14/12/2016 10:13 GMT+7

Nhà thơ Lee Jong Hyung: Quá khứ không bao giờ tự khép lại

TĂNG QUỲNH thực hiện
TĂNG QUỲNH thực hiện

TTO - Tại lễ tưởng niệm 50 năm ngày 430 người dân Bình Hòa (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị lính Nam Hàn thảm sát diễn ra hôm 2-12, dù trời mưa to nhưng các nhà văn Jeju đều quỳ lạy trước bia tưởng niệm nạn nhân.

Những người Hàn Quốc sang Việt Nam hôm 2-12 dâng hương, hoa và quỳ lạy trước bia tưởng niệm những người dân Bình Hòa (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị lính Đại Hàn thảm sát cách đây 50 năm - Ảnh: TRẦN MAI
Những người Hàn Quốc sang Việt Nam hôm 2-12 dâng hương, hoa và quỳ lạy trước bia tưởng niệm những người dân Bình Hòa (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị lính Đại Hàn thảm sát cách đây 50 năm - Ảnh: TRẦN MAI

Nhà thơ Lee Jong Hyung - trưởng đoàn, tổng thư ký Hội Nhà văn Jeju - giải thích:

- Giống như Việt Nam, người Hàn Quốc cũng tổ chức lễ cúng giỗ để tưởng nhớ những người quá cố. Đối với người Hàn, hành động quỳ rạp xuống để lạy là cách thức lễ nghi thể hiện lòng thành kính hết mực cũng như sự tưởng nhớ sâu sắc.

Dù hôm đó tại lễ tưởng niệm trời mưa rất to, đất ngập nước lênh láng, nhưng khi nghĩ đến 430 linh hồn oan khuất thì hành động hạ thân mình hết mức có thể là lẽ đương nhiên. Không ai ép buộc cả, nhưng chúng tôi đều một lòng quỳ lạy như một lễ nghi thờ cúng truyền thống của Hàn Quốc.

Đạo lý con người

* Cuộc đàn áp trên đảo Jeju năm 1948 làm liên lụy hàng ngàn dân thường, nhưng 40 năm sau mới được thông tin rộng rãi. Cũng mất vài chục năm sau, dư luận Hàn Quốc mới biết đến những vụ thảm sát của lính Nam Hàn tại Việt Nam.

Phải chăng đây là một sợi dây đồng cảm dẫn dắt các nhà văn Jeju quan tâm đến các nạn nhân, thân nhân, hàng xóm... của những người Việt bị lính Đại Hàn thảm sát?

- Vụ thảm sát xảy ra ngày 3-4-1948 và diễn ra trong 3 năm, khiến hơn 30.000 người ở Jeju thiệt mạng. Đó là hành động dã man do quân đội, cảnh sát và “Đoàn thanh niên Tây Bắc” - một tổ chức cực đoan di cư từ Bắc Hàn vào Nam Hàn - gây ra.

Những người dân vô tội đảo Jeju đã ngã xuống trong bối cảnh đối lập tư tưởng giữa phe tả và phe hữu lên đến cực điểm sau giải phóng năm 1945. Sau đó, trong khoảng 40 năm thế lực bảo thủ cầm quyền, sự thật về vụ thảm sát Jeju bị che giấu, ngay cả việc nhắc đến cũng bị nghiêm cấm.

Mãi đến những năm 1980, sau bao nỗ lực đấu tranh dũng cảm của các đoàn thể xã hội và người dân thì sự thật lịch sử đó mới dần dần được hé lộ. Các phong trào vận động xác minh sự thật cũng được nhân rộng. Nhưng sau đó cũng phải mất rất nhiều thời gian, tổng thống Kim Dae Jung mới đưa ra lời xin lỗi chính thức với người dân và thật sự bắt tay vào công việc xác minh sự thật.

Những “tác giả” Jeju từng trải qua bi kịch của sự kiện 3-4 đã rất sốc khi biết đến tội ác thảm sát mà binh lính Nam Hàn đã gây ra đối với thường dân Việt Nam, tựa như đang chứng kiến một “hiện tượng déjà vu (ảo giác quen thuộc như từng thấy, từng trải qua) của lịch sử” và ngay lập tức có một sự đồng cảm sâu sắc với những nỗi buồn và sự thống khổ của người dân Việt Nam.

Tuy chưa có bất kỳ động thái gì từ Chính phủ Hàn Quốc về vấn đề này, nhưng trước tiên chúng tôi - dù chỉ là những nhà văn - vẫn mong muốn hối lỗi với gia quyến của người quá cố và thông qua đó góp một phần nhỏ trong việc xoa dịu nỗi đau lịch sử. Niềm mong mỏi đó đã trở thành nguồn động lực cho chúng tôi duy trì các hoạt động giao lưu gặp gỡ đến ngày nay.

* Suốt 10 năm sang Việt Nam tìm và giúp nạn nhân, thân nhân, hàng xóm của những người dân thường bị lính Nam Hàn thảm sát năm nào, các nhà văn Jeju mong muốn làm được điều gì?

- Hiện chính phủ lẫn các cựu binh Hàn Quốc đều chưa thừa nhận sự thật thảm sát thường dân Việt Nam, vậy nên đương nhiên họ cũng chưa đưa ra lời xin lỗi chính thức. Hội Nhà văn chúng tôi tuy sức lực nhỏ bé nhưng rất mong muốn được đóng góp nỗ lực của mình để thúc giục Chính phủ Hàn Quốc nhanh chóng xác minh sự thật và chính thức xin lỗi.

Chỉ có điều đó mới là đạo lý con người, là phép đối đãi xứng đáng với các nạn nhân. Chỉ có con đường đó mới là phương thức hòa giải chân chính, là con đường hòa bình hướng tới tương lai của hai quốc gia, hai dân tộc. Chính vì lẽ đó, chúng tôi đã không ngừng nỗ lực hoạt động suốt 10 năm qua và trong tương lai sẽ tiếp tục quan tâm, nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề này.

Nhà thơ - Lee Jong Hyung
Nhà thơ - Lee Jong Hyung

Một món nợ

* Trong 10 năm ấy, các nhà văn có gặp trở ngại gì và làm thế nào để vượt qua?

- Tôi vẫn còn nhớ cách đây 10 năm khi lần đầu tiên đề đạt nguyện vọng đến Quảng Ngãi chiêm bái bia căm thù tại xã Bình Hòa, thoạt đầu chúng tôi đã bị từ chối. Nhưng với quyết tâm nếu không được tận mắt chứng kiến bia căm thù thì không thể quay về Hàn Quốc, đoàn chúng tôi phải chờ thêm một ngày mới được phép đến xã Bình Hòa thắp nhang cho bia căm thù. Chính buổi viếng thăm hôm đó đã trở thành một động lực quan trọng cho các hoạt động của chúng tôi trong 10 năm qua.

Điều khó khăn nhất của chúng tôi là buộc phải đối diện với sự công kích từ thế lực bảo thủ trong xã hội Hàn Quốc cho rằng tại sao người Hàn Quốc lại đi khơi gợi vấn đề quá khứ trong khi người Việt Nam cũng không muốn nhắc đến? Theo chúng tôi, quá khứ không bao giờ tự khép lại. Nó chỉ được khép lại khi sự thật được vạch rõ và vết thương lịch sử được chữa lành.

* Hàn Quốc từng chịu nạn “phụ nữ mua vui” cho quân đội Nhật, nhưng sau đó có lính Nam Hàn hãm hiếp phụ nữ Việt Nam. Phải chăng đây là trạng thái tâm lý kép trong một bộ phận người Hàn Quốc: vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm trong cùng loại sự việc? Tình trạng này để lại dấu ấn trong văn học Hàn Quốc như thế nào và chi phối hành vi của người có chức trách ra sao?

- Đây là câu hỏi khó trả lời nhất. Suốt 36 năm đô hộ của phát xít Nhật, lịch sử và truyền thống dân tộc Hàn Quốc bị phủ nhận hoàn toàn, thậm chí có nguy cơ bị tiêu diệt, tài nguyên của quốc gia bị cướp đoạt trắng trợn. Trong đó bi kịch lớn nhất là vấn đề nô lệ tình dục - một trong những tội ác dã man, chà đạp lên nhân quyền - do quân đội Nhật gây ra.

Đó không còn là nỗi đau riêng của từng nạn nhân, mà là nỗi đau của quốc gia và dân tộc. Sau giải phóng, đất nước chúng tôi rơi vào tình trạng hỗn loạn, chia cắt do đối lập hệ tư tưởng. Nếu xét trên phương diện này thì rõ ràng người dân Hàn Quốc là những nạn nhân của lịch sử.

Chiến tranh Triều Tiên đã cướp đi sinh mạng hàng triệu người và chấn thương tâm lý về sự chia cắt đất nước đã in sâu vào tiềm thức của người dân Hàn Quốc. Trong bối cảnh đó, chắc hẳn những người lính Nam Hàn được phái sang Việt Nam hiếm có ý thức tội lỗi khi họ gây ra tội ác hãm hiếp hay giết phụ nữ Việt Nam.

Rõ ràng ở đây họ đã trở thành thủ phạm gây ra tội ác. Trạng thái tâm lý kép này rất phức tạp và khó lý giải, nhưng qua đó chúng tôi rút ra một bài học rằng nếu không có sự cảnh giác về bạo lực thì ai cũng sẽ rất dễ trở thành hoặc là nạn nhân hoặc là tội nhân.

Trạng thái tâm lý kép này đã là một đề tài thu hút sự quan tâm trong giới văn học Hàn Quốc, nhưng hiện nay vẫn chưa có một tác phẩm nào đủ gây tiếng vang trong xã hội. Đó là món nợ của các tác giả Hàn Quốc, trong đó có tôi.

Sự thật không thể bị che đậy

* Đến nay, Chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa chính thức xin lỗi nạn nhân trong các vụ thảm sát do lính Nam Hàn gây ra tại Việt Nam. Tuy nhiên, bằng niềm tin và linh cảm của nhà văn, ông dự báo việc xin lỗi sẽ diễn ra theo kịch bản nào là phù hợp với thực tế nhất?

- Sự thật không thể bị che đậy và không được phép che đậy. Tuy có thể sẽ mất một thời gian, nhưng rồi cũng sẽ tới lúc Chính phủ Hàn Quốc không thể làm ngơ trước vấn đề này thêm được nữa.

Với tư cách một nhà văn, tôi xin phép trả lời về cách thức xin lỗi đúng đắn theo quan điểm và nguyện vọng của tôi. Một là, muốn xin lỗi thì trước tiên phải thừa nhận. Hai là, phải xin lỗi vô điều kiện. Đó phải là sự xin lỗi minh bạch, vạch rõ từng tội ác, không bỏ sót bất cứ một chi tiết sự thật nào. Ba là, việc xin lỗi phải kèm theo bồi thường thỏa đáng cho các nạn nhân.

Trong vài năm trở lại đây, nhờ sự nỗ lực của các nhà văn, các thành viên của các tổ chức phi chính phủ và người dân có lương tâm, đặc biệt là thế hệ trẻ Hàn Quốc, mà sự thật về thảm sát thường dân Việt Nam đã bắt đầu nhân rộng ra và thu hút sự chú ý trong xã hội Hàn Quốc. Bên cạnh đó, dư luận Hàn Quốc cũng đang hối thúc chính phủ phải thay đổi lập trường. Tôi tin rằng rốt cuộc điều mong mỏi của chúng tôi sẽ trở thành hiện thực.

KU SU JEONG chuyển ngữ

“Thành thật xin lỗi Việt Nam”

Phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” được hình thành tại Hàn Quốc hơn 10 năm nay, sau loạt phóng sự của nữ nhà báo Ku Su Jeong đăng trên tờ The Hankyoreh21 về những vụ thảm sát của quân đội Nam Hàn tại Việt Nam.

Cách nay 50 năm, lính đánh thuê Nam Hàn tham gia cuộc chiến tại Việt Nam, gây ra nhiều vụ thảm sát hàng nghìn người dân vô tội ở Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Ngãi. Nhiều nạn nhân phải chôn cùng một nấm mồ tập thể, nhà cửa bị phá hủy.

Trong phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam”, nhiều hoạt động tưởng nhớ được tổ chức tại Hàn Quốc và Việt Nam thời gian qua.

Trong các ngày 3, 5 và 6-12-1966 tại Bình Hòa, lính Nam Hàn đã gây ra vụ thảm sát tập thể thường dân vô tội vô cùng dã man.

Có 430 người bị giết hại, trong đó có 269 phụ nữ, 12 phụ nữ bị cưỡng hiếp đến chết, có cụ bà 80 tuổi bị chặt đầu, bêu giữa đồng ruộng, 104 người ở lứa tuổi 50-70, 174 thiếu nhi, 15 trẻ sơ sinh. Có 3 gia đình bị giết không còn ai, có 2 người bị giết rồi quăng vào lửa, 1 người bị mổ bụng.

Ông VÕ ĐÌNH TRÀ  (chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi)

                                      MẮT VÀ TAY

                                                                      Lee Jong Hyung

Anh không thấy được gì trước mắt

Còn tôi, thấy, nhưng đâu dám nhìn về những tháng ngày kia?

 

Gương mặt sáng trong, nụ cười lành

Miệng anh tươi mà lòng tôi nghẹn đắng

 

Có bao giờ bạn được nắm bàn tay

Của một người đàn ông mất đi đôi mắt

Nhưng đã mọc khắp thân mình mười đôi mắt khác

Có bao giờ bạn được gặp anh

Người chỉ chạm vào tay ta bằng cảm xúc

Mà nhớ ngay người mình gặp từ bao lâu trước

Một tiếng nói xa lạ thôi, một hơi ấm thịt da truyền lan thấu hiểu

Hơn cả bao lời

 

Ôi, Đoàn Nghĩa!

Đứa bé được làng nghèo nuôi lớn

Từ sau một ngày

Thuốc súng ngấm vào đôi đồng tử bé thơ dập tắt ánh nhìn đầy nước mắt

Anh khóc bên xác mẹ không còn nguyên vẹn

Ký ức là đây, ghi nhớ là đây

Điều mong ước là có một bàn tay như bàn tay anh, Đoàn Nghĩa

 

Tôi ước sao được như anh, có đôi mắt nhìn thấu xa vời vợi

Tôi cũng ước có bàn tay im lìm nắm chặt

Bàn tay của Phật Bà nghìn tay nghìn mắt

Đọc ra tấm lòng chỉ bằng cảm xúc

Âm

            ấm

                    chạm

                               vào

                             KU SU JEONG dịch - THANH THẢO hiệu đính  

 

TĂNG QUỲNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên