30/03/2021 08:35 GMT+7

Nhịp sống thương trường: Muốn nếm quả ngọt phải trải đau thương

HẢI KIM
HẢI KIM

TTO - Nhiều doanh nghiệp đã phải trải qua những thất bại, mất mát để có những bài học đau thương trước khi nếm hương vị trái ngọt, như hệ thống cửa hàng FOCI một thời đạt hơn trăm cửa hàng, để rồi biến mất sau đó trong sự ngỡ ngàng.

Nhịp sống thương trường: Muốn nếm quả ngọt phải trải đau thương - Ảnh 1.

Lựa chọn một mô hình và sản phẩm kinh doanh đậm chất Việt Nam nhưng có khả năng chinh phục khách hàng trên toàn thế giới là một việc quan trọng với doanh nhân Việt ngày nay. Trong ảnh là nhà xưởng FAIFO ở Hội An

"Nếu ngày trước thành lập FOCI tôi xác định mình sẽ chinh phục đỉnh Fansipan thì với FAIFO, tôi sẽ chinh phục Everest" - ông Hồ Thế Sơn, từng là nhà sáng lập và tổng giám đốc hệ thống cửa hàng thời trang FOCI, chia sẻ về dự án mới của mình sau nhiều năm vắng bóng trên thị trường vào những ngày cuối tháng 3-2021.

Đỉnh Fansipan mà ông Sơn nói chính là hệ thống cửa hàng FOCI bán quần áo thời trang, mà lúc hoàng kim chạm mốc 112 cửa hàng tại Việt Nam, Campuchia và Mỹ trong suốt hơn 15 năm. Thế nhưng sau đó FOCI đã không thể vượt qua được những bài toán về quản trị, vận hành và cả thách thức của hội nhập, điều mà ông gọi là quá đau thương khi "phụ thuộc nhiều mặt bằng, kinh doanh trên mét vuông".

Nhưng thời trang là một thị trường hấp dẫn, bằng chứng là sự đổ bộ của hàng trăm thương hiệu nước ngoài đến Việt Nam với đủ mọi phân khúc mà những Zara, H&M hay Uniqlo mới đây là những ví dụ cho cuộc cạnh tranh trị giá hàng tỉ USD này.

Đỉnh Everest là một mục tiêu tham vọng khi ông Sơn quay lại thị trường thời trang với FAIFO International Franchise trong năm COVID-19, công ty cung cấp hệ thống nhượng quyền dịch vụ may đo các loại veston, thời trang công sở và đồng phục phục vụ khách hàng có nhu cầu trên khắp thế giới.

"Tôi xác định FAIFO tiếp cận thị trường theo một cách khác, bước ra toàn cầu ngay từ đầu, dựa vào thế mạnh của Việt Nam và có thể nói là mạnh nhất để đi ra thế giới: may đo" - ông Sơn chia sẻ.

Cách vận hành của FAIFO là đưa công nghệ giúp khách hàng ở đâu cũng có thể lấy số đo, tự chọn vải, chuyển thông tin thông qua các phần mềm, qua app điện thoại di động, hoặc chỉ qua tiếp xúc duy nhất với một nhân viên tư vấn giàu kinh nghiệm. Mỗi bộ veston may đo đưa đi các nước sẽ chỉ mất từ vài ngày đến hai tuần, bao gồm cả việc may đo và vận chuyển.

Hôm 24-3, FAIFO đã chính thức ký kết hợp tác phát triển thị trường Canada với đối tác là Công ty FAIFO Canada, để đơn vị này tự vận hành các cơ sở và dịch vụ may đo tại khu vực này.

Nhịp sống thương trường: Muốn nếm quả ngọt phải trải đau thương - Ảnh 2.

Các gian hàng showroom ảo đang giải quyết bài toán khoảng cách xuyên biên giới cho những doanh nghiệp ngành thủ công, mỹ nghệ, nội thất... là một cuộc chuyển đổi số trong thời đại dịch COVID-19.

Tìm hướng đi mới là cách thức mà không ít doanh nghiệp phải thực hiện, nhất là khi cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 xảy ra. Từng nghĩ đến phương án đóng cửa hàng vì khách quốc tế vắng bóng do "cấm bay", bà Phạm Thị Hồng Quang - giám đốc Công ty thủ công nghệ Nguồn Việt - đã phải đưa ra các quyết định cân não, cuối cùng chọn chuyển đổi mô hình tiếp thị và bán hàng sang hình thức trực tuyến! Thật kỳ diệu, kết thúc năm 2020, doanh số cửa hàng tăng đến 40% so với năm trước.

"Đến bây giờ tôi vẫn thấy tiếc vì mất vài tháng chần chừ giữa đấu tranh đóng cửa hay đi tiếp. Và tôi đã chọn đưa hàng lên các sàn triển lãm trực tuyến, kết nối với khách hàng quốc tế qua gian hàng triển lãm ảo và sống tốt đến bây giờ", bà Hồng Quang chia sẻ.

"Thay đổi hay là chết" là một câu cửa miệng được giới doanh nhân nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần. Chuyên gia nhượng quyền thương mại Nguyễn Phi Vân cho biết trong xu hướng của toàn cầu hóa, những ngành nghề truyền thống muốn tồn tại, phát triển cần phải bắt tay với công nghệ, hình thành những mô hình kinh doanh mới.

Theo bà Vân, đó là chuyển động lớn nhất mang lại cơ hội tăng trưởng cho các mô hình kinh doanh dựa trên nguồn tài nguyên bản địa, mà ở Việt Nam chính là các ngành nghề may mặc, thủ công mỹ nghệ...

"Doanh nghiệp các nước luôn có tầm nhìn toàn cầu, thị trường quốc tế nên khi có biến động họ rất linh hoạt, thích ứng tốt" - bà Phi Vân nói.

Theo ông Lê Hùng Anh - tổng giám đốc Công ty One IBC, đơn vị hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn đầu tư nước ngoài, đầu tư quốc tế là một lựa chọn mang tính chiến lược giúp doanh nghiệp Việt vượt tầm lãnh thổ, vươn ra "biển lớn".

Tất nhiên bước đầu sẽ không thể không xuất hiện những khó khăn, rào cản, nhưng doanh nghiệp Việt đi ra thế giới sẽ nhận về lợi ích kép. Hướng đi này không chỉ giúp mang lại lợi nhuận cho bản thân của doanh nghiệp, mà còn góp phần thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác, tạo thuận lợi thu hút doanh nghiệp quốc tế đầu tư tại Việt Nam, ông Hùng Anh nhận định.

logo nhịp sống thương trường

Kể từ ngày 29-3, Tuổi Trẻ Online ra mắt chuyên mục Nhịp sống thương trường với các câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp đa quốc gia kinh doanh tại thị trường nội địa lẫn quốc tế.

Nội dung của chuyên mục mới đa dạng, bao quát từ lập nghiệp, khởi nghiệp kinh doanh với các hình thức hỏi đáp, trò chuyện với chuyên gia, doanh nhân kể chuyện… đến các chính sách, chiến lược, quản trị, nhân sự, thủ tục hành chính… liên quan đến thương trường.

Chuyên mục có sự đồng hành của One IBC, công ty cung cấp các dịch vụ tài chính, thuế, đăng ký kinh doanh, đầu tư trong nước và quốc tế.

Chuỗi sản xuất dần rời khỏi Trung Quốc, cơ hội nào cho Việt Nam? Chuỗi sản xuất dần rời khỏi Trung Quốc, cơ hội nào cho Việt Nam?

TTO - Nếu thương chiến Mỹ - Trung là tác nhân thúc đẩy xu hướng dời chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc thì dịch bệnh COVID-19 đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn. Và đây là cơ hội cho Việt Nam.

HẢI KIM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên