18/11/2020 09:47 GMT+7

Nhiều mối lo từ nghệ thuật công cộng

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Bích họa nghiệp dư len lỏi khắp chốn, những vườn tượng "thảm họa", những tượng đài ngàn tỉ hoành tráng nhưng chưa đẹp... Sự buông lỏng trong quản lý nghệ thuật công cộng đang gây ra những hệ lụy sâu xa.

Nhiều mối lo từ nghệ thuật công cộng - Ảnh 1.

Một góc làng bích họa Tam Thanh - Ảnh: PHAN CẨM THƯỢNG

Đây là lo ngại được các đại biểu chia sẻ trong hội thảo khoa học Nghệ thuật công cộng kiến tạo điểm đến du lịch, do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN, ĐH Mỹ thuật công nghiệp, ĐH KHXH&NV Hà Nội tổ chức ngày 17-11 tại Hà Nội.

Các tác phẩm quanh quẩn 12 con giáp

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Tiên (Hội Mỹ thuật TP.HCM), hiện VN có khá nhiều công trình nghệ thuật công cộng hoành tráng nhưng chưa đặc sắc, chưa trở thành điểm nhấn cho mỗi đô thị; mỹ thuật trang trí công viên mới có công năng sử dụng chứ không đảm bảo tính mỹ thuật, với các tác phẩm chỉ quanh quẩn 12 con giáp, long, ly, quy, phụng, nhân vật lịch sử với tạo hình nhiều chi tiết rườm rà, chưa giúp nâng cao thẩm mỹ của người dân. 

Chưa kể hiện đang có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật công cộng tự phát, chưa chuyên nghiệp, làm mất vẻ đẹp cảnh quan, giảm tuổi thọ của công trình. 

Ông dẫn ví dụ về "nạn dịch" bích họa hay vẽ lên cột điện tuy với mục đích làm đẹp nhưng thực tế lại làm xấu cảnh quan, nguy hại là nó đang lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Đây là mối quan ngại chung của nhiều đại biểu tại hội thảo. Những ví dụ như vườn tượng Hòn Dáu hay mới đây là vụ sơn tượng xanh đỏ ở công viên Thống Nhất, thậm chí con đường Gốm Sứ ở Hà Nội cũng được dẫn ra như những ví dụ về "rác" của mỹ thuật công cộng.

Theo nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, nghệ thuật công cộng không chỉ có các tác phẩm sắp đặt ngoài đường phố, tranh và tượng, mà là vẻ đẹp của môi sinh công cộng. Chỗ nào cần tranh tượng mới cho tranh tượng vào, còn không cần thì thôi. 

"Nghệ thuật là tốt đẹp, nhưng quản lý không gian công cộng hiện nay là một vấn đề lớn của VN, vừa do Nhà nước quản lý vừa có tình trạng cha chung không ai khóc... 

Các nghệ sĩ đừng tưởng mình bôi cái gì lên tường là cũng làm nó đẹp hơn, nên trước khi bôi phải nghĩ mình làm nó đẹp hơn hay xấu đi" - nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nói.

Dưới góc nhìn của một kiến trúc sư, TS Phan Đăng Sơn - chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN - cho biết ở nước ngoài, nghệ thuật công cộng kiến tạo điểm đến du lịch hấp dẫn đã diễn ra từ lâu và rất thành công. 

Còn ở ta các thiết kế quy hoạch thiếu bóng dáng của mỹ thuật, và thiếu cả bóng dáng của kiến trúc đích thực trong việc kiến tạo không gian. Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN mong có một sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các kiến trúc sư và các họa sĩ để tạo ra những không gian nghệ thuật công cộng đẹp cho xã hội.

Cân nhắc lợi hại

Trong cái nhìn sâu xa của một nhà nghiên cứu văn hóa, ông Phan Cẩm Thượng còn có những lo lắng khác về chuyện khai thác nghệ thuật công cộng làm du lịch. Ngay cả một dự án có chất lượng nghệ thuật tốt, mang lại giá trị kinh tế thông qua du lịch cho địa phương thì cũng có những nguy hại tiềm ẩn cho cộng đồng rất đáng lưu tâm.

Là người tham gia vào dự án nghệ thuật cộng đồng ở làng chài Tam Thanh (Quảng Nam) ngay từ đầu trong 6 năm qua kể từ khi một đội họa sĩ Hàn Quốc đến vẽ lên một số bức tường, ông Thượng đã chứng kiến nhiều đổi thay ở làng chài này mà cái lợi và cái hại chưa biết cái nào lớn hơn.

Ông cho biết làng Tam Thanh vốn rất đẹp, trước đây người dân đã xây vài khách sạn ở đó nhưng không có khách vì giao thông khó khăn. Khi có làng bích họa của các họa sĩ Hàn Quốc và sau đó là dự án vẽ lên thuyền thúng, mái chèo của các họa sĩ VN để làm con đường thuyền thúng thì khách du lịch kéo đến nơi này rất đông. 

Đời sống kinh tế của người dân tăng lên nhưng cũng từ đó, một số thanh niên bỏ nghề đi biển, giá đất tăng vụt khiến người làng bán đất cho các chủ đầu tư bên ngoài và chuyển vào các làng trong đất liền sống.

"Chúng tôi muốn giúp địa phương có đời sống tốt hơn nhưng rất có thể có nguy cơ phá hủy địa phương khi khiến cho các doanh nghiệp tư nhân ở nơi khác nhảy vào làng chiếm lĩnh các không gian, người dân của làng sẽ bị bạt ra ngoài hết. Cuối cùng, nghệ thuật có thể chẳng dành gì tốt đẹp cho người dân mà khiến làng mạc, văn hóa bị tiêu tán" - ông Thượng nói.

Bởi thế, một sự quản lý chặt chẽ với nghệ thuật công cộng là rất cần thiết, đồng thời phải cân nhắc những lợi hại cho bản sắc văn hóa khi khai thác nghệ thuật công cộng cho phát triển du lịch.

Phải hỏi dân

Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, kinh phí xây dựng các tác phẩm công cộng là do người dân đóng thuế nên dân có quyền quyết định nội dung của dự án thay vì hoàn toàn do cơ chế hành chính áp đặt. Một tượng đài muốn dựng ở đâu đó, người dân không được hỏi ý kiến. Đây là điều rất bất cập trong quản lý nghệ thuật công cộng ở VN.

Ngắm sông Hương trên bích họa ở làng ngoại ô Huế Ngắm sông Hương trên bích họa ở làng ngoại ô Huế

TTO - Một con đường bích họa dài 300m vừa hoàn thành ở ngoại ô thành phố Huế, với những bức tranh phong cảnh dọc hai bờ sông Hương được vẽ trên tường rào bên đường.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên