20/01/2020 16:30 GMT+7

Nhiều người 'ghét tết, chán lễ lạt', vì sao?

MINH HẢI
MINH HẢI

TTO - Trong khi mọi người háo hức rủ nhau đi mua sắm đón tết, chơi tết... không ít người thấy 'buồn vô cớ', thậm chí 'thấy ghét' mỗi khi tết đến, chỉ mong mọi thứ sớm trở lại như cũ. Vì sao?

Nhiều người ghét tết, chán lễ lạt, vì sao? - Ảnh 1.

Một chiếc xe bán đầu lân dạo trên đường Điện Biên Phủ, TP.HCM ngày 26 tháng chạp - Ảnh: ANTHONY PHUNG

Các nhà nghiên cứu gọi đó là "hội chứng trầm cảm trước và trong dịp lễ". Nó có thể xảy ra với bất cứ ai, ở bất cứ đâu, dù đó là người có cả tỉ đồng hay người chỉ có vài đồng lẻ.

Hội chứng này lần đầu tiên được các nhà nghiên cứu nhắc đến vào năm 1985 trên Thời báo New York. Theo mô tả, đó là một trạng thái cảm xúc giống như sự "tẻ nhạt", "buồn rầu không rõ lý do". Có chăng sự khác biệt với ngày thường chỉ là đường phố đông đúc hơn, ồn ào mua sắm nhiều hơn và văn phòng thì nhiều người "vắng mặt có lý do" hơn.

Thậm chí một số người còn cảm thấy càng cố hòa nhập với không khí lễ tết thì lại càng cảm thấy buồn hơn, và chỉ muốn "ở nhà ngủ cho hết ngày", mong mau chóng cho qua lễ để đi làm như bình thường.

Có nhiều lý do dẫn đến trạng thái này, tùy vào cảm nhận và hoàn cảnh sống của từng cá nhân.

Thiếu tiền tiêu tết

Tết đến trăm thứ phải lo phải sắm, nào là quà biếu hai bên nội ngoại; nào là tiền mua bánh trái; tiền mua thịt lợn; tiền dự trù tiêu ra Giêng, trăm thứ phải lo trong khi thưởng tết thì bé. Bởi thế nên lòng thấy không vui, thành ra ghét tết: Ăn chẳng bao nhiêu mà sắm thì rất nhiều. Không có không được mà có thì thành thừa.

Căng thẳng về tài chính khiến không ít người trong chúng ta rơi vào trầm cảm, buồn bã trước mỗi dịp lễ tết.

Khối lượng công việc lớn

Một lý do khác khiến nhiều người mắc hội chứng buồn bã dịp lễ là suy kiệt sức khỏe. Thử ngẫm xem, có vị sếp nào nhắc bạn "Bỏ việc đó sang năm làm tiếp" hay chỉ nhắc nhở "làm cố cho nốt việc trước tết", thậm chí còn yêu cầu tăng ca để bù lượng sản phẩm trong mấy ngày nghỉ.

Những ngày cận tết, 24 giờ chia cho tỉ thứ việc, vừa phải cố gắng hoàn thành khối lượng công việc; vừa tất bật mua sắm trang hoàng nhà cửa; lại lo chỗ gửi con vì trường nghỉ sớm mà bố mẹ chưa được nghỉ… Mọi thứ khiến chúng ta thấy suy kiệt, như rơi vào một vòng xoáy, cơ thể mệt nhoài chỉ muốn được ngủ và mong chóng qua tết.

So sánh với người khác

Nhiều người dù nhiều lần tự nhủ không nên nhưng luôn khó tránh khỏi việc so sánh bản thân với những người khác cả trong cuộc sống thực và trên mạng xã hội. Một người bạn khoe trên Facebook tết này có xe mới để đi chơi, chị đồng nghiệp khoe chồng tặng quà tết là chuyến du lịch châu Âu, bạn thời đại học được công ty thưởng tết trăm triệu… cũng khiến ai đó cảm thấy bản thân tồi tệ, không bằng người khác và không thấy vui khi tết cận kề.

Cô đơn thời công nghệ

Lễ tết giờ khác xưa rất nhiều. Người ta có thể ngồi một chỗ tại văn phòng thông qua một trang mua sắm để gọi ship về tận nhà bất cứ món đồ nào. Trên mạng đầy những dịch vụ mua sắm tết trọn gói, từ chiếc bánh chưng, giò chả, bánh mứt, quần áo mới, cho đến cả hoa kiểng trang trí hay mâm cỗ cúng giao thừa. Con cái, anh chị em ai cũng bận tới tận 29,30, những nồi bánh chưng xum họp vì thế mà cứ thưa dần.

Người ta cũng gửi nhau những lời chúc tết, những câu thăm hỏi qua điện thoại, thay vì đến nhà nhau như trước. Sự mất kết nối này khiến nhiều người cảm thấy cô đơn, không có sự chia sẻ, Tết cũng vì thế mà không còn vui nữa.

Không vui vì ngày thường không khác gì tết

Đối với những ai dư tài chính thì sẽ không lo tiền sắm tết, nhưng chính bởi vì cái gì cũng có, cũng đủ cả rồi, ngày thường cũng như ngày tết không có gì khác biệt nên cũng chẳng thấy vui hơn là bao.

Trẻ con vui vì được nghỉ học, người lớn thì chẳng thấy gì khác biệt, có chăng chỉ là mua sắm nhiều hơn ngày thường.

Các nhà nghiên cứu nhận định trạng thái cảm xúc này sẽ hết khi kết thúc dịp tết, khi nhịp sống quay trở lại bình thường nên không có gì đáng ngại. 

Nếu đang ở trong trạng thái "trầm cảm trước tết", chúng ta có thể tìm cách vượt qua bằng cách thay đổi thói quen mua sắm, tìm cách kết nối bạn bè, phân chia bớt khối lượng công việc cho người khác nếu có thể.

Thương làm sao ‘tết cuối tuần’ rưng rưng của người Việt mình Thương làm sao ‘tết cuối tuần’ rưng rưng của người Việt mình

TTO - Sang Mỹ từ năm 2016, từ đó tới nay anh Vũ chưa có dịp về quê ăn Tết lần nào. Ngoài chuyện thu xếp thời gian nghỉ để cả nhà cùng về đã là chuyện rất khó thì mức lương của một người làm khoa học ở Mỹ cũng không quá dư giả ...

MINH HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên