26/07/2020 07:02 GMT+7

Nhiếp ảnh gia Bùi Thanh Trung: Xin đừng bức tử cảnh đẹp!

TRẦN MAI thực hiện
TRẦN MAI thực hiện

TTO - Cuộc sống vốn dĩ có biết bao nhiêu điều đẹp đẽ, nhưng cũng có những vết gợn nao lòng. Sau tất cả, đó là việc giữ gìn được những điều đẹp đẽ còn mãi…

Nhiếp ảnh gia Bùi Thanh Trung: Xin đừng bức tử cảnh đẹp! - Ảnh 1.

Sau khi hòn Ông Đụn sụp đổ, đang có nhiều lo lắng danh thắng Cổng Tò Vò sẽ chung số phận - Ảnh: TR.MAI

Từ tâm niệm đó, lời tâm sự của nhiếp ảnh gia Bùi Thanh Trung (35 tuổi, Quảng Ngãi) như nhắc nhở ta thêm về điều đó, đặc biệt đang vào cao điểm mùa du lịch hè.

"Ước mong con người thật sự trân trọng thiên nhiên"

"Tôi ước gì con người thật sự trân trọng thiên nhiên, đến một vùng đất để thưởng lãm cảnh đẹp trong chừng mực, đừng thô bạo tác động, bức tử thiên nhiên", Bùi Thanh Trung mở đầu và kết thúc câu chuyện đều bằng thông điệp ấy.

Anh kể: "Tôi bắt đầu chụp ảnh từ khi còn đi học đại học ở TP.HCM. Ngành tôi học là mỹ thuật công nghiệp nhưng có lớp nhiếp ảnh, tôi thấy mình mê nhiếp ảnh hơn. 

Suốt thời sinh viên và ở lại TP.HCM làm việc, tôi thường cùng bạn bè đi chơi từ Đông Nam Bộ đến miền Tây sông nước và đi đến đâu tôi cũng lưu lại bằng những bức ảnh, đăng chúng lên mạng xã hội để giới thiệu cùng mọi người. 

Tôi nhận ra nếu mình chụp ảnh quê hương Quảng Ngãi của mình để nhiều người biết đến sẽ góp phần cho du lịch nơi đây. Tôi nghĩ vậy nên quyết định bỏ việc về quê".

* Anh về Quảng Ngãi khi nào và việc đầu tiên anh làm gì cho mong muốn ấy?

- Năm 2013 tôi về quê, việc đầu tiên tôi làm là ngủ một giấc tại nhà (cười), sau đó bắt đầu tìm hiểu quê có gì đẹp để giới thiệu cho bạn bè. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy mình nghiêm túc và làm một việc có trách nhiệm với quê hương. 

Càng tìm hiểu tôi càng thấy dọc bờ biển phía đông tỉnh có quá nhiều bãi đá trầm tích núi lửa tuyệt đẹp, đó là mỏ vàng du lịch. Rồi tôi mất một tuần chọn góc ảnh và thời điểm tốt nhất để bấm máy Thạch Ky Điếu Tẩu (có tên gọi khác là Bàn Chân Khổng Lồ), đăng lên trang Facebook như một cách "truyền thông". 

Rất nhiều bạn bè của tôi ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... chia sẻ hình ảnh, nhắn tin hỏi về danh thắng Thạch Ky Điếu Tẩu. Thời điểm tôi đến chụp ảnh đường ra danh thắng chỉ là lối đi nhỏ, sau đó khách đông thì chính quyền làm hẳn con đường bêtông. Tôi rất vui vì mình góp chút công nhỏ, nhưng bắt đầu buồn bởi du khách đến chơi vứt rác bừa bãi quá.

Nhiếp ảnh gia Bùi Thanh Trung: Xin đừng bức tử cảnh đẹp! - Ảnh 2.

Một cảnh đẹp của tác giả Bùi Thanh Trung

* Anh có rất nhiều ảnh chụp ở đảo Lý Sơn, cảm giác như cả một kho ảnh lớn?

- Chính xác, tôi có rất nhiều ảnh về Lý Sơn, trên đảo gần như chỗ nào tôi cũng bấm máy. Toàn bộ năm 2014 tôi dành thời gian cho Lý Sơn. Đối với Lý Sơn, tôi không nghĩ ảnh của mình thu hút thêm du khách bởi hòn đảo quá nổi tiếng rồi. 

Tôi chụp nhiều để lưu giữ nhiều góc của đảo, trong tương lai Lý Sơn sẽ có nhiều đổi thay, những bức ảnh sẽ nói lên được điều đó. Mấy năm gần đây, khi công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh trong giai đoạn hoàn tất hồ sơ, tôi cũng góp một số hình ảnh để in trong hồ sơ và tập san của công viên địa chất này.

* Nhiều người nói rằng anh và những người bạn của mình góp phần khơi sáng, đổi thay một vùng đất chỉ sau vài bức ảnh, anh nghĩ sao?

- Cũng hơi quá khi vơ công vào mình, tôi chỉ đóng góp một chút xíu công sức thôi. Lúc tôi quyết định về quê, lúc nào cũng lủi thủi một mình, sau đó thì có nhiều người trẻ yêu ảnh tụ lại thành một nhóm. 

Phải nói các bạn là những người nhiệt huyết và có trách nhiệm. "Hóng" được thông tin ở đâu có cảnh đẹp là chúng tôi xếp lịch lên đường. Mới đây nhất là làng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ), nơi giao thoa văn hóa Champa và văn hóa Sa Huỳnh, từ lâu là ẩn tích với những giếng Champa cổ, lối đi bằng đá, hệ thống thủy lợi bằng đá... rất đẹp. 

Các chuyên gia trong nước và quốc tế về địa chất là người khám phá ra. Còn chúng tôi chụp hình và truyền tải những bức ảnh đến với du khách. Tôi rất vui khi từ một ngôi làng ẩn mình bên biển giờ đã biết làm du lịch cộng đồng với homestay, nấu những món ăn dân dã, dẫn khách đi trồng khoai sắn, đánh cá...

Nhiếp ảnh gia Bùi Thanh Trung: Xin đừng bức tử cảnh đẹp! - Ảnh 3.

Những cảnh đẹp do Bùi Thanh Trung chụp nhưng chưa vội công bố với mong muốn chờ đến ngày nào đó mọi du khách biết trân trọng, bảo tồn thiên nhiên...

Chứng nhân của đổi thay

* Nói đến đây thì có vẻ như những vùng đất anh đi qua, ghi lại đều tạo ra được hiệu ứng tích cực?

- Không đâu. Ở đâu cũng vậy, phải thừa nhận thực tế du khách đến đông thì kéo theo rác thải và thắng cảnh càng đẹp thì người ta lại càng giẫm đạp chụp ảnh. Nhiều ảnh tôi đã chụp nhưng có lẽ cần sự quản lý tốt hơn tôi mới dám công bố.

* Anh có ví dụ cụ thể không?

- Năm 2013, khi từ TP.HCM về quê tôi đến bãi Bàn Than (xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam), hòn Ông Đụn như một cánh cổng đá tuyệt đẹp, đây là điểm tích nổi bật nhất của bãi Bàn Than, phải nói chỉ có bàn tay tạo hóa mới có thể nhào nặn nên một tuyệt tác như vậy. 

Tôi đã chụp ảnh và "khoe". Sau đó ít lâu, tôi xem trên báo thấy du khách đến rất nhiều và có những hình ảnh du khách trèo lên điểm tích này chụp ảnh. Cuối năm 2015, tôi trở lại bãi Bàn Than, hòn Ông Đụn đã sụp đổ. Thật sự rất xót xa, cổng đá ấy mất đi vĩnh viễn... 

Bây giờ mỗi lần xem lại bức ảnh quá khứ, tôi lại đăng lên Facebook nhắc mọi người ngừng tàn phá tự nhiên.

Nhiếp ảnh gia Bùi Thanh Trung: Xin đừng bức tử cảnh đẹp! - Ảnh 4.

Rạn san hô Gành Yến thu hút du khách - Ảnh: BÙI THANH TRUNG

* Thật sự tiếc nuối, nhưng có chăng đó chỉ là một sự vụ riêng biệt?

- Không. Mới đây tôi cùng anh em chụp những bức ảnh rạn san hô lộ thiên tuyệt đẹp ở Gành Yến (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) và được mọi người chia sẻ hình ảnh đó khủng khiếp. Du khách đến cực kỳ đông, chưa kịp mừng thì hay tin du khách giẫm trực tiếp lên rạn san hô để chụp ảnh, thậm chí có người còn gỡ san hô mang về. 

Tôi thấy tôi có lỗi ghê gớm. Nếu như chúng tôi không phát hiện và chụp những bức ảnh, có lẽ du khách không lội ra tàn phá và chắc chắn rạn san hô vẫn vẹn nguyên...

* Vừa rồi có danh thắng Ba Làng An bị tàn phá khiến nhiều chuyên gia và du khách tiếc nuối, anh có biết điều này?

- Có chứ, tôi biết rõ là khác. Cách đây mấy năm, tôi có dùng flycam chụp ngọn hải đăng và toàn bộ danh thắng này, thời điểm đó Ba Làng An rất hoang sơ, những quả đồi, bãi đá, trầm tích còn nguyên vẹn. 

Nửa tháng trước, tôi trở lại Ba Làng An và sốc khi quả đồi bị đào phá, tả tơi như chiếc áo vá. Những dấu tích của đợt phun trào núi lửa bị bạt ra và người ta bêtông hóa danh thắng. Tôi có thông tin với báo Tuổi Trẻ về tình trạng tàn phá và báo có viết bài phản ánh. 

Chính quyền địa phương đang vào cuộc xử lý, nhưng tôi nghĩ cũng đã muộn bởi không có cách nào phục hồi nguyên trạng được. Bây giờ chỉ là giữ lại những khu vực chưa bị tác động thôi.

Nhiếp ảnh gia Bùi Thanh Trung: Xin đừng bức tử cảnh đẹp! - Ảnh 5.

Không ít người nhặt san hô làm... của riêng - Ảnh: THANH QUÂN

* Anh nghĩ cần làm gì để bảo vệ di tích, di sản sau những sự việc mà anh cho là đau lòng xảy ra?

- Luật đã có rồi, cơ quan quản lý dựa vào luật mà xử lý nghiêm những ai xâm phạm, kể cả du khách tác động trực tiếp lên danh thắng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của du khách, đến chơi là chiêm ngưỡng cảnh đẹp và để cho người sau đến chiêm ngưỡng, không phải đến vì mấy bức ảnh sống ảo mà bắt thiên nhiên gánh con người. 

Nhìn hòn Ông Đụn ở bãi Bàn Than biến mất, tôi lại lo cho danh thắng Cổng Tò Vò ở đảo Lý Sơn. Tuyệt tác ấy cũng đang cõng nhiều du khách vô ý thức giẫm đạp mỗi ngày. Tôi mong các nhà quản lý và cả du khách cùng hành động giữ gìn những danh thắng.

Nhiếp ảnh gia trẻ Bùi Thanh Trung đang để lại những dấu ấn rõ nét trong những bức ảnh của mình. Có những bức ảnh, Trung giới thiệu nhiều người biết đến những cảnh đẹp. Có những bức ảnh trở thành tư liệu quý giá cho mai sau. Và có những bức ảnh góp phần kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ những danh thắng, di tích trước nguy cơ bị xâm hại.

Ông Trần Xuân Tiên (chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi)

Đầm hoang thành điểm du lịch

26720bau ca cai 1(read-only)

Từ một đầm hoang, qua tay máy của anh Trung, Bàu Cá Cái đang trở thành điểm du lịch thu hút khách - Ảnh: BÙI THANH TRUNG

Bàu Cá Cái (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn) - đầm nước lợ hoang hóa được phủ xanh từ một dự án trồng rừng của Sở NN&PTNT Quảng Ngãi - đang trở thành điểm du lịch nổi tiếng. Người dân đang hưởng lợi với lượng du khách đến ngày một đông. Ông Nguyễn Văn Hân - phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi - nói rất cảm ơn sự phát hiện đầy nghệ thuật, khơi dậy vẻ đẹp tiềm tàng ở Bàu Cá Cái của anh Trung.

"Thật sự là chỉ sau vài bức ảnh, Bàu Cá Cái không chỉ đơn thuần là rừng chống biến đổi khí hậu nữa, đó là nơi hút du khách. Chúng tôi đang tính toán chọn nhà đầu tư biến nơi này thành khu du lịch cộng đồng, phát triển kinh tế cho người dân", ông Hân nói.

Ở Lý Sơn, người ta dùng tình đón nhau Ở Lý Sơn, người ta dùng tình đón nhau

TTO - Tôi đến thăm Lý Sơn trong một ngày nắng rát da, biển mặn mòi màu mắt. Chỉ cần đặt chân đến cầu cảng, ta đã thấy tưởng như ngoài tầm với: Tổ quốc đẹp đến thế này chăng?

TRẦN MAI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên