15/04/2021 18:07 GMT+7

Nhà máy nước dùng vốn ODA không qua bảo lãnh để tránh nợ công

BÁ SƠN
BÁ SƠN

TTO - Một trong những nhà máy nước quy mô lớn tại Bình Dương được xây dựng từ một phần vốn vay ODA, nhưng không có sự bảo lãnh của Chính phủ để tránh tăng nợ công.

Nhà máy nước dùng vốn ODA không qua bảo lãnh để tránh nợ công - Ảnh 1.

Nhà máy nước Tân Hiệp có công suất lớn, cung cấp cho các hộ dân và nhà máy tại Bình Dương - Ảnh: BÁ SƠN

Ngày 15-4, đại diện Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đã chứng kiến việc đưa vào hoạt động giai đoạn tăng công suất thêm 100.000m3/ngày đêm của Nhà máy nước Tân Hiệp (thuộc nhà máy Khu liên hợp công nghiệp đô thị dịch vụ Bình Dương).

Sau khi được mở rộng, tổng công suất Nhà máy nước Tân Hiệp đạt tới 250.000m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư trên 1.000 tỉ đồng, là một trong những nhà máy nước lớn nhất tại Bình Dương.

Nhà máy nước Tân Hiệp được xây dựng từ một phần vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Đáng chú ý, dù là khoản vay ODA nhưng dự án được chủ đầu tư là Công ty cổ phần Nước - môi trường Bình Dương (Biwase) tự vay mà không thông qua bảo lãnh của Chính phủ. Chỉ tính riêng giai đoạn mở rộng thêm 100.000m3/ngày đêm, khoản vốn vay ODA là 16 triệu USD (tương đương khoảng 370 tỉ đồng).

Ông Keiju Mitsuhashi - phó giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam - cho biết đây là lần đầu tiên ADB cho vay không thông qua bảo lãnh của Chính phủ đối với một dự án trong ngành nước tại Việt Nam. Để có được khoản vay này, doanh nghiệp vay vốn đã chứng minh được năng lực, uy tín đối với quốc tế thông qua các dự án đã hợp tác trước đó.

Nhà máy nước dùng vốn ODA không qua bảo lãnh để tránh nợ công - Ảnh 2.

Sau các dự án vay vốn ODA được thực hiện hiệu quả, các tổ chức quốc tế đã sẵn sàng cho các doanh nghiệp đầu tiên vay vốn mà không qua bảo lãnh của Chính phủ để tránh tăng trần nợ công - Ảnh: BÁ SƠN

Ông Trần Chiến Công - tổng giám đốc Công ty cổ phần Nước - môi trường Bình Dương, đại diện nhà đầu tư - cho biết việc doanh nghiệp có thể tự vay và tự trả nợ sẽ góp phần không làm tăng nợ công của Chính phủ. Đồng thời là cơ hội mới mở ra cho ngành hạ tầng đô thị, an sinh xã hội của Việt Nam có thể tiếp cận dòng vốn đầu tư từ các tổ chức tín dụng quốc tế.

Do đặc thù các dự án trong lĩnh vực nước, xử lý môi trường có vốn đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng nếu nỗ lực hoàn thiện hạ tầng từ đầu thì sau này sẽ không phải đầu tư các dự án "xử lý hậu quả" tốn kém hơn gấp nhiều lần. Đồng thời, các dự án nước, môi trường được đầu tư sớm còn góp phần bảo vệ môi trường sống của người dân và sự đầu tư bền vững cho các doanh nghiệp.

Ngoài Nhà máy nước Tân Hiệp, nhiều nhà máy cấp nước sạch, xử lý nước thải, môi trường tại tỉnh Bình Dương cũng được triển khai với sự hỗ trợ tích cực từ nguồn vốn ODA. Trong đó, các dự án vay này đều được tính toán để có doanh thu tự trang trải việc trả nợ.

TP.HCM gom 3 nhà máy xử lý nước thải về một vị trí, tiết kiệm 88ha đất TP.HCM gom 3 nhà máy xử lý nước thải về một vị trí, tiết kiệm 88ha đất

TTO - UBND TP.HCM vừa gửi Bộ Xây dựng tờ trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị trên địa bàn.

BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0