13/03/2021 08:24 GMT+7

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: 'Viết cho chính mình, ấy là viết cho tuổi trẻ'

MAI THƯƠNG - HÀ THANH
MAI THƯƠNG - HÀ THANH

TTO - Năm nay Đoàn kỷ niệm 90 năm thành lập, còn ông vừa mừng sinh nhật tuổi 91. Trọn một đời, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã chứng kiến lớp lớp thế hệ trẻ xông pha trên mọi mặt trận, bạt núi mở đường, trăm mối ra chiến trường.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên nói về việc sáng tác bài Tiến lên Đoàn viên - Video: HÀ THANH - MAI THƯƠNG

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Viết cho chính mình, ấy là viết cho tuổi trẻ - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên cẩn thận lật giở tập chép nhạc in dấu thời gian - Ảnh: MAI THƯƠNG

Những ngày sục sôi khí thế Tháng thanh niên, trong căn tập thể cũ ở phố Vạn Bảo (Hà Nội), nhạc sĩ Phạm Tuyên cẩn thận lật giở tập chép nhạc in dấu thời gian. Những vết ố vàng lem trên khuông nhạc như chứng tích của một thời đam mê, một thời tuổi trẻ.

Tôi thấy giới trẻ hiện nay rất sôi động, đóng góp nhiều cho đất nước. Mong các thế hệ nhạc sĩ trẻ làm nhạc chú ý thêm vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, vừa phát triển để theo kịp xu thế của thời đại.

Nhạc sĩ PHẠM TUYÊN

Thay khăn quàng đỏ, tiến lên đoàn viên

Năm 1949 được cử đi học Trường lục quân Trần Quốc Tuấn, ở ngôi trường này ông viết lên những nốt nhạc đầu tiên. Bài hát đầu tiên Có đoàn trai ấy ra đời, đến nay nhạc sĩ tài hoa đã góp vào kho tàng đồ sộ của nền âm nhạc nước nhà, với gần 700 tác phẩm, trong đó có hơn 200 bài hát dành riêng cho thiếu nhi, tuổi trẻ.

20 tuổi tham gia tòng quân, đó cũng là quãng thời gian ông viết lên những ca khúc sục sôi khí thế. Giai điệu nhẹ nhàng, ca từ giản dị cứ thế chạm đến trái tim của những người trẻ suốt chiều dài lịch sử. 

"Những bài hát đầu tiên tôi viết cho chính mình, cũng là viết cho tuổi trẻ. Vừa rồi, con gái tôi có nhắc tôi là chọn một số bài mà mình thích, tôi chọn bài đầu tiên là Có đoàn trai ấy. Đoàn trai ấy không ở Hà Nội mà tình nguyện tòng quân lên bảo vệ chiến khu Việt Bắc", nhạc sĩ Phạm Tuyên hồi tưởng.

Lật giở những trang chép nhạc, ông dừng lại ở giai đoạn năm 1954 với trang mở đầu là những nốt nhạc đầy âm vang Tiến lên đoàn viên. Hơn 67 năm kể từ ngày ra đời, bài hát đã đi vào lòng lớp lớp thế hệ đoàn viên, thanh niên, hát vang ca khúc đầy tự hào khi được đứng vào hàng ngũ Đoàn.

Ông nhớ, năm 1954, bấy giờ có chủ trương của Trung ương Đoàn động viên các em thiếu nhi đến tuổi trưởng thành, có đạo đức, nhiệt huyết để chuyển từ sinh hoạt Đội sang sinh hoạt Đoàn. Những nốt nhạc khởi đầu như mùa xuân được ông viết lên để động viên các em nhỏ thay khăn quàng đỏ bằng huy hiệu của Đoàn: "Tiến lên đoàn viên, em ước ao bao ngày/Xứng cháu Bác Hồ dựng xây nước sau này/Tiến lên đoàn viên, theo Đảng tiền phong/Bước theo lá cờ nhuộm màu đấu tranh".

"Rất bất ngờ, bài hát được phổ biến rộng rãi trong Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, vì vừa là mục tiêu phấn đấu vừa là mong ước của các cháu", nhạc sĩ Phạm Tuyên hồi tưởng.

Những ngày này tuổi cao sức yếu, nhạc sĩ Phạm Tuyên gặp một chút khó khăn khi trò chuyện, cứ 10-15 phút ông dừng lại một chút để lấy sức. Nhưng khi lật giở đến ca khúc Tiến lên đoàn viên trong tập chép nhạc, ông lại bắt nhịp cho những người trẻ hát vang, giai điệu khí thế, vui tươi tràn ngập căn phòng nhỏ.

Nơi nào có tuổi trẻ, nơi ấy có nhạc

Tiến lên đoàn viên trở thành ca khúc nổi tiếng trong thế hệ trẻ thời bấy giờ, về sau ông viết nhiều hơn những ca khúc dành tặng người trẻ đang hoạt động trên các lĩnh vực. 

"Những bài tôi viết không mang tính chất kêu gọi, mà phản ánh tình hình tuổi trẻ chúng ta lúc bấy giờ. Có thể nói, nơi nào có mặt tuổi trẻ, tôi đều viết lên những bài ca động viên", ông xúc động nhớ lại.

Sau bấy nhiêu năm, ông vẫn nhớ như in hoàn cảnh viết lên Bài ca người thợ rừng về những người trẻ hoạt động bảo vệ rừng ở Hà Tĩnh, ca khúc Những người con gái đồng chiêm về những cô con gái ở nông thôn hăng say lao động, hay bài hát viết về người trẻ hăng hái tham gia thanh niên xung phong mà gây ấn tượng cho cả thế hệ sau như Yêu biết mấy những con đường

"Hồi đó còn trẻ lắm, viết rất hứng và rất hăng. Vừa rồi tôi rất bất ngờ khi một ông bạn ở TP.HCM gọi điện ra bảo tôi là vừa nghe lại bài Đường về trại trên vô tuyến, ông ấy còn hát lại cho tôi nghe bài đó. Người bạn ấy không còn là chàng trai học lục quân, nữa mà nay đã là một thiếu tướng", nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm tình.

Năm nay Đoàn kỷ niệm 90 năm thành lập, còn ông vừa mừng sinh nhật tuổi 91. Trọn một đời, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã chứng kiến lớp lớp thế hệ trẻ xông pha trên mọi mặt trận: "bạt rừng xẻ núi mở đường vui", "trăm mối ra chiến trường". 

Về sau, khi Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xướng tên ông là nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc về thiếu nhi được phổ biến rộng rãi nhất, nhạc sĩ khiêm tốn bổ sung: "Trước khi viết cho thiếu nhi, là tôi đã viết cho tuổi trẻ. Bởi lẽ ai ở tuổi thiếu nhi sau này cũng sẽ thành thanh niên".

Nhớ về chiếc gậy Trường Sơn

Trong những năm tháng sục sôi kháng chiến chống Mỹ, nhạc sĩ Phạm Tuyên viết lên bài ca động viên tuổi trẻ cả nước từ Bắc chí Nam. Tiếng hát những đêm không ngủ ra đời đầy khí thế trên đường ra trận của những người trẻ lúc bấy giờ.

"Cảm động hơn cả là có những bài hát tôi viết về tuổi trẻ mà thành ra là niềm vinh dự của cả làng, cả xã như Chiếc gậy Trường Sơn. Bấy giờ tôi đi thăm làng Hòa Xá (Hà Nội), thấy làng có phong trào tặng gậy cho thanh niên lên đường vào Nam. Tôi rất bất ngờ, lúc tôi viết bài đó đã lan rộng ra toàn quốc", nhạc sĩ nhớ lại.

Đêm nhạc xúc động ở tuổi 91 của nhạc sĩ Phạm Tuyên Đêm nhạc xúc động ở tuổi 91 của nhạc sĩ Phạm Tuyên

TTO - Đêm nhạc mừng sinh nhật 91 tuổi của nhạc sĩ Phạm Tuyên (12-1-1930 - 12-1-2021) vừa diễn ra trong không khí đầm ấm tại Đài Tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ, Hà Nội) vào tối 12-1 vừa qua.

MAI THƯƠNG - HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên