03/09/2020 13:34 GMT+7

Nhọc nhằn đời phu đá - Kỳ 4: Xóm đá có 8 nấm mộ phu

TÂM LÊ – VŨ TUẤN
TÂM LÊ – VŨ TUẤN

TTO - Nham Kênh chỉ cách "vựa đá" tỉnh Hà Nam con sông. Người trong làng không nhớ nổi bao nhiêu phận đời có miếng cơm manh áo nhờ bãi đá và cũng chẳng thể nhớ nổi bao người bị bỏ lại vách đá bên sông.

Nhọc nhằn đời phu đá - Kỳ 4: Xóm đá có 8 nấm mộ phu - Ảnh 1.

Xóm nhỏ - nơi 8 phu đá đã vĩnh viễn ra đi, để lại mẹ già con thơ - Ảnh: TÂM LÊ

Giỗ chung một ngày

Ngõ xóm Chùa nằm giữa làng Nham Kênh (xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) có đến 8 người bỏ mạng vì đá. 

Bờ hữu sông Đáy là 4 nhà máy xi măng, hàng chục điểm mỏ rầm rập suốt ngày đêm. Tiếng khoan, tiếng máy nghiền, tiếng mìn nổ, đá lăn... không lúc nào ngớt. 

Bờ tả là làng Nham Kênh lại trĩu nặng, lạnh lẽo. Cánh đồng bên làng chằng chịt dây điện với mồ mả. Đường làng lạnh ngắt màu xám của những tường rào đá, mà mỗi tảng đá như thấm đẫm mồ hôi và máu của dân làng Nham Kênh.

Căn nhà lụp xụp của gia đình bà Lê Thị Lực nằm ngay đầu xóm Chùa. Bà Lực có hai con trai thì cả hai đều đã chết ở mỏ đá. Còn lại vợ chồng già và một con gái khuyết tật sống lay lắt trong căn nhà nghèo xác xơ.

Qua cánh cổng bằng chà rào tạm bợ, chúng tôi phải cúi gập người để chui qua tấm bạt rách căng dưới tán cây nhãn một đoạn dài mới vào đến sân nhà. Căn nhà cấp 4 xây bằng gạch vỡ và đá vụn được vợ chồng bà Lực nhặt về từ mỏ đá nham nhở.

Chúng tôi giật mình vì mùi hương trong căn nhà lạnh lẽo, hôm nay là ngày giỗ hai con trai bà. Tròn 20 năm kể từ ngày cả xóm nghèo chứng kiến đám tang thương chưa từng có xảy đến với gia đình bà Lực. Hai con trai Lão Văn Tuấn và Lão Văn Thiêm cùng đi khoan đá, đều bị đá lở đè chết. Lúc đó, Tuấn 31 tuổi, còn Thiêm mới 27 tuổi, để lại hai người vợ trẻ, mà người con dâu út đang mang thai con đầu lòng.

Buổi sáng định mệnh năm ấy, lúc thuyền muối về bến sông, bà Lực ra nhận muối còn tận mắt nhìn thấy hai con trai xuống thuyền sang khu núi đá. Linh cảm chẳng lành, vì tối hôm trước trời mưa một trận, ông bà khuyên hai con đừng đi làm mà nguy hiểm.

Gần trưa, ông đang ở ngoài đồng thăm lúa, còn bà đang mò ốc dưới ao, thì có người báo tin hai con trai bị đá lở đã đưa đi viện. Một người mất ngay tại chỗ, một người mất trên đường đi viện. Bà luống cuống đạp xe mười mấy cây số đến viện thì người ta nói dối con bà không sao. Bà lại tất tả đạp xe về, lúc ngang qua cánh đồng thì thấy người ta che phông bạt ở nghĩa địa, rồi người kéo đến nhà bà đầy sân. 

"Thôi, thế là bọn nó chết cả thật rồi!"- bà Lực chỉ kêu được một tiếng trong cổ họng rồi ngất không biết gì.

Hai mạng con trai của bà được cai đá đền 12 triệu, vì không có hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm. Cai đá lại là người trong họ hàng nên bà không thể đòi bồi thường hơn. Bà Lực đau đớn: "Tôi bảo với ông nhà tôi, người ta thà ăn cháo mà con còn sống vẫn hơn là mất hết cả hai đứa con".

Bà cũng trách cai đá: "Lẽ ra trời mưa phải cản con tôi đi làm, phải kiểm tra độ an toàn của mỏ đá trước khi cho công nhân làm việc. Phải có dây bảo hiểm cho chúng nó chứ. Mà dây cũng chẳng ăn thua đâu, hàng trăm khối đá đổ xuống cơ mà". Câu chuyện của bà Lực chốc chốc lại đứt đoạn, người mẹ hơn 80 tuổi thỉnh thoảng lại cúi xuống bóp lấy cổ tay sưng phồng.

Nhọc nhằn đời phu đá - Kỳ 4: Xóm đá có 8 nấm mộ phu - Ảnh 2.

Ông Định bên bàn thờ hai con trai trong ngôi nhà xập xệ - Ảnh VŨ TUẤN

Những người vợ trẻ thờ chồng

Bà Nhữ Thị Tâm, mẹ của phu đá xấu số Nguyễn Văn Huy và cũng là anh em với bà Lực, dẫn chúng tôi đi thăm lần lượt 8 gia đình phu đá trẻ. Khi chết, họ mới chừng 25-40 tuổi.

Nhà chị Đinh Thị Hòa, ngách đối diện, cách nhà bà Lực mươi bước chân. Chồng chị, anh Nguyễn Bá Ninh, đã mất được dăm năm, gia đình mới "sang cát" cho anh. Năm anh mất, chị Hòa mới 27 tuổi.

"Tai nạn với anh ấy như cơm bữa, chân tay đầy sẹo, tối về ăn cơm mới biết chồng còn sống. Làm đá mà, nghề này như trứng treo đầu gậy. Lần cuối, anh ấy đang khoan thì vách núi tụt xuống, và người tụt xuống cùng đá"- người vợ nghẹn ngào kể.

Ngôi nhà vừa xây xong, chưa kịp trát tường thì anh Ninh mất, bây giờ ngôi nhà vẫn "ở trần" phơi hàng gạch lẫn với đá nham nhở, mốc thếch. Thương con dâu, bà mẹ chồng sang ở hẳn với con. Bà mất một con trai, một con rể, cũng vì đá. Nhà cô con gái ở kế bên, cách một khoảnh vườn. Bà mẹ già chạy như con thoi giữa hai nhà, khi thổi giúp nồi cơm, khi chăm cháu, lúc tranh thủ cuốc luống rau cho hai người phụ nữ góa chồng ...

Ngày anh Ninh mất, cai đá đền 110 triệu theo "giá thị trường". Anh làm thuê công nhật, không hợp đồng, không bảo hiểm. Chị Hòa phải nuôi hai con nhỏ mà lúc ấy đứa lớn 13 tuổi, đứa bé 4 tuổi. Chi tiêu trong gia đình ngày một tăng, lao động ở quê chẳng được mấy đồng; năm ngoái chị vay tiền đi xuất khẩu lao động, dịch COVID nên phải về nước tay trắng, giờ còn nợ hơn 100 triệu.

Chị lại về quê xin việc mưu sinh. Hai hôm nay có nơi gọi đi làm, chị Hòa chỉ mong trả hết nợ nần chứ không dám nghĩ đến việc đi bước nữa dù các con đã lớn.

Hàng xóm chị Hòa là chị Nguyễn Thị Điểm, vợ phu đá Nhữ Văn Cương. Từ ngày chồng mất, chị Điểm bị chứng động kinh, cứ nghe tiếng mìn nổ là phát bệnh. Hàng ngày, chị vẫn đi đội bêtông thuê, đứa con gái lớn phải bỏ học đi làm thợ may giúp mẹ. Nhà chị còn bố mẹ chồng đã ngoài 90; ông cụ bị liệt, nằm một chỗ.

Trước đây, hai vợ chồng chị Điểm làm thuê cùng mỏ đá. "Anh đang khoan thì cả tòa đá sụp xuống, mất tại chỗ. Tôi nhận tin ngất đi không biết gì. Công ty họ đền có 80 triệu, chẳng ký kết hợp đồng. Anh mất, tôi hoàn toàn bị suy sụp"- chị Điểm gạt nước mắt

Bà Nhữ Thị Tâm dẫn chúng tôi về ngôi nhà chật hẹp của bà ở giữa con ngõ. Bà cũng là mẹ ruột phu đá xấu số Nguyễn Văn Huy. Bà bất ngờ kể chính bà là người tình nguyện rửa thi thể cho rất nhiều phu đá quanh vùng. "Có lần tôi đến nơi có người chết vì ngã núi, thi thể không còn nguyên vẹn, người ta cứ để cậu ấy nằm trên nền đất rất lâu mà không ai dám đụng vào.

Ai cũng sợ, không hiểu sao tôi lại muốn lại gần, muốn chạm vào, vuốt lại đôi mắt, đặt lại chân tay cậu ấy cho thẳng. Bảo mọi người bê cho tôi chậu nước để tôi lau vết máu, thay bộ quần áo mới cho cậu ấy. Từ đấy, xảy ra tai nạn nào, người nhà họ lại đến nhờ hoặc tôi tự đến"- bà Tâm chùng giọng.

Nhưng đến khi chính con trai của bà Tâm bị đá vùi thì người ta ngăn không cho bà lại gần. Bà có hai con trai, con đầu bị tai nạn đá mất năm 2012, lúc 36 tuổi. Nguyên nhân cũng do đang khoan thì đá lở, cuốn cả người lẫn dây bảo hiểm xuống dưới đất đá.

Cai đá đền được 100 triệu đồng và 4 triệu tiền mai táng. Số tiền ấy chẳng đủ để hai cháu nhỏ ăn học và thuốc thang cho cô con dâu còn trẻ mà hay ốm yếu.

Phu đá nhọc nhằn, bị tai nạn thường chết đau đớn, bất toàn thây, nhưng người ở đây vẫn phải bám núi đá mưu sinh. Con trai còn lại của bà Tâm vẫn phải leo lên vách đá kiếm sống mỗi ngày. Và chiều chiều, bà lại ra đầu ngõ, thắt tim ngóng bóng con về ...

Chúng tôi ra khỏi con ngõ buồn bã, người làng lại mách đến gia đình anh Vinh, chị Hiệp ... mới gặp nạn ở ngõ kế bên. Anh Vinh mất chưa đầy giỗ đầu, chị Hiệp bị liệt hai chân phải ngồi xe lăn. Chị khóc nghẹn: “Anh ấy hiền lành lắm, đi làm nhưng vẫn chăm lo cho vợ từng tí một. Anh chưa được nghỉ ngơi ngày nào thì đã mất”...

*********

"Tôi không biết họ đền bao nhiêu, lúc họ bảo đền 100 triệu, lúc bảo đền 200 triệu; tôi không cần, tôi chỉ cần con tôi thôi".

Kỳ tới: Mạng người trên núi đá

Nhọc nhằn đời phu đá - Kỳ 3: Nghề đá bạc như vôi Nhọc nhằn đời phu đá - Kỳ 3: Nghề đá bạc như vôi

TTO - "Làm đá, tối chưa thấy chồng về thì vợ phải điện thoại mới biết chồng còn sống. Nghề đá chẳng cần đầu tư gì, chỉ đầu tư cái mạng mình. Đá bạc như vôi, nhưng không leo lên núi thì làm gì để sống?"

TÂM LÊ – VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên