14/07/2018 11:40 GMT+7

Như những người lính

VŨ CÔNG LẬP
VŨ CÔNG LẬP

TTCT - Đấy là lời khen tặng xứng đáng dành cho các cầu thủ Nga, sau khi dừng bước ở vòng tứ kết trước Croatia trên chấm phạt đền. Sứ mạng của họ đã hoàn thành.

Cả nước Nga đã có một kỳ World Cup thắng lợi. Ảnh: Russia Beyond
Cả nước Nga đã có một kỳ World Cup thắng lợi. Ảnh: Russia Beyond

Sau khi Tổng thống Vladimir Putin đã gọi điện chúc mừng đội tuyển, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, tuyên bố hùng hồn: “Các bạn là những người anh hùng. Các bạn đã hi sinh trên chiến trường”. Người dân Nga chia sẻ tình cảm đó.

“Người lính Nga” là một khái niệm lịch sử. Từ thời Mikhail Kutuzov, từ những thắng lợi trước đội quân hùng mạnh của Napoleon đến thời chiến tranh vệ quốc khi những người lính Nga, sau cuộc diễu binh trên quảng trường Đỏ đi thẳng ra chiến trường, sẵn sàng xả thân để cho tổ quốc chiến thắng. Đến thời hiện đại, khi những phi công Nga, bắt đầu từ Yuri Gagarin, mở đường bay chinh phục vũ trụ. Có lẽ với cầu thủ bóng đá Nga, được phong danh hiệu “người lính” là một vinh quang tột đỉnh.

Trên chiến trường, những trận đánh bao giờ cũng gay go. Khốc liệt nhất là phải chiến thắng ngay cả khi không thuận lợi về tương quan lực lượng. Đội tuyển Nga hiện nay chẳng có một ngôi sao nào đẳng cấp châu lục, chứ đừng nói là thế giới. Cuộc tổng diễn tập ở Confederations Cup 2017 cũng thất bại: họ bị loại ngay từ vòng bảng (thắng New Zealand 2-0, thua Bồ Đào Nha 0-1, thua Mexico 1-2). Nhưng tới World Cup, họ đã vượt qua chính mình, vào tới vòng tứ kết sau khi loại Tây Ban Nha. Đấy là thắng lợi vượt quá mong đợi.

Nga chưa phải là đội bóng chơi hay, nhưng họ có tinh thần thi đấu quả cảm và sẵn sàng cống hiến hết mình. Trận gặp Croatia, cầu thủ Nga chạy nhiều hơn đối thủ tổng cộng 10km. Cho nên HLV Stanislav Cherchesov có thể tự hào: “Cả đất nước này, cả nước Nga, đã phải lòng chúng tôi. Tất cả đều biết rằng đội tuyển quốc gia có giá trị thế nào”. Niềm tự hào chính đáng nhất của người lính là được nhân dân thừa nhận.

Nói đến các cuộc chiến đấu của người lính Nga, chúng ta nhớ đến những cuộc chiến đấu chống bao vây và phong tỏa. Những trận đánh băng tuyết trước Matxcơva. Cuộc chiến chống bao vây ở Stalingrad. Và ác liệt vô cùng là những ngày phong tỏa Leningrad. Thời ấy qua rồi, nhưng bây giờ là những khó khăn của thời kỳ cấm vận kinh tế. Nước Nga muốn vượt qua giai đoạn này và một trong những con đường chọc thủng vòng vây là con đường thể thao.

Nga đã tổ chức Thế vận hội mùa đông 2014 rất công phu, nhưng có lẽ chưa thật thành công. Đến bây giờ, những ám ảnh của vụ án doping ngày đó vẫn còn, lan sang cả Thế vận hội mùa hè 2016, nhất là với môn điền kinh, môn mà Nga có thế mạnh. Ngay cả trong bóng đá cũng có vấn đề về doping. Cho nên người ta có lý khi lo lắng về việc nước Nga nhận quyền đăng cai World Cup, quyết định được đưa ra hồi năm 2011. Có cảm giác Nga đang bị phong tỏa toàn diện, bao gồm cả lĩnh vực thể thao.

Trong hoàn cảnh đó, World Cup 2018 có ý nghĩa đặc biệt. Một mặt, Nga tỉnh táo, dũng cảm và thẳng thắn trước những án phạt doping. Mặt khác, Nga muốn dùng vòng chung kết bóng đá lần này để giới thiệu với thế giới một nền thể thao chân chính, trong sạch, giàu sức chiến đấu và một đất nước Nga thân thiện, hiếu khách, chân thành, cởi mở.

Đấy thực sự là một cuộc chiến đấu, trước hết là chiến đấu với chính mình. Cuộc chiến đòi hỏi bản lĩnh của những người lính. Cầu thủ Nga đã làm được điều đó.

Khi Ivan Rakitic sút thắng quả phạt đền cuối cùng, có nghĩa là Nga bị loại, cả sân Sochi bỗng trở nên câm lặng. Một phút, hay ngắn hơn một chút, rồi bỗng vang lên những tràng vỗ tay, lúc đầu chỉ lác đác, rồi nhanh chóng bật lên vang dội, ồ ạt. Nga đã thua một trận đấu, nhưng họ thực sự chiến thắng trong cả giải.

Đêm hôm đó, bên bờ biển Sochi, cách sân vận động chỉ vài trăm mét, lời ca hào hùng của quốc ca Nga lại vang lên. Không có dàn nhạc đệm theo như trong sân, chỉ được dẫn dắt bằng một cây đàn ghita, nhưng rất đông bạn bè quốc tế hát chung với người Nga. Những tâm hồn đã vượt qua ngăn cách, sau khi mọi người cùng chứng kiến cầu thủ Nga đã thi đấu như thế nào, đất nước Nga đã mến khách ra sao.

Khách đến Nga dự World Cup là đến thăm 10 thành phố với 12 sân bóng. Xa nhất là Yekaterinburg (cách Matxcơva gần 1.800km), gần nhất là Nizhny Novgorod (chỉ 420km). Nếu có vé vào sân một trận đấu chính thức, bạn sẽ được cấp một Fan-ID có giá trị như thị thực nhập cảnh. Và cũng với tấm vé vào sân trên tay, bạn có thể đi tàu hỏa miễn phí đến thành phố tổ chức trận đấu. Nước Nga mời gọi bạn và đấy là điều chưa nơi nào làm được.

Bạn cũng có thể làm một chuyến du lịch đường sông qua con sông Volga nổi tiếng, con sông đã được văn hào Ilya Ehrenburg gọi là “Đại trường giang”, dài 3.400km, nối 4 sân vận động của World Cup lần này (Nizhny Novgorod, Kazan, Samara và Volgagrad). Nhưng dù đi bằng cách nào, bạn cũng sẽ thấy những cánh rừng Nga, bạn sẽ gặp những con người Nga, bạn sẽ thấy những thành tựu nguy nga và cả những khó nghèo nhức nhối.

Nhưng chắc chắn bạn sẽ hiểu thêm đất nước Nga. Đấy mới chính là lý do để Tổng thống Putin đích thân vận động, đem vòng chung kết bóng đá thế giới về xứ sở tuyệt vời này.

Vấn đề là tất cả sẽ không trọn vẹn nếu tuyển Nga thi đấu không thành công. Cầu thủ bóng đá phải hiểu được sứ mạng của mình, toàn tâm toàn ý cống hiến cho sứ mạng đó. Đấy cũng chính là lý do vì sao các cầu thủ Nga được gọi là những người lính.

Bản thân khái niệm người lính đã đồng nghĩa với phẩm chất anh hùng. Khi HLV Cherchesov gặp gỡ báo chí một giờ sau khi thua trận, ông bất ngờ nhận được rất nhiều lời chào của phóng viên quốc tế, lời chào bằng tiến Nga, “spasibo” - cảm ơn. Có cả tiếng vỗ tay nữa.

Thành công hôm nay chỉ mới như trận đánh mở đột phá khẩu. Cánh cửa đã mở rộng rồi, con đường tiếp theo ra sao, chúng ta vẫn phải chờ một câu trả lời. Với niềm hi vọng: những người lính thì không bao giờ được buông tay súng.

Trong ngày hôm nay, hãy cảm ơn các cầu thủ Nga, những người lính Nga.■

VŨ CÔNG LẬP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên