07/12/2020 16:15 GMT+7

Nhiều ngân hàng đua tăng vốn cuối năm

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Tận dụng cơ hội giá cổ phiếu đang nóng, hàng loạt ngân hàng đã đua tăng vốn trong những tháng cuối năm nay.

Nhiều ngân hàng đua tăng vốn cuối năm - Ảnh 1.

Cổ đông SCB bỏ phiếu thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 15.000 tỉ đồng tại đại hội cổ đông bất thường hôm nay - Ảnh: A.H.

Tại đại hội cổ đông bất thường được tổ chức hôm nay, 7-12, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã được thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ 15.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2020-2030, trong đó riêng năm 2020-2021, SCB sẽ tăng vốn thêm 5.000 tỉ đồng thông qua việc chào bán 500 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu. 

SCB cho biết với nguồn vốn tăng thêm, ngân hàng sẽ ưu tiên bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh, tập trung vào đầu tư tài sản cố định, hiện đại hóa công nghệ thông tin và đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở các chi nhánh.

Ngoài ra, đại hội cổ đông bất thường SCB cũng thông qua lộ trình niêm yết cổ phiếu SCB trên sàn HoSE, chậm nhất năm 2025, đồng thời đại hội cũng thông qua tờ trình phê duyệt giao dịch nhận tài sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ của bên vay/bên thế chấp có giá trị lớn hơn 20% vốn điều lệ của SCB.

Trước SCB, hàng loạt ngân hàng khác cũng chạy đua tăng vốn. Mới đây nhất Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho TPBank tăng vốn thêm hơn 2.150 tỉ đồng vào vốn điều lệ trong năm nay, lên mức 10.716 tỉ đồng. HDBank cũng vừa tăng vốn điều lệ lên hơn 16.088 tỉ đồng thông qua chia cổ tức năm 2019 (đợt 2). 

ACB tăng vốn từ hơn 16.627 tỉ đồng lên hơn 21.615 tỉ đồng; BacABank tăng vốn điều lệ từ 6.500 tỉ đồng lên 7.085 tỉ đồng, VIB tăng từ 9.244 tỉ đồng lên 11.093 tỉ đồng, SeABank tăng từ 9.369 tỉ đồng lên 12.088 tỉ đồng. Nguồn vốn tăng thêm đến từ việc chia cổ tức, cổ phiếu thưởng...

Sở dĩ các ngân hàng ráo riết tăng vốn trong thời gian qua là để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II mà Ngân hàng Nước quy định.

Ở thời điểm hiện tại, hệ số CAR nhiều ngân hàng kể trên vẫn đang ở mức an toàn, nhưng nếu không tăng vốn hệ số này sẽ giảm dần khi tài sản có rủi ro của các ngân hàng tăng lên. Khi đó việc mở rộng hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng sẽ bị hạn chế. Do vậy các ngân hàng đã phải chạy đua tăng vốn lúc này.

Lãi vay ngân hàng gần gấp đôi lãi huy động, người vay Lãi vay ngân hàng gần gấp đôi lãi huy động, người vay 'méo mặt'

TTO - Lãi suất huy động đã giảm rất mạnh, ngân hàng thậm chí còn không huy động kỳ hạn dài, tuy nhiên lãi suất cho vay chỉ giảm nhỏ giọt. Người vay méo mặt vì lãi suất cho vay hiện nay gần gấp đôi so với lãi suất huy động.

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên