10/08/2021 20:12 GMT+7

Nhiều khu công nghiệp tại Bình Dương tiêm xong vẫn thiếu vắc xin

BÁ SƠN
BÁ SƠN

TTO - Hàng chục khu công nghiệp đã tiêm xong sau ít ngày được phân bổ vắc xin, nhưng nhiều công nhân vẫn 'khát' vắc xin do số lượng còn hạn chế.

Nhiều khu công nghiệp tại Bình Dương tiêm xong vẫn thiếu vắc xin - Ảnh 1.

Việc tiêm vắc xin tại Bình Dương được thực hiện nhanh hơn nhờ đã được phân bổ tới nhiều điểm tiêm và phối hợp với chủ đầu tư các khu công nghiệp - Ảnh: B.S.

Bình Dương đã có tổng số ca mắc thứ hai cả nước, về tỉ lệ mắc trên dân số thì không thua gì TP.HCM nhưng lượng vắc xin tỉnh được phân bổ hiện chưa tương xứng với độ nóng của ca mắc tăng cao những ngày gần đây. Hiện công nhân và cộng đồng doanh nghiệp tại Bình Dương rất mong có vắc xin thêm để yên tâm sản xuất.

Một doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại Bình Dương

Ngày 10-8, công nhân, người lao động tại nhiều khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương vui mừng khi được đi tiêm vắc xin. Người lao động và doanh nghiệp đều như "nắng hạn gặp mưa rào" vì đây là lần đầu tiên các khu công nghiệp triển khai tiêm vắc xin sau nhiều tháng chờ đợi.

Tại gần 30 khu công nghiệp trong trong toàn tỉnh, việc tiêm vắc xin được triển khai rất nhanh và trật tự. Chỉ sau bốn ngày triển khai (từ ngày 7-8), hầu hết vắc xin phân bổ cho khu công nghiệp tại Bình Dương đã được tiêm xong.

Việc mạnh dạn "xã hội hóa", phối hợp với chủ đầu tư khu công nghiệp đã giúp "giải phóng" nguồn lực và gỡ nút thắt "có vắc xin mà để trong kho" từng xảy ra những ngày trước. 

Với nguồn vắc xin do ngành y tế cấp, Ban quản lý các khu công nghiệp giám sát việc tiêm đúng đối tượng, còn địa điểm, tìm kiếm cơ sở y tế tiêm đủ năng lực, hỗ trợ về ăn ở, đi lại, chi phí phát sinh... các doanh nghiệp đều nhiệt tình hỗ trợ và tổ chức rất chuyên nghiệp.

Tại Khu công nghiệp VSIP 1 (thành phố Thuận An) và VSIP 2 (thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên), khoảng 40.000 người lao động đã được tiêm vắc xin chỉ sau hai ngày. Chủ đầu tư khu công nghiệp hỗ trợ địa điểm tiêm rộng rãi, còn nhân lực tiêm được huy động từ đơn vị tư nhân nên triển khai khá nhanh chóng.

Tại Khu công nghiệp Đồng An 1, 2 do Công ty Hưng Thịnh làm chủ đầu tư; ông Bùi Mạnh Lân - tổng giám đốc - cho biết đã phối hợp với Bệnh viện Quân đoàn 4 hỗ trợ tiêm cho doanh nghiệp. 

"Rút kinh nghiệm các nơi khác nên chúng tôi chia ra nhiều địa điểm tiêm để đảm bảo khoảng cách. Với các doanh nghiệp lớn có nhiều công nhân thì tổ chức đưa vắc xin tới tiêm ngay tại nhà máy. Nhờ vậy mà công nhân trật tự, không xảy ra cảnh chen lấn" - ông Lân thông tin.

Tại Khu công nghiệp Sóng Thần 2, 3 do Công ty cổ phần Đại Nam làm chủ đầu tư, ông Huỳnh Uy Dũng - tổng giám đốc - cho biết đã mời bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) hỗ trợ tiêm. Khoảng 6.000 liều cho người lao động tại Khu công nghiệp Sóng Thần 3 đã tiêm xong và đang tiêm những liều cuối cùng tại Khu công nghiệp Sóng Thần 2.

Tại Khu công nghiệp Việt Hương 1, 2, gần 3.000 liều vắc xin cũng đã được chủ đầu tư phối hợp với các doanh nghiệp để tiêm cho người lao động.

Tương tự, các khu công nghiệp Mỹ Phước, Bàu Bàng do Tổng công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư cũng đã triển khai tiêm vắc xin ngay khi được phân bổ... 

Trái với tình trạng tiêm chậm những ngày trước, việc tiêm vắc xin tại Bình Dương thực tế những ngày qua đã được "sửa sai" và triển khai rất nhanh.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương, tính tới 10-8, tỉnh này được Bộ Y tế phân bổ 570.000 liều vắc xin thì đã tiêm được gần hết

Cụ thể, 420.000 liều phân bổ cho tuyến tỉnh, huyện, xã phường đã tiêm xong, nên hiện các xã phường phải ngưng tiêm để chờ vắc xin. Khoảng 150.000 liều phân bổ cho các khu công nghiệp để tiêm cho công nhân "3 tại chỗ" cũng chỉ còn một số lượng nhỏ vắc xin để "tiêm vét" trong ngày 11-8 là xong.

Về việc thực tế tới nay tiêm vắc xin đã gần hết nhưng Bộ Y tế vẫn nêu tên Bình Dương trong danh sách tiêm chậm, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh cho biết do nhập liệu chậm hơn số lượng tiêm vắc xin thực tế. Để khắc phục việc này, Bình Dương đang nhờ các công ty công nghệ thông tin hỗ trợ nhập liệu nhanh hơn.

Nhiều khu công nghiệp tại Bình Dương tiêm xong vẫn thiếu vắc xin - Ảnh 3.

Không gian rộng rãi nên các khu công nghiệp tổ chức tiêm vắc xin bài bản hơn. Trong ảnh: tiêm vắc xin tại Khu công nghiệp VSIP 2 - Ảnh: B.S.

Nhiều khu công nghiệp tại Bình Dương tiêm xong vẫn thiếu vắc xin - Ảnh 4.

Hơn 6.000 lao động tại Khu công nghiệp Sóng Thần 3 đã tiêm xong vắc xin, chủ đầu tư là Công ty Đại Nam đang phối hợp tiêm những mũi cuối tại khu công nghiệp còn lại là Sóng Thần 2 - Ảnh: B.S.

Nhiều khu công nghiệp tại Bình Dương tiêm xong vẫn thiếu vắc xin - Ảnh 5.

Tại Khu công nghiệp Đồng An 1, việc tiêm vắc xin được chia ra nhiều điểm, nhiều khung giờ để không tập trung quá đông người - Ảnh: B.S.

Nhiều khu công nghiệp tại Bình Dương tiêm xong vẫn thiếu vắc xin - Ảnh 6.

Các lao động "3 tại chỗ" tại Khu công nghiệp VSIP được tiêm vắc xin, giúp họ yên tâm làm việc - Ảnh: B.S.

Công nhân vẫn mong chờ vắc xin

Đại diện Công ty TNHH Hoya Lens VN (Khu công nghiệp VSIP II) cho biết vắc xin được phân bổ cho khu công nghiệp đã giúp giải tỏa áp lực rất nhiều cho doanh nghiệp.

Anh Trương Hoàng Nam, làm việc tại Công ty TNHH Trần Quang (Khu công nghiệp VSIP I), nói lần đầu đi tiêm vắc xin cũng hơi lo lắng, nhưng khi tiêm xong anh cảm thấy vui, yên tâm làm việc và phần nào còn cảm thấy may mắn vì công ty sản xuất "3 tại chỗ" nên được ưu tiên tiêm trước, trong khi rất nhiều người mong chờ vắc xin mỗi ngày mà chưa có.

Tính từ đợt dịch thứ 4 tới tối 10-8, tỉnh Bình Dương ghi nhận 32.480 ca mắc COVID-19, 6.815 bệnh nhân đã khỏi bệnh, 220 bệnh nhân tử vong.

Tại sao Bình Dương tiêm nhanh hết vắc xin? Tại sao Bình Dương tiêm nhanh hết vắc xin?

TTO - Bình Dương cho rằng vắc xin đã tiêm nhiều hơn con số cập nhật của Bộ Y tế. Nhiều khu công nghiệp triển khai tiêm cho công nhân sản xuất '3 tại chỗ'...

BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên