05/07/2019 10:36 GMT+7

Nhờ ba, tôi đi dạy học ở Trường Sa

NGUYỄN HỮU PHÚ
NGUYỄN HỮU PHÚ

TTO - Cuối năm lớp 8, ba đắn đo cho tôi nghỉ học vì nhà nghèo quá. Má tôi thì lần lữa không biết thế nào, anh chị ai cũng nghỉ học từ rất sớm đi làm phụ giúp gia đình.

Nhờ ba, tôi đi dạy học ở Trường Sa - Ảnh 1.

Chính lời khuyên trên giường bệnh của ba đã giúp tôi có ngày được nắn nót từng nét viết của học trò ở Trường Sa hôm nay.

Tôi là con út trong gia đình có chín anh chị em. Sau nhiều ngày đắn đo bàn bạc, thấy tôi khóc suốt vì muốn được đi học nên ba má quyết định cho tôi học thêm.

Những ngày buồn

Hồi năm 1995 đó, muốn xin vào làm các công ty thì phải có bằng tốt nghiệp lớp 9, mà nhiều người nghĩ có nghỉ học đi làm công ty cũng đỡ khổ cực hơn làm nông. Vậy là tôi may mắn được tiếp tục cắp sách đến trường.

Thời gian trôi qua, anh chị lần lượt có gia đình riêng. Ba má thì cũng ngày một già yếu, ốm đau. Tốt nghiệp lớp 12, tôi thi đại học, cao đẳng nhưng không đậu. Nhà không có tiền để vào thành phố luyện thi lại như bạn bè, tôi phải mua sách vở về tự ôn kỳ thi năm sau nhưng vẫn thất bại. Kể từ đó, tôi quyết định đi làm, không thi gì nữa. Tôi làm nhiều nghề, miễn sao có tiền thuốc thang cho ba má, từ phụ hồ, xỉa trầm hương, công nhân vệ sinh khu sửa chữa tàu...

Và rồi má tôi ra đi trong một chiều hè oi ả. Căn nhà trở nên trống vắng tái tê. Giờ chỉ còn lại mình ba và tôi, mà ba cũng chỉ nằm một chỗ vì bệnh tai biến và lớn tim. Bệnh làm chân tay ba tê cứng, đi đứng khó khăn, phải có người dìu đỡ. Ngày nào tôi cũng lấy rượu ngâm tỏi bóp chân tay ba cho các cơ dãn ra.

Khoảng 10 năm, từ năm 2000 đến 2010, tôi lại cháy bỏng khao khát được đi học đại học, cao đẳng như bạn bè. Nhiều đêm thấy mình ở giảng đường, tỉnh dậy mới biết chỉ là nằm mơ, tim tôi thắt lại. Nhưng tôi tự an ủi chuyện học hành còn dài phía trước, sau này học cũng được. Nhưng ba mất rồi thì biết tìm đâu.

Tôi quanh quẩn ở nhà chăm sóc ba, đỡ ba ngồi dậy, nằm xuống, đi đứng, ăn uống. Quanh năm suốt tháng ở lì trong nhà, tôi như bị trầm cảm nặng. Nhưng rồi chính ba đã vực tôi ra khỏi bế tắc đó bằng những câu nói của người:

- Giúp ba uống thuốc, rồi con ra ngoài chơi một lát cho thoải mái. Chứ con cứ ở nhà miết là sinh bệnh đó. Cứ vầy làm sao ba an lòng chuyện dang dở học hành của con!

Nhưng tôi nào có thể đi được, chỉ cố gượng cười:

- Ba yên tâm, sau này con muốn đi đâu, học gì mà không được. Được ở bên ba con rất vui mà.

- Nhưng mà má con đi rồi. Anh chị cũng có vợ chồng ra riêng. Ba thì dù thế nào cũng không thể sống mãi với con được. Tự con phải cố gắng học hành lại mà lo cho bản thân mình. Ở bên kia, ba má cũng vui khi thấy đời con không phải khổ...

Ba tâm sự mà ánh mắt đau đáu nhìn tôi. Những lời khuyên của ba làm tôi bừng tỉnh khỏi cơn trầm cảm. Suốt đêm đó, tôi không ngủ được. Tôi hiểu mình thương má, yêu ba thì mình phải tự đứng thẳng lên với đời...

Mấy tháng sau, ba tôi đi theo má. Tôi rất buồn nhưng không suy sụp nhờ những lời khuyên cuối đời của ba. Cùng anh chị lo cho ba xong, tôi quyết định đến nhà thầy cô cũ xin được ôn lại ba môn toán, lý, hóa.

Đi làm một buổi, một buổi tôi đi học. Lúc đầu thầy cô cũng ngại vì tôi đã bỏ học gần 10 năm, không biết có học lại được không. Nhưng họ thấy quyết tâm của tôi, nên đồng ý nhận vào lớp học thêm một tuần 3 buổi cùng các bạn lớp 10. Tôi nỗ lực học được 2 năm thì thầy cô khuyên tôi đã đến lúc làm hồ sơ thi lại.

Tôi thực hiện được lời hứa với ba

Ngay ngày giỗ ba, tôi nhận được tin báo trúng tuyển Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Tôi vui mừng khôn xiết vì đã thực hiện được lời hứa với ba trước khi ông mất, ước gì còn ba má để tôi ôm chầm mà báo tin vui.

Vào học sư phạm, tôi đã ngót 30 tuổi. Niềm vui thi đậu bao nhiêu thì cũng ngần ấy lo lắng cho việc học bấy nhiêu. Một thân một mình vào thành phố, tự làm tự học, nhiều lúc chỉ ăn cơm trắng với nước mắm, rồi đi làm thêm có khi đến 1h-2h sáng mới về. Ngoài giờ học, tôi còn đi giữ xe, dạy kèm, phát tờ rơi... để có tiền theo đến cùng ước mơ.

Sau khi tốt nghiệp, tôi đi dạy hợp đồng ở các trường tiểu học thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa trong vòng 3 năm. Rồi tôi tranh thủ học thêm để thi vào Đại học Huế.

Bước ngoặt cuộc đời lại đến, đầu năm 2018, tôi viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học, đây cũng là lần viết đơn thứ hai của tôi. Lần viết đơn tình nguyện đầu do tôi nộp trễ, Sở Giáo dục - đào tạo đã tuyển xong. Từ khi còn ngồi ghế giảng đường sư phạm, tôi luôn tâm niệm sau này sẽ đi những vùng sâu vùng xa hoặc hải đảo dạy học. Tôi sẽ đến nơi khó khăn để giúp học sinh nghèo, vì nhìn các em tôi lại nhớ đến chính hoàn cảnh mình ngày trước.

Một buổi sáng, tôi nhảy lên vì vui mừng khi biết đã trúng tuyển ra nơi đầu sóng ngọn gió dạy học. Và giờ cũng đã một năm tôi ra dạy ở xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa.

Toại nguyện ước mơ dạy học nơi tiền tiêu của Tổ quốc mà tôi nhớ má, nhớ ba vô cùng. Chính lời khuyên trên giường bệnh của ba đã giúp tôi có ngày được nắn nót từng nét viết của học trò ở Trường Sa hôm nay...

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI ĐỜI TÔI lần 2 năm 2019

photo-1-1562040711634645554063

* Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email.

* Độ dài: 1.000 - 1.700 chữ.

* Tiêu chí: Câu chuyện CÓ THẬT của chính người dự thi. Khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời, có cú hích với bản thân, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động người đọc.

Bài chưa đăng báo và mạng xã hội.

Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm: Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn, Tuổi Trẻ Video Online, fanpage Tuổi Trẻ.

Bài được chọn đăng, Tuổi Trẻ có quyền tiến hành xác minh, biên tập và giữ bản quyền.

Bài đã gửi, ban tổ chức sẽ không trả lại.

* Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước). Các phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ không dự thi.

Mỗi tác giả gửi tối đa hai (02) bài.

* Giải thưởng: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng.

* Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi: từ ngày 21-6-2019. Kết thúc nhận bài: ngày 21-12-2019 và tổ chức trao thưởng vào tháng 1-2020.

Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài dự thi gửi về địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.

Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

logo hdbank



NGUYỄN HỮU PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên