"Nhà" và "hàng"

HOÀNG MY 15/09/2013 02:09 GMT+7

TTCT - Buổi trưa ra ngoài ăn cơm với đối tác thấy tấm bảng hướng dẫn để trước sảnh một nhà hàng loại nhỏ, bình dân: “Giỗ ông nội bé Hoa - lầu một”.

Cũng tương tự, thôi nôi cu Tin - tầng trệt, đám cưới chị A anh B - sảnh C vậy thôi, nhưng chẳng hiểu sao vẫn một cảm giác như thể không sao tin được. Nay đến đám giỗ mà người ta cũng bắt đầu đãi nhà hàng rồi ư?

Lòng loanh quanh về những ngày... xa xưa, đám giỗ là dịp con cháu tụ họp. Mâm cơm cúng dứt khoát phải có những thức mà người được giỗ ngày còn sống ưa thích. Câu chuyện râm ran nhắc nhớ bao kỷ niệm... Lại băn khoăn đám giỗ đãi nhà hàng thì người ta sẽ phải bàn chuyện gì đây cho hợp với “phong thủy” nhỉ? Chẳng lẽ vẫn là làm ăn, hợp đồng, được mất…?

Liệu sẽ có mấy người trong cuộc vui hôm ấy biết mặt ông nội thế nào, thuở sinh thời ông thích ăn chi, mâm cơm cúng sẽ được nhà hàng bố trí đặt ở chỗ nào trên sân khấu đây?

Chợt nhớ cách đây không lâu, được mời dự đầy tháng con của một đứa em họ. Thiệp mời trang trọng, địa điểm là một nhà hàng khá tươm tất. Bà mẹ trẻ tai bịt bông gòn, mặc áo dài tay, cùng hai bên nội ngoại ẵm em bé vừa tròn ba mươi ngày đi lòng vòng “chào bàn”. Cũng lên sân khấu khui rượu, cũng bánh kem và giới thiệu họ hàng hai bên. Đầy đủ thủ tục.

Quan khách mục sở thị không khỏi trầm trồ và ái ngại, nhắc nhỏ khi nhân vật chính đến tận nơi nhận phong bì mừng: “Nhớ giữ ấm cho em, nhớ đưa về sớm cho em nghỉ…”. Vài phụ nữ lớn tuổi chặc lưỡi, giấu tiếng xuýt xoa lo lắng. Cỡ này ngày xưa đang nằm ổ, mẹ con tránh gió, hơ lửa, nồng nặc mùi tỏi, mùi nghệ, có đâu phong phanh ngoài hàng quán thế này…

Dưng không nghĩ đến lần được chị đồng nghiệp mời cơm tối cùng gia đình. Đã háo hức hình dung ra căn bếp ấm cúng, chén bát lao xao vui vẻ, nên chưng hửng khi thấy vợ chồng con cái chị xênh xang ngồi chờ sẵn, khách vừa đến là xuất phát ngay, trực chỉ quán ăn.

Tha hồ gọi món, không tốn thời gian, chẳng mất công dọn dẹp, lau rửa. Tiện cả trăm bề. Thế nhưng, “bữa cơm” với nhiều món ngon mắt cầu kỳ, bổ dưỡng mà vẫn cứ sao sao ấy, hầu như không giống với sự trông mong và ý nghĩa của một bữa cơm gia đình mất rồi.

Có cô bạn mới sắm được căn hộ chung cư cao cấp đẹp như mơ. Hôm mời khách khứa đến tân gia, có người đã buộc miệng “chê” rằng nhà tuyệt đẹp nhưng bếp thì hơi hẹp. Xung quanh ai nấy đều ồ lên “bảo vệ” chủ nhà: năm thì mười họa mới nấu ăn, có làm đám làm tiệc gì bao giờ mà cần phải rộng hoành tráng, sàn nước mênh mông như dưới quê kia chứ?! Nhà ở thành phố mà…

Để minh họa cái chân lý đương nhiên đó, sau màn tham quan mọi người được mời xuống dự tiệc buffet ở tầng hầm tòa nhà, nơi món ăn đa dạng, giá cả lại phải chăng, đáp ứng được nhu cầu của nhiều loại thực khách khác nhau…

Mà thôi, mình chưa già sao đã vội khắt khe và cổ hủ thế không biết! Cuộc sống đổi thay nhiều rồi, cái gì cũng cần phiên phiến giản tiện hơn, chứ không riêng gì chuyện cơm nhà hay cơm hàng. Ai chẳng bận rộn, tất bật mỏi mệt, việc nào có thể nhờ được dịch vụ thì cứ tận dụng, có sao đâu mà phải lăn tăn nhỉ?

Người thành phố, có dịp nào đó để tụ họp, gặp gỡ hỏi thăm nhau cũng là đáng quý lắm rồi…

Bán bánh trời mưa

Má thằng nhỏ bán bánh cam giữa chợ phố núi, có một chiếc mâm với cây dù che gọn lỏn chỗ ngồi. Giữa lúc khách đông, má gởi nó cho cô hàng cà phê. Thằng nhỏ ngồi ôm quả lựu má cho, từ góc phố cà phê, nhìn má thu lu đứng lên ngồi xuống đưa bánh cho khách.

Bỗng nhiên trời đổ mưa. Màn nước kéo xuống mịt mù trắng xóa.

Tự dưng từ trong quán thằng nhỏ không chịu ăn nữa, òa khóc. Cứ thế, nó nấc, rồi lại gào lên, rồi lại kêu “mẹ... mẹ”.

Cô hàng cà phê dỗ mãi không được, lấy áo mưa cho nó trùm vô, dắt chạy ra chỗ mẹ ngồi dưới làn mưa và chiếc dù nhỏ.

Nó đứng ăn lựu tiếp, ngon lành, nước mắt khô veo. Cô bán cà phê nói: “Nó thấy má đứng ngoài mưa tội quá nên khóc om sòm đó!”. Rồi hai người phụ nữ cười thiệt tươi nhìn thằng nhỏ ăn.

Làn mưa vẫn bay hoài, bay mịt mù...

KHẢI ĐƠN

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận