12/05/2020 06:21 GMT+7

Nhật tạo ra giấy mỏng nhất thế giới nhưng không viết được, giấy đó làm gì?

HOÀNG THI
HOÀNG THI

TTO - Những tờ giấy được làm ra hết sức công phu, mỏng hơn da người và gần như trong suốt không thể viết chữ. Vậy chúng được tạo ra để làm gì?

Nhật tạo ra giấy mỏng nhất thế giới nhưng không viết được, giấy đó làm gì? - Ảnh 1.

Ông Hiroyoshi Chinzei cùng loại tengujo mỏng nhất thế giới - Ảnh: Kazuhiro Nogi

Theo New York Times, loại giấy có tên tengujo, bề mặt gồm các sợi giấy đan vào nhau chằng chịt. Sau khi làm khô, giấy gần như trong suốt.

Hidaka Washi ở tỉnh Kochi là một trong những công ty sản xuất tengujo lâu đời ở Nhật. Trước đây, tengujo dùng làm màn, giấy lụa, trang trí kimono... nhưng theo thời gian nó càng được làm mỏng nhất có thể.

Năm 2014, Hiroyoshi Chinzei - giám đốc Công ty Hidaka Washi - nhận đặt hàng từ Cục Lưu trữ quốc gia Nhật: tạo loại tengujo chỉ nặng 1,6g mỗi mét. Nếu thành công, tengujo này sẽ là loại giấy mỏng nhất thế giới hiện tại.

Sau 2 năm nghiên cứu, Hiroyoshi Chinzei thành công. Thậm chí, Công ty Hidaka Washi còn tạo được loại tengujo độc nhất, có độ dày chỉ 0,02mm, mỏng hơn cả da người.

Nhật tạo ra giấy mỏng nhất thế giới nhưng không viết được, giấy đó làm gì? - Ảnh 2.

Quá trình sản xuất giấy tengujo từ kozo - Ảnh: Kazuhiro Nogi

Tengujo làm từ thân cây dâu tằm (kozo). Người Nhật rửa sạch, bỏ đi từng hạt bụi trên kozo rồi tước thành từng sợi xơ nhỏ.

Vật liệu sau đó đem ngâm trong bồn chứa nước kết hợp với neri - loại chất lỏng chiết xuất từ hoa bụp mì. Quá trình này giúp các sợi kozo dẻo, dính, dễ kéo thành những sợi mỏng hơn.

Thợ thủ công khéo léo sắp xếp các sợi này như mạng nhện, làm thành một mặt phẳng. Đến lúc hỗn hợp chất lỏng khô, các sợi bám vào nhau, tạo thành mảnh giấy mỏng trong suốt.

Theo Hiroyoshi Chinzei, công thức này không phải bí mật của riêng công ty nào và rất dễ thực hiện nếu tuân theo nguyên tắc và cẩn thận.

Nhật tạo ra giấy mỏng nhất thế giới nhưng không viết được, giấy đó làm gì? - Ảnh 3.

Nghệ nhân Takao Makino trình diễn sử dụng tengujo năm 2019 - Ảnh: Kazuhiro Nogi

Hiện nay, nhiều công ty Nhật có thể sản xuất tengujo mỏng đến mức không thể dùng cho bất kỳ mục đích viết hay trang trí nào. Thay vào đó, lợi ích duy nhất và quan trọng nhất của tengujo siêu mỏng là dùng để bảo vệ các loại giấy khác, nhất là những văn tự cổ.

Choi Soyeon - chuyên gia bảo quản văn tự tại Trung tâm Nghệ thuật Anh quốc thuộc ĐH Yale (Mỹ) - cho biết văn thư, bản thảo, sách báo dễ bị ăn mòn theo thời gian.

Dù nhìn bằng mắt thường vẫn ổn, tuy nhiên khi soi kỹ bằng kính lúp có thể thấy chữ cái trong nhiều mẫu văn bản lịch sử có thể bị rách hoặc nứt. Trường hợp nặng hơn, văn tự có thể bị mối mọt xâm hại trong môi trường ẩm.

Do đó, các chuyên gia rất cần một loại giấy như tengujo bảo vệ các văn tự quan trọng.

Đến nay, tengujo trở thành lựa chọn hàng đầu của các thư viện, bảo tàng lớn trên thế giới như Bảo tàng Louvre (Pháp), Thư viện Quốc hội Mỹ, Bảo tàng Anh, Trung tâm Nghệ thuật Anh thuộc ĐH Yale (Mỹ),…

Nhật Bản gợi ý dùng rượu độ cồn cao khi không có nước rửa tay Nhật Bản gợi ý dùng rượu độ cồn cao khi không có nước rửa tay

TTO - Giới chức y tế Nhật Bản cho biết các bệnh viện có thể dùng đồ uống có nồng độ cồn cao để khử trùng tại bệnh viện nếu thiếu nước rửa tay.

HOÀNG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên