05/09/2017 16:45 GMT+7

Nhà trăm tuổi trên quê hương Bác Tôn

VIỄN SỰ - SƠN LÂM
VIỄN SỰ - SƠN LÂM

TTO - Quê nhà của cố chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) vẫn còn rất nhiều ngôi nhà cổ, tuổi đời cả trăm năm.

Nhà trăm tuổi trên quê hương Bác Tôn - Ảnh 1.

Một căn nhà cổ ở cù lao Ông Hổ. Những cột, kèo vẫn nguyên vẹn vững chãi, bóng loáng theo thời gian - Ảnh: VIỄN SỰ

Dưới những mái nhà ấy không chỉ có rêu phong thời gian mà còn bao chuyện đời ở xứ cù lao.

Chuyến phà từ bến Ô Môi đưa chúng tôi băng sông Hậu tới cù lao Ông Hổ. Vào sâu trong cù lao, cứ cỡ hơn chục căn nhà lại xuất hiện một ngôi nhà cổ bằng gỗ quý, nằm giữa um tùm cây trái. Bà con ở xứ này nói căn nhà cổ nổi tiếng nhất - đã trở thành di tích lịch sử đặc biệt - là nhà của cụ Tôn Văn Đề, thân sinh của Bác Tôn. Nhà được xây năm 1887, nơi Bác Tôn gắn bó cả thời niên thiếu.

Căn nhà đã 130 tuổi đó chưa phải là căn nhà cổ nhất ở đây.

Tôi nghe ông nội kể lại: căn nhà được nhóm thợ ngoài Quảng Bình vào thầu công trọn bộ, từ dựng nhà cho tới đóng tủ thờ, bộ ngựa, giường tủ, bàn ghế. Đã trăm năm nhưng thỉnh thoảng chỉ kê lại ngói chứ chưa phải sữa chữa gì

Ông Nguyễn Hữu Chí

Những mái nhà trăm tuổi

Căn nhà xưa nhất trên cù lao Ông Hổ là của ông Nguyễn Hữu Chí - nguyên giảng viên Đại học Cần Thơ. Nhà ông Chí được dựng từ năm Tân Hợi (1851). Đã 166 năm trôi qua nhưng căn nhà ba gian, hai chái vẫn không có một vết mối mọt nào. Ông Chí chỉ lên tổ mối đùn ở đòn tay và cho biết tổ mối làm mấy năm nay, nhưng chỉ tha đất, lá khô về làm tổ chứ không thể nào ăn vào cột kèo.

Ông Chí nói đây là một trong ba căn nhà cổ nhất ở Long Xuyên. Cột nhà được dựng từ thân cây căm xe, cà chít. Ván và đòn tay được xẻ ra từ gỗ thao lao.

Gia tộc ông Nguyễn Hữu Chí cũng như nhiều gia đình trên cù lao Ông Hổ là con cháu những người lưu dân từ Quảng Bình theo Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam mở đất. Căn nhà được cụ sơ của ông Chí là Nguyễn Văn Thiển thuê thợ từ Quảng Bình vào dựng nên, ròng rã hơn một năm mới xong.

"Tôi nghe ông nội kể lại căn nhà được nhóm thợ ngoài Quảng Bình vào thầu công trọn bộ, từ dựng nhà cho tới đóng tủ thờ, bộ ngựa, giường tủ, bàn ghế. Đã trăm năm nhưng thỉnh thoảng chỉ kê lại ngói chứ chưa phải sữa chữa gì" - ông Chí nói.

Trong nhà, những cây cột vạm vỡ, bóng lưỡng. Bộ tủ thờ được khảm xà cừ tinh xảo. Đã có người trả bộ tủ gần 300 triệu đồng nhưng ông Chí không bán. Mấy năm trước, lợi dụng lúc chỉ có bà già hơn 90 tuổi ở nhà, một nhóm người xấu giả dạng thợ đánh bóng lư đồng vào nhà và cạy mất một khoảng khảm xà cừ trên tủ. Cho dù ông Chí đã tìm xà cừ khác để thay thế nhưng không thể bằng được xà cừ nguyên bản.

Cách nhà ông Chí vài căn là nhà của ông Nguyễn Hữu Tân và bà Nguyễn Thị Bảy, đều đã hơn 80 tuổi. Ông Tân không nhớ nhà cất năm nào, chỉ biết từ đời ông nội, lúc ông lớn lên đã thấy cột mun giữa nhà bóng nhẵn.

Ông Tân cho biết vì là xứ cù lao nhô lên giữa thượng nguồn sông Hậu, mỗi năm ba tháng nước dâng nên cũng như các nhà cổ khác ở đây, nhà ông được cất theo dạng nhà sàn để chống lũ. "Năm lớn thì giáp mí sàn, năm vừa thì cột nhà cũng lút năm bảy tấc, nhưng ngâm mấy tháng nhà vẫn vững chớ không xiêu vẹo gì" - ông Tân vừa nói vừa chỉ vào những dấu khắc chi chít trên cột nhà, đánh dấu mức nước lũ mà căn nhà đã bền gan chống chọi.

Nhà trăm tuổi trên quê hương Bác Tôn - Ảnh 3.

Căn nhà cổ của ông Tôn Thất Đính - một người trong dòng họ của Bác Tôn - Ảnh: SƠN LÂM

Nếp xưa trong nhà cổ

Người dân cù lao Ông Hổ không chỉ giữ cho những căn nhà cổ vững chãi dưới mưa nắng mà trăm năm trôi qua, bao chuyện đời, chuyện người gắn bó với ngôi nhà vẫn còn được lưu giữ.

Còn căn nhà cổ 117 năm nằm gần cầu Rạch Kít được coi là đẹp và tinh xảo nhất. Chủ nhân căn nhà - ông Tôn Thất Đính - là cháu họ của Bác Tôn.

Ông Tôn Thất Đính kể căn nhà này được dựng toàn bằng gỗ căm xe, giá trị thời điểm xây dựng ngang với gần trăm mẫu ruộng. Ông Đính nói so với căn nhà của người em Tôn Văn Quý thì nhà của anh hai Tôn Văn Đề - cha bác Tôn - cất trước đó hơn chục năm đơn giản hơn, ván sàn chỉ bằng gỗ tràm và cột kèo cũng không được chạm trổ tinh xảo.

Giải thích về chuyện nhà ông cố mình to đẹp hơn nhà cha Bác Tôn, ông Đính nói: "Cha Bác Tôn là thứ hai nên cất nhà trên phần đất hương hỏa dòng họ ở xóm trên (nay là ấp Mỹ An 2). Còn ông cố tôi thứ sáu, xuống xóm dưới ở rể, mần ăn khấm khá nên cất được nhà lớn, đẹp hơn mấy anh em. Đến đời ông nội tôi nhà vẫn còn 300 mẫu ruộng".

Không chỉ giữ gìn ngôi nhà, cách sắp đặt vật dụng trong nhà cổ ở cù lao Ông Hổ vẫn được giữ nguyên như thời mới cất. Ông Nguyễn Văn Quát, chủ một căn nhà cổ, cho biết từ nhỏ đã được dặn bộ ghế tiếp khách chỉ được kê hai bên bàn, không được đặt ghế ở hai đầu bàn để khách chủ đều ngồi bình đẳng, thân thiện như nhau. Vị trí trung tâm của ngôi nhà, tiếp giáp với bàn thờ gia tiên là bàn thờ đức Huỳnh Giáo chủ - người sáng lập đạo Phật giáo Hòa Hảo mà đa số cư dân trên cù lao Ông Hổ đều theo.

Nhà cổ ở đây đều có mái thấp, ai đi vào cũng phải cúi đầu để khỏi đụng, khác với nhà có mái hiên cao hơn sau này. Ông Quát lý giải đó là một dụng ý sâu xa của người xưa để ai cũng phải bày tỏ sự chào hỏi, tôn trọng với gia chủ.

Mỗi căn nhà là mỗi ký ức, mỗi câu chuyện đời được gia chủ giữ gìn, gửi gắm cho con cháu. Và có lẽ điều đó đã góp sức cho những căn nhà trên cù lao Ông Hổ vững chãi suốt trăm năm.

Nhà cổ kín khách đến 2018

Chưa được thống kê chính xác, nhưng ước tính hiện nay tại cù lao Ông Hổ còn gần 100 ngôi nhà cổ, được người dân bảo tồn nguyên vẹn.

Ông Nguyễn Quốc Anh, phó phòng quản lý du lịch Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh An Giang, cho biết hiện nay trên cù lao Ông Hổ đã có 5 hộ thực hiện mô hình homestay nhà cổ và 4 hộ phục vụ các dịch vụ phụ trợ. Các nhà cổ này thu hút rất nhiều khách du lịch nước ngoài và nhiều nhà đã được khách đăng ký kín chỗ đến năm 2018. Ông cho biết tỉnh An Giang đã giao TP Long Xuyên phụ trách thực hiện việc đánh giá lại tiềm năng phát triển du lịch sẵn có trong cộng đồng tại đây nhằm thực hiện đề án làm điểm du lịch cấp quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Lên, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh An Giang, cho hay loại hình homestay trong nhà cổ ở cù lao Ông Hổ là một chiến lược trong phát triển du lịch của An Giang. Chương trình này khởi đầu từ dự án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng do Ngân hàng Á Châu tài trợ, sau đó được tiếp tục hỗ trợ bởi các dự án phát triển vùng ĐBSCL của Hội Nông dân Hà Lan, Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ.

VIỄN SỰ - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên