15/11/2018 14:35 GMT+7

Nhà văn ở chốn phản thiên đường

HUỲNH TRỌNG KHANG
HUỲNH TRỌNG KHANG

TTO - Nếu không có dòng chữ 'Văn học tuổi 20' (*) ở trên bìa sách, chắc hẳn nhiều độc giả dễ lầm tưởng Wittgenstein của thiên đường đen - truyện dài của tác giả Maik Cây - là một truyện dịch.

Nhà văn ở chốn phản thiên đường - Ảnh 1.

Sách Wittgenstein của thiên đường đen - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Bởi từ tên tác giả, tên sách đến cả nội dung sách đều không mang dáng dấp Việt Nam.

Tác giả Maik Cây đã tạo ra một thế giới hậu thảm họa trên một hòn đảo, nơi mà sự sống đang thoi thóp sau một vụ nổ bom nguyên tử, chỉ còn những con người luân lạc trôi dạt đến hòn đảo, tự nhận nhau là cha mẹ con cái và hợp nhau gây dựng một gia đình, dẫu cái "gia đình" ấy có nhiều nét dị hợm.

Ấn tượng đầu tiên mà Wittgenstein của thiên đường đen đem đến là điên rồ. Các nhân vật điên rồ, sống trong một xã hội phản thiên đường, nói năng với nhau toàn chuyện điên rồ.

Nhưng ở giữa đống điên rồ ấy, ta thấy những con người - những con người mà cách sống lạc loài không theo những quy chuẩn thông thường của xã hội nhưng họ sống vẹn với nhân tính của mình, biết yêu thương và che chở.

Những nhân vật như Bô, Lúk, Mẹ hay Bố... đều mang trong mình một quá khứ bi thương, bị hủy hoại cả hình hài lẫn thể phách và quyết định chọn hòn đảo sắp bị hủy diệt như một cách lánh đời.

Dù thế giới mà Maik Cây vẽ ra luôn u ám, nhưng không vì thế khiến cho câu chuyện đẹp này sa vào bi lụy. Ở đâu đó, trong những thời khắc đen tối nhất vẫn hé mở ra được những tiếng cười sảng khoái dẫu phần nhiều mai mỉa.

Một ấn tượng khác ở truyện dài này chính là những kiến thức về văn chương, nhạc cổ điển và phim ảnh của tác giả. Bàng bạc trên các trang sách là những chỉ dấu khiến ta liên tưởng đến âm nhạc, thơ ca, các bộ phim.

Mà nói đến phim ảnh thì Maik Cây là người có tài dựng lên các cảnh, sự chuyển đoạn nhịp nhàng, cách bố trí các nhân vật xuất hiện trong cùng một không gian, cách thức để âm nhạc vang lên đúng thời điểm khiến cho câu chuyện với các tình tiết dẫu cũ mòn cũng trở nên sống động bởi những từ ngữ tươi mới được sử dụng thuần thục.

Người đọc Việt Nam có thể chỉ ra ngay trong tác phẩm này hình bóng của Haruki Murakami với mèo, nhạc cổ điển và nhân vật chính là độc giả sành sỏi, nhưng Maik Cây điên rồ hơn và Maik Cây trẻ hơn.

Càng về cuối, thế giới của Maik Cây tạo ra xa dần "cái bến" Murakami để cập vào một nơi chốn của riêng tác giả - một người viết muốn khác biệt và mang cái tên kỳ lạ như chính cuốn sách.

(*) Một trong 20 tác phẩm vào chung khảo cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 6 do Hội Nhà văn TP.HCM, Nhà xuất bản Trẻ và báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Văn học tuổi 20 lần 6:  Chờ mùa hái quả Văn học tuổi 20 lần 6: Chờ mùa hái quả

TTO - 20 tác phẩm vào chung khảo cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 6 vừa được công bố , Tuổi Trẻ giới thiệu các lối viết được chú ý từ góc nhìn của một người đọc cùng thế hệ với các tác giả - cây bút trẻ Huỳnh Trọng Khang.

HUỲNH TRỌNG KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên