05/12/2019 15:46 GMT+7

'Nhiều học sinh mầm non vô lớp gọi cô giáo là bà'

THÙY TRANG
THÙY TRANG

TTO - Rất nhiều ý kiến đề nghị tăng lương, có cơ chế đặc thù cho độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non tại hội thảo bàn về chính sách đối với giáo viên mầm non do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Nhiều học sinh mầm non vô lớp gọi cô giáo là bà - Ảnh 1.

Ông Lê Thanh Liêm, phó giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau, nêu ý kiến tại hội thảo - Ảnh: THÙY TRANG

Đó là ý kiến hầu hết của đại diện các Sở GD-ĐT 31 tỉnh, thành cả nước tại Hội thảo đánh giá thời gian làm việc, chính sách đối với giáo viên, nhân viên cấp học mầm non, do Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 5-12.

Lương thấp, thiếu giáo viên, tỉ lệ ly hôn cao

Ông Lê Thanh Liêm - phó giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau - rất trăn trở khi hiện nay ở bậc mầm non, giáo viên dạy 40 giờ/tuần (cao nhất trong các cấp học) nhưng mức lương lại thấp nhất, phải đi sớm đón trẻ, về nhà lại rất trễ.

"Bất hợp lý vô cùng, nhưng vì mưu sinh và yêu nghề nên các cô cố gắng bám trụ, nói thật nói thẳng hiện nay chúng tôi đã khảo sát nhiều giáo viên nữ rất khó lấy được chồng do không có thời gian dành cho bản thân, còn các cô đã lấy chồng thì gia đình cũng không hạnh phúc, tỉ lệ ly hôn khá cao", ông Liêm trình bày.

Bà Huỳnh Lệ Giang - giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai - đề nghị nên có quy định đặc thù về độ tuổi về hưu cho phù hợp với giáo viên mầm non. "Độ tuổi mầm non là độ tuổi nhạy cảm, giáo viên phải trẻ trung, vui vẻ mới gần gũi trẻ được. Còn với độ tuổi theo quy định hiện nay thì nhiều bé đến lớp lại gọi cô giáo là bà", bà Giang nói.

Trong khi đó ông Nguyễn Thanh Hùng - trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tân Châu (Tây Ninh), cho rằng hiện nay rất khó tuyển giáo viên mầm non vì đồng lương quá thấp, áp lực công việc cao.

"Có thực mới vực được đạo, cho nên bộ cần xem xét tăng chế độ tiền lương, giảm hội họp, tối thiểu 2,5 giáo viên/lớp", ông Hùng đề nghị.

Cũng theo ông Hùng, hiện nay các trường mầm non ở huyện Tân Châu đang thực hiện xây dựng "trường học hạnh phúc", tạo mọi điều kiện để giáo viên đến trường với tâm thế thoải mái, vui vẻ, cống hiến hết mình.

Bà Huỳnh Lệ Giang - giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai - cho biết sinh viên tốt nghiệp sư phạm mầm non khá nhiều nhưng khi ra trường lại không nhận nhiệm sở và cũng không đăng ký dự tuyển.

Nhiều học sinh mầm non vô lớp gọi cô giáo là bà - Ảnh 3.

Hiện lương giáo viên bậc mầm non trường ngoài công lập trên địa bàn Q.Ninh Kiều (TP Cần Thơ) tầm 3 đến 4 triệu đồng/ tháng - Ảnh: T.TRANG

"Thời lượng làm việc cao từ 6h30 đến 17h30, mỗi giáo viên mầm non chỉ tăng thêm 500.000, cấp dưỡng thì tăng 700.000 tiền dư giờ, quá thấp so với công sức giáo viên bỏ ra nên việc tuyển dụng rất khó khăn", bà Giang nói.

Tại hội thảo, nhiều hiệu trưởng trường mầm non cho rằng phải có tính pháp lý bảo vệ quyền lợi cho giáo viên, điển hình là tăng tiền ngoài giờ vì có khi phụ huynh đón bé rất trễ, giáo viên cũng phải đợi trả bé an toàn, trong khi giáo viên nào cũng cần thời gian nghỉ ngơi, lo cho gia đình.

Tuyển giáo viên xuyên tỉnh

Theo ông Liêm, hiện tỉnh Cà Mau thiếu hơn 300 giáo viên mầm non, nếu tuyển dụng trong tỉnh thì khó có thể tuyển được đủ nên sở đã xây dựng đề án trình HĐND tỉnh Đề án quy hoạch mạng lưới trường học và mời gọi đầu tư giai đoạn 2019-2025. Trong đó ưu tiên thu hút giáo viên và nhân lực cho ngành mầm non.

Nhiều học sinh mầm non vô lớp gọi cô giáo là bà - Ảnh 4.

Trong giờ học ngoại khóa của lớp mẫu giáo Trường mầm non huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) - Ảnh: THÙY TRANG

"Trước mắt, tỉnh sẽ có chính sách cho vay ưu đãi không trả lãi cho sinh viên ngành sư phạm mầm non để hỗ trợ chi phí trong việc học. Đồng thời mục tuyển dụng sẽ không hạn chế giáo viên trong hay ngoài tỉnh, tạo mọi điều kiện cho giáo viên mầm non nơi khác đến thuê hoặc mua nhà trả góp gần nơi công tác, thực hiện chế độ chính sách và đãi ngộ cho giáo viên mầm non theo qui định của ngành nói chung và của tỉnh Cà Mau nói riêng", ông Liêm nói.

Điều đáng quan tâm hơn, riêng bậc mầm non thì tỉnh Cà Mau chỉ xét tuyển chứ không cần qua thi tuyển. Sau khi được tuyển dụng, giáo viên sẽ được đào tạo nâng chuẩn.

Đại diện phòng tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum cho biết Kon Tum thiếu giáo viên trầm trọng, các điểm lẻ lại rất nhiều (1.578 nhóm lớp nhưng chỉ co 2.034 giáo viên). Mặc dù đầu năm học đã bổ sung 804 chỉ tiêu nhưng vẫn chưa tuyển dụng được.

Bà Lý Thị Hằng - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) - cho biết sẽ ghi nhận tất cả ý kiến, kiến nghị của các sở để bộ có cơ sở trình Chính phủ để có quy định mới phù hợp, có lợi hơn cho giáo viên bậc mầm non.

"Trước mắt, chúng ta sẽ quan tâm, hỗ trợ ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa trước. Nơi nào thuận lợi hơn sẽ sử dụng cơ chế xã hội hóa. Ngoài ra, giờ làm việc của giáo viên kéo dài cũng rất căng thẳng, nên quy đổi thời gian thực sang giờ làm việc theo quy định", bà Hằng nêu ý kiến.

Cần hơn 850 tỉ đồng nâng chuẩn giáo viên mầm non lên cao đẳng Cần hơn 850 tỉ đồng nâng chuẩn giáo viên mầm non lên cao đẳng

TTO - Với quy định trình độ chuẩn của giáo viên mầm non là tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trong dự thảo Luật giáo dục sửa đổi, Bộ GD-ĐT tính toán tổng kinh phí nâng chuẩn cho hơn 100.000 giáo viên hiện chưa đạt chuẩn.

THÙY TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên