03/03/2021 06:03 GMT+7

Nhà mua hợp pháp, 5 năm sau mới hay 'là tài sản đang bị kê biên'

ÁI NHÂN
ÁI NHÂN

TTO - Mua nhà hợp pháp nhưng 5 năm sau chủ nhà mới được biết căn nhà của mình bị kê biên thi hành án cho một kẻ lừa đảo. Ngay cả cơ quan thi hành án cũng 'rối' khi thi hành bản án này.

Nhà mua hợp pháp, 5 năm sau mới hay là tài sản đang bị kê biên - Ảnh 1.

Mẹ của bà Hạnh thay con gái ôm hồ sơ gõ cửa nhiều nơi để bảo vệ căn nhà mua ngay tình, hợp pháp - Ảnh: ÁI NHÂN

Bà Võ Phạm Hồng Hạnh (ngụ quận 11, TP.HCM) là chủ sở hữu căn nhà số 243 Bình Trị Đông, P. Bình Trị Đông, Q. Bình Tân (trước đây là số 21/6 ấp 1, xã Bình Trị Đông, huyện Bình Chánh). Căn nhà trên có nguồn gốc là của vợ chồng ông Nguyễn Văn Cẩm được cấp chủ quyền hợp pháp và bà Hạnh mua lại năm 2010.

Bất ngờ, năm 2015 bà Hạnh được biết Cục Thi hành án dân sự TP.HCM ngăn chặn chuyển dịch căn nhà trên để thi hành bản án hình sự phúc thẩm số 2350 ngày 25-10-2004 của tòa phúc thẩm TAND tại TP.HCM.

Giả chữ ký thế chấp nhà để lừa đảo

Trong quá trình tìm hiểu sự việc, bà Hạnh thu thập được hồ sơ vụ án liên quan căn nhà của mình. Cụ thể như sau:

Người tên Thái Văn Tuấn đã lợi dụng việc ông Cẩm nhờ làm hồ sơ nhà để giả chữ ký của ông Cẩm lấy giấy tờ thế chấp vay Ngân hàng TMCP Nam Đô (ngân hàng) 1,5 tỉ đồng từ năm 1996. Ngoài ra, Tuấn còn làm giả nhiều hồ sơ khác để lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng của ngân hàng.

Năm 1998 Bộ Công an ra lệnh kê biên đối với căn nhà. Năm 2000, bản án phúc thẩm số 3272 của tòa phúc thẩm TAND tối cao tuyên phạt Tuấn về các tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân", "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân" và "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa". 

Đến năm 2004, bản án phúc thẩm số 2350 của tòa phúc thẩm TAND tối cao tuyên phạt Tuấn về tội lừa đảo. Trong quá trình tố tụng, ông Cẩm và nhiều người khác bị Tuấn giả chữ ký tham gia với vai trò người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Các bản án cũng tuyên duy trì kê biên đối với căn nhà của ông Cẩm để giải quyết công nợ cho ngân hàng.

Tuy vậy, năm 2010, UBND quận Bình Tân vẫn cấp giấy chứng nhận chủ quyền nhà đất trên cho ông Cẩm. Trong năm này, bà Hạnh mua căn nhà trên với đầy đủ thủ tục hợp pháp và được quận Bình Tân cấp chủ quyền. 

Lo sợ quyền lợi của mình sẽ bị thiệt hại, bà Hạnh gửi đơn kêu cứu, phản ánh đến nhiều cơ quan liên quan.

Thi hành án kêu tòa giải thích

Về phía Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, bà Hạnh cũng gửi đơn phản ánh việc cơ quan này đã không thực hiện việc niêm yết, thông báo công khai quyết định thi hành án nên dẫn đến việc mua nhà giữa bà và ông Cẩm vẫn diễn ra suôn sẻ theo trình tự và thiệt hại đến quyền lợi của bà. 

Đồng thời, bà Hạnh cũng đề nghị Cục Thi hành án kiến nghị xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo hướng giải tỏa kê biên, trả lại nhà cho bà.

Đến cuối năm 2019, Cục Thi hành án dân sự đã có công văn gửi chánh án TAND TP.HCM và chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM đề nghị giải thích bản án. Theo Cục Thi hành án, cả hai bản án phúc thẩm số 3272 và số 2350 đều nhận định bị cáo Tuấn tự ý giả chữ ký của ông Cẩm để thế chấp căn nhà. Riêng bản án 2350 còn nhận định hành vi của Tuấn đối với việc thế chấp căn nhà của ông Cẩm là "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Tuy nhiên, cả hai bản án đều tuyên duy trì lệnh kê biên của Bộ Công an đối với căn nhà của ông Cẩm để giải quyết công nợ cho ngân hàng, trong khi ông Cẩm không phải là người có nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng. 

Vì vậy, để có cơ sở giải quyết việc thi hành án, đảm bảo quyền lợi cho bà Hạnh và các đương sự, Cục Thi hành án đề nghị các cấp tòa giải thích căn nhà trên "là tài sản hợp pháp của ông Nguyễn Văn Cẩm hay tài sản của ông Thái Văn Tuấn để đảm bảo thi hành án…".

Theo bà Hạnh, dù bản án có nhận định hành vi của Tuấn giả chữ ký mang căn nhà của ông Cẩm đi thế chấp là phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với ông Cẩm, tuy nhiên bản án đã không ra quyết định về tội danh lừa đảo của Tuấn đối với chủ tài sản là ông Cẩm, mà chỉ xem xét nợ đối với bên cho vay là ngân hàng và phán quyết lấy tài sản của ông Cẩm để thi hành án cho Tuấn. 

Trong vụ án này, ông Cẩm cũng là nạn nhân bị Tuấn lừa. Ông Cẩm không thế chấp nhà cho ngân hàng để bảo lãnh cho Tuấn nên ông Cẩm không có trách nhiệm đem tài sản này để trả nợ thay cho Tuấn. 

"Việc tòa án duy trì kê biên gộp căn nhà của ông Cẩm vào khối tài sản do Tuấn lừa đảo thế chấp ngân hàng, biến tài sản bị hại thành tài sản kẻ lừa đảo để thi hành án cho ngân hàng là sai và nay gián tiếp gây thiệt hại cho quyền lợi của tôi…" - bà Hạnh trình bày.

Dù Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đề nghị giải thích bản án và phía bà Hạnh đã gửi đơn kêu cứu, phản ánh nhiều nơi nhưng đến nay sự việc chưa được giải quyết.

Về trách nhiệm trong việc cấp giấy chủ quyền, UBND quận Bình Tân đã rà soát lại quy trình và thành phần hồ sơ cấp giấy chứng nhận nhà đất cho ông Cẩm. Theo UBND quận Bình Tân, quá trình cấp giấy chủ quyền không phát hiện có sai sót. Quận Bình Tân xác định lệnh kê biên và bản án sơ thẩm, phúc thẩm thì nơi gửi không có UBND quận Bình Tân nên quận không phát hiện căn nhà trên có liên quan đến vụ án. Quận hướng dẫn bà Hạnh liên hệ với cơ quan thi hành án để được giải quyết vụ việc.

Hủy án, xét xử lại vụ mua nhà 58 tỉ đem bán... 28 tỉ Hủy án, xét xử lại vụ mua nhà 58 tỉ đem bán... 28 tỉ

TTO - Quyết định giám đốc thẩm cho rằng tòa sơ thẩm và phúc thẩm áp dụng pháp luật không đúng, buộc giao nhà cho bên thứ ba là gây thiệt hại cho vợ chồng ông Quyện và bà Trông.

ÁI NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên