05/02/2024 08:01 GMT+7

Nhiều nước châu Á xem năm Giáp Thìn là cơ hội tăng dân số

Những năm gần đây, một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) phải chứng kiến tỉ lệ sinh suy giảm nghiêm trọng.

Giới chức nhiều nước Đông Bắc Á hy vọng năm con rồng nhiều gia đình sẽ có thêm con - Ảnh: TELEGRAPH

Giới chức nhiều nước Đông Bắc Á hy vọng năm con rồng nhiều gia đình sẽ có thêm con - Ảnh: TELEGRAPH

Tuy nhiên, năm Giáp Thìn 2024 hay năm "rồng xanh" dự kiến sẽ trở thành biện pháp khuyến sinh tự nhiên, mở ra cơ hội chặn đà giảm sinh, giúp các quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực phía đông bắc châu Á cứu vãn tình hình hiện tại.

Bà Lưu Tập (53 tuổi) ở thành phố Thành Đô, phía tây nam Trung Quốc, kể lại khi sinh con vào năm Canh Thìn 2000, bà đã phải xếp hàng rất dài để đợi được khám thai. "Rất nhiều người đổ xô sinh con, bất kể là gái hay trai", bà Lưu nói với báo Straits Times.

"Năm đó là năm chuyển sang thiên niên kỷ mới và cũng là năm con rồng. Phụ nữ mang thai ở khắp mọi nơi xung quanh tôi", bà Lưu hồi tưởng.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia dự đoán tỉ lệ sinh trong năm 2024 có thể tăng nhẹ do nhiều cặp vợ chồng săn tìm "rồng con", nhưng vẫn không tăng nhiều do các ảnh hưởng từ kinh tế, xã hội.

Theo dữ liệu được công bố ngày 28-1 của Cổng thông tin thống kê quốc gia Hàn Quốc (KOSIS), số ca sinh từ tháng 1 đến tháng 11-2023 của nước này chỉ đạt 213.572 trẻ, thấp nhất từ trước đến nay.

Hiện chính quyền địa phương ở những tuyến đầu trong cuộc khủng hoảng tỉ lệ sinh tại Hàn Quốc đang liên tục triển khai các biện pháp tập trung hỗ trợ tiền mặt cho các cặp vợ chồng.

Trong đó, huyện Geochang, tỉnh Gyeongsang Nam, phía đông Hàn Quốc, quyết định hỗ trợ 110 triệu won (hơn 2 tỉ đồng) cho mỗi đứa trẻ được sinh ra trong năm 2024 từ 0 đến đủ 18 tuổi. Thành phố Incheon cũng hỗ trợ 100 triệu won (hơn 1,8 tỉ đồng) cho tất cả trẻ em được sinh ra trên địa bàn thành phố từ khi các em sinh ra cho đến đủ 18 tuổi.

Theo thông tin trên trang web tóm tắt các chính sách của Chính phủ Hàn Quốc, ngoài "thưởng nóng" tiền mặt, chính quyền các địa phương cũng xem xét kéo dài thời gian nghỉ thai sản đối với cả thai phụ và chồng, kéo dài thời gian hoạt động của các nhà trẻ và trường mầm non, tăng chế độ hậu thai sản đối với phụ nữ để họ có thể yên tâm sinh con mà không sợ mất việc làm.

Tương tự Hàn Quốc, tỉ lệ sinh thấp cũng là một trong những vấn đề nổi cộm tại cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan vừa qua. Khi đó, cả ba ứng cử viên cho vị trí lãnh đạo Đài Loan đều cam kết sẽ giải quyết vấn đề sinh sản do tỉ lệ sinh của hòn đảo này trong năm 2023 chỉ đạt 135.571 trẻ - cũng là mức thấp kỷ lục.

Ông Lại Thanh Đức, thành viên Đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) và cũng là người đắc cử vị trí lãnh đạo Đài Loan, hứa sẽ tiếp tục đẩy mạnh chăm sóc trẻ em dưới 6 tuổi, bao gồm việc tăng tiền hỗ trợ cho trẻ sơ sinh từ 0 - 24 tháng.

Ông Hầu Hữu Nghi, ứng viên Quốc Dân Đảng (KTM) đối lập, cam kết cung cấp hoàn toàn miễn phí các dịch vụ tại trung tâm chăm sóc trẻ em công cộng, đồng thời thưởng tiền mặt cho các gia đình có ba con.

Mong các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con...

Tỉ lệ sinh của Việt Nam lần đầu tiên từ 2006 đã giảm xuống dưới 2 con/bà mẹ - Ảnh: Quang Định

Tỉ lệ sinh của Việt Nam lần đầu tiên từ 2006 đã giảm xuống dưới 2 con/bà mẹ - Ảnh: Quang Định

Ông Phạm Chánh Trung, chi cục trưởng Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho rằng hiện các cặp vợ chồng trẻ lựa chọn sinh con sẽ xem xét trên năng lực tài chính, công việc của bản thân, khả năng chăm sóc và nuôi dạy con cái cũng như phát triển bản thân và đóng góp cho xã hội.

Khi người trẻ chưa yên tâm về khả năng sinh và nuôi dạy chăm sóc con cái thì có lẽ "năm tuổi đẹp để sinh" cũng không phải là yếu tố tác động đến mức sinh.

Ông Chánh Trung cho biết thêm trong nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp của TP, năm 2023 ngành dân số đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ tập trung trong các hoạt động truyền thông - giáo dục.

Cụ thể, ngành dân số đã tăng cường chuyển tải thông điệp truyền thông "Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con" trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng, mạnh dạn áp dụng trong các mô hình truyền thông mới như: sáng tác ca khúc tuyên truyền; trình chiếu trailer tuyên truyền trong rạp chiếu phim; trình chiếu các tranh ảnh cổ động trên bảng led điện tử tại các trung tâm thương mại, thang máy các khu căn hộ cao cấp, màn hình xe buýt, màn hình tại các siêu thị, màn hình tại các cơ sở y tế...

Bên cạnh đó, ngành dân số đã phối hợp Thành Đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Liên đoàn Lao động tổ chức các hội thảo, hội thi, tọa đàm cung cấp thông tin thực trạng mức sinh thấp cũng như ghi nhận các đề xuất để giải quyết vấn đề mức sinh thấp...

Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM đã vận động nguồn kinh phí xã hội hóa công tác dân số để biên tập, sản xuất trailer tuyên truyền "Chung tay giải quyết tình trạng mức sinh thấp tại TP.HCM" trình chiếu trong rạp chiếu phim CGV.

Ngành dân số đã tích cực tham mưu Sở Y tế trình HĐND TP dự thảo chính sách dân số đến 2030, trong đó tập trung các giải pháp vào hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con; khuyến khích, khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách "sinh đủ hai con".

Trong xu hướng hiện nay, thách thức rất lớn của TP.HCM là làm sao giữ không xuống dưới mức sinh hiện tại (dưới 1,4 con/phụ nữ theo số liệu năm 2023) và nâng dần mức sinh lên với các điều kiện ổn định về chất lượng dân số của TP.

Thi nhau đẻ con năm Thi nhau đẻ con năm 'rồng vàng', giờ tính sao?

Chưa biết tương lai sướng khổ ra sao, nhưng trẻ em thế hệ "rồng vàng" luôn bị quá tải sĩ số lớp học từ lớp 1 đến lớp 6...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên