01/09/2023 13:49 GMT+7

Những bạn trẻ làm đẹp tiếng Việt qua nét cọ

Tiếng Việt giàu và đẹp. Càng trở nên gần gũi và đẹp hơn qua sự sáng tạo của các bạn trẻ với những cách khác nhau mà lần này là dùng nét cọ.

Từ trái qua: Nguyễn Thùy Dung, Võ Nam Du và Thái Quyên - Ảnh: NVCC

Từ trái qua: Nguyễn Thùy Dung, Võ Nam Du và Thái Quyên - Ảnh: NVCC

Dù các bạn trẻ hiện nay dùng ngôn ngữ mạng xã hội nhiều nhưng không phải không quan tâm đến vốn từ vựng của tiền nhân. Chỉ cần chúng ta chỉ ra những chỗ hay, cái đẹp dễ hiểu, dễ cảm nhận, mình tin bạn đọc sẽ hoan nghênh.
NGUYỄN THÙY DUNG

Tìm lại những giá trị sâu đẹp ẩn chứa trong ngôn ngữ mẹ đẻ, thể hiện chúng qua từng bức tranh với tất cả say mê. Không thể là gì khác nếu không phải là "tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời...".

Đưa Truyện Kiều vào thẻ thông điệp

Võ Nam Du kể ý tưởng chọn lọc các câu thơ trong Truyện Kiều rồi cùng cộng sự thiết kế, vẽ minh họa thành bộ thẻ Tarot Kiều xuất hiện khi bạn đọc được bài viết "Triết lý Tarot và Truyện Kiều: Từ ngây thơ đến giới" của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu. Du nói đó là cách tiếp cận khá thú vị, độc đáo, gần gũi với các bạn trẻ.

Từ 22 thẻ do thầy Nhật Chiêu biên soạn, Du cùng bạn bè đã phát triển thành 78 thẻ tương ứng với các phân cảnh trong tác phẩm. Khám phá thú vị là khi làm việc này, Nam Du mới vỡ ra rằng mình mới chỉ biết chứ chưa thực sự hiểu Truyện Kiều. Bởi cách dùng tiếng Việt của cụ Nguyễn Du từ thế kỷ 18 rất khác bây giờ, chưa kể cụ còn dùng nhiều điển cố, điển tích khi viết.

Thẻ thông điệp Truyện Kiều do các bạn trẻ thực hiện trong cuốn Truyện Kiều & Tarot - Ảnh: NVCC

Thẻ thông điệp Truyện Kiều do các bạn trẻ thực hiện trong cuốn Truyện Kiều & Tarot - Ảnh: NVCC

Những ngày làm dự án, anh bạn không chỉ đọc mà còn học chuyên sâu hơn về tác phẩm này, mày mò tìm các tư liệu liên quan, chỗ nào không rõ phải nhờ thầy Nhật Chiêu giải nghĩa. Liên tục như thế trong sáu tháng, thêm hai tháng học về Tarot, Du mới tự tin thực hiện các bước tiếp theo.

Với đồ họa, họa sĩ Tú Ngô đã khéo léo kết hợp các yếu tố hiện đại, ứng dụng chi tiết mỹ thuật triều Nguyễn khi sáng tạo bộ 78 tranh ấy. "Tôi mất gần hai năm tìm tư liệu, vẽ đi vẽ lại nhiều lần, giờ nhìn thấy thành quả được mọi người đón nhận, bao mệt mỏi tan biến hết", Tú Ngô cười.

Thẻ thông điệp Truyện Kiều trong cuốn Truyện Kiều & Tarot - Ảnh: NVCC

Thẻ thông điệp Truyện Kiều trong cuốn Truyện Kiều & Tarot - Ảnh: NVCC

Các bạn vừa ra mắt cuốn sách Truyện Kiều & Tarot cùng những gợi ý đọc thẻ thông điệp, nghiền ngẫm tác phẩm nổi tiếng này theo nhiều hướng khác nhau. Nhóm còn ra mắt hình thức ebook để mọi người có thể đọc ở bất cứ đâu.

Sách tranh "cổ mỹ từ"

"Tôi hay đọc thơ văn xưa và phát hiện nhiều từ ngữ rất nên thơ, rất lãng mạn mà hiện ít được dùng, có khi hơi khó hiểu với nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Tôi đã giới thiệu những từ như thế trên fanpage và website Ngày ngày viết chữ. Khi mọi người đón nhận và ủng hộ, tôi cùng các bạn quyết định chuyển album hình online "cổ mỹ từ" thành sách", Nguyễn Thùy Dung chia sẻ ý tưởng khởi xướng dự án.

Một trong những từ được Nguyễn Thùy Dung và cộng sự trình bày trong sách tranh cổ mỹ từ - Ảnh: NVCC

Một trong những từ được Nguyễn Thùy Dung và cộng sự trình bày trong sách tranh cổ mỹ từ - Ảnh: NVCC

Cổ mỹ từ là những từ có sắc thái cổ, có ý nghĩa đẹp, có cả âm thanh khi đọc nhưng hiện ít người dùng. 58 từ trong quyển sách được các bạn trẻ chọn lọc trong nhiều tác phẩm thi văn Việt Nam xưa.

Chẳng hạn "duật vân" (mây ba sắc, tượng trưng cho điềm lành) trong bài thơ Tây trình lữ muộn của Phan Huy Ích, "thiên chương" (những điều rực rỡ, đẹp đẽ như trăng sao trên trời) trong Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn, "yên cảnh" (cảnh đẹp có mây khói, cảnh ở ẩn) trong bài thơ Sơn Thủy độ của Nguyễn Văn Siêu...

Để có thể vẽ minh họa, các bạn đã tìm hiểu độc giả chính là ai để chọn hình ảnh, phong cách thiết kế sao cho trải nghiệm đọc mượt mà, dễ chịu nhất. "Nhóm không dám mong làm sống lại một lớp từ cổ kính nhưng hy vọng mang đến cho bạn đọc chút hân hoan khi cảm thụ những từ ngữ nhiều sắc thái biểu cảm trong tiếng Việt", Thanh Quỳnh - trưởng ban mỹ thuật dự án - chia sẻ.

Các bạn tạo ra nhân vật chị và chim chìa vôi để kết nối giữa những từ diễn tả cảnh vật thiên nhiên với những từ diễn tả tình cảm và cuộc sống. Đây cũng là nét thú vị khi hai nhân vật này dẫn dắt độc giả đi xuyên suốt quyển sách.

Mỗi bức tranh đều thể hiện rõ nghĩa đen và nghĩa bóng của từ qua hình ảnh cuộc sống đương đại, tạo nét tương phản với các thi văn xưa, cũng là rút ngắn khoảng cách giữa độc giả với nội dung.

Bức tranh của họa sĩ trẻ Thái Quyên cho bài thơ Cảnh trăng trên Đông Hồ (Lâm Tấn Phác) - Ảnh: NVCC

Bức tranh của họa sĩ trẻ Thái Quyên cho bài thơ Cảnh trăng trên Đông Hồ (Lâm Tấn Phác) - Ảnh: NVCC

Văn chương Việt qua tranh vẽ

Suy nghĩ hội họa cũng có thể là cách chuyển tải những áng văn cho độc giả, Nhà xuất bản Kim Đồng đã tuyển lựa một số trích đoạn văn, thơ từ sách giáo khoa vốn đã quen thuộc với bao thế hệ học sinh để bắt đầu dự án này.

Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long), Việt Bắc (Tố Hữu), Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận), Cảnh thiên nhiên xứ Nghệ (Đặng Thai Mai), Nghìn năm tháp Khương Mỹ (Lam Linh), Những hàng me Sài Gòn (Bình Nguyên Lộc)... đã được "đặt hàng" biến câu chữ thành tranh.

Dự án sách Những miền lưu dấu - cảnh Việt trong văn chương quy tụ 30 họa sĩ nhiều độ tuổi, phong cách vẽ khác nhau tham gia.

Bạn Thái Quyên, một trong những họa sĩ trẻ tham gia dự án, chia sẻ mình yêu thơ, thích vẽ tranh minh họa cho thơ nên vui lắm khi được mời tham gia dự án. Quyên được đặt hàng vẽ minh họa cho đoạn trích hai bài thơ Quê hương (Tế Hanh) và Cảnh trăng trên Đông Hồ (Lâm Tấn Phác).

Vốn dân biển miền Trung, Quyên kể rất nhớ nhà khi đọc những câu chữ gợi tả cảnh quá hay của nhà thơ Tế Hanh. Còn với bài thơ Cảnh trăng trên Đông Hồ, bạn ấn tượng nhất câu thơ "Hồ chi tĩnh đối nguyệt chi hằng" (hồ có trăng lại càng tăng cảnh sắc) lãng mạn mà tuyệt đẹp.

"Từ nguồn cảm xúc dạt dào ấy, tôi đã dùng chì màu vẽ nên những bức tranh tả khoảng trời mênh mông có ánh trăng treo, với những chiếc thuyền đang trôi theo những ngọn sóng nhấp nhô", Quyên cho biết.

"Sứ giả" 9X mang tiếng Việt ra thế giới'Sứ giả' 9X mang tiếng Việt ra thế giới

Tháng 7-2021, khi dịch COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp, có một cô gái người Việt đã đến Mỹ với sứ mệnh giảng dạy tiếng Việt tại ĐH North Carolina - Chapel Hill (UNC), cũng là khóa học tiếng Việt đầu tiên được tổ chức lại sau 15 năm gián đoạn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên