương Xuân Nhị, Nguyễn Sáng, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Sỹ Ngọc…

Triển lãm kéo dài đến ngày 5-3.

Những bức họa cuối cùng của họa sĩ Tô Ngọc Vân - Ảnh 6.

Tác phẩm màu nước "Đốt đuốc đi học", Tô Ngọc Vân vẽ năm 1954

Những bức họa cuối cùng của họa sĩ Tô Ngọc Vân - Ảnh 7.

Tác phẩm "Bộ đội nghỉ trong hang"

Những bức họa cuối cùng của họa sĩ Tô Ngọc Vân - Ảnh 8.

Tác phẩm "Chuẩn bị đi chợ", Tô Ngọc Vân vẽ năm 1954

Xem tranh của danh họa vẽ trên giấy đơn sơ thời ‘nghệ sĩ là chiến sĩ’Xem tranh của danh họa vẽ trên giấy đơn sơ thời ‘nghệ sĩ là chiến sĩ’

Trên những mảnh giấy ố vàng, nét vẽ sống động về hiện thực đời sống của quân, dân cả nước tham gia kháng chiến chống Pháp của thế hệ họa sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật Việt Nam gợi lên bao thương nhớ một thời ‘nghệ sĩ là chiến sĩ’.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên