25/06/2019 14:43 GMT+7

Nhà lầu xe hơi đã xuất hiện nhiều hơn ở nông thôn Bắc Bộ

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Đó là tín hiệu kinh tế tích cực của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận tại Hội nghị phát triển vùng sáng 25-6 tổ chức tại Hưng Yên.

Nhà lầu xe hơi đã xuất hiện nhiều hơn ở nông thôn Bắc Bộ - Ảnh 1.

Hội nghị phát triển vùng là dịp để Chính phủ lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ điểm nghẽn phát triển từng vùng - Ảnh: Đ.T

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng điều đặc biệt của vùng là gần 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước, khoảng 2% theo chuẩn đa chiều. Đời sống người dân đã khá hơn, nhà lầu xe hơi đã xuất hiện ở nhiều nhà dân trong vùng.

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đang đứng thứ 2 cả nước, chiếm 32% GDP, đóng góp 33% thu ngân sách.

GRGD cả vùng tăng bình quân khoảng 9,08%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 4.800 USD/năm, gấp 1,85 lần so với bình quân cả nước.

Thủ tướng cũng ghi nhận trong một thời gian không nhiều nhưng 7 tỉnh, thành phố trong vùng đều điều tiết ngân sách về trung ương. Đây là vùng duy nhất tất cả các địa phương đều có điều tiết ngân sách về trung ương.

Thủ tướng cho biết thêm đầu tháng 7 tới, Chính phủ sẽ tổng kết tình hình phát triển kinh tế 6 tháng của cả nước để đưa ra giải pháp mới, sát thực với thực tiễn. Do đó, việc rà soát hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm là yêu cầu quan trọng, cấp bách, tạo khả năng đột phá phát triển đất nước.

Đó là lý do Chính phủ chủ trương tổ chức hội nghị phát triển kinh tế từng vùng để lắng nghe các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để có giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển nhanh từng vùng.

Hội nghị cũng là dịp Chính phủ lắng nghe nhiều chiều các vấn đề đặt ra của đất nước chứ không nghe một chiều xem doanh nghiệp, hiệp hội, nhà đầu tư từng vùng đang mong muốn gì.

Nhà lầu xe hơi đã xuất hiện nhiều hơn ở nông thôn Bắc Bộ - Ảnh 2.

Đại diện các bộ, ngành, địa phương tham gia hội nghị phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ - Ảnh: Đ.T

Thủ tướng cũng lưu ý dù có tiềm năng kinh tế hơn hẳn các vùng kinh tế khác về kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực nhưng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ vẫn chưa phát huy hết lợi thế.

Sự liên kết giữa các địa phương trong vùng còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất. Chính sách phát triển vùng còn bất cập, thiếu đột phá, chưa giải quyết được các vấn đề chung của vùng trong xúc tiến đầu tư, thương mại du lịch, môi trường.

Báo cáo đánh giá phát triển vùng của Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng chỉ ra rằng Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ vẫn chưa có thể chế rõ ràng để các địa phương trong vùng phối hợp hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Hiện tất cả 7 tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đều theo đuổi định hướng phát triển công nghiệp điện tử phần cứng, nhưng chỉ có Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh thu hút được các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Canon, Microsoft…, và cũng chỉ dừng lại ở gia công, lắp ráp phần cứng với giá trị gia tăng thấp.

Để cải thiện liên kết vùng, PGS.TS Bùi Quang Tuấn - viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - khuyến nghị vùng phải tăng cường liên kết, phân công theo hướng chuyên môn hóa thay vì sự hợp tác đơn lẻ giữa các địa phương hiện nay.

Bên cạnh đó, PGS.TS Bùi Quang Tuấn cũng cho rằng Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phải phát huy những lợi thế so sánh riêng có như du lịch vịnh Hạ Long, du lịch làng nghề đặc trưng trong vùng. Đồng thời, cần đi đầu về cải cách thể chế, xây dựng thể chế vượt trội so với các vùng khác để tạo động lực phát triển.

Cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, với 24 tỉnh, thành phố, chiếm 27,3% diện tích tự nhiên, 27% dân số cả nước, đóng góp 89% GDP.

Không chỉ kết nối hạ tầng, 13 địa phương ĐBSCL phải "bước cùng nhau" Không chỉ kết nối hạ tầng, 13 địa phương ĐBSCL phải 'bước cùng nhau'

TTO - Đại diện các địa phương đồng bằng sông Cứu Long (ĐBSCL), Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng ngoài kết nối về hạ tầng, lãnh đạo 13 tỉnh thành ĐBSCL phải 'bước' cùng nhau để tạo ra được những thương hiệu chung của vùng.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên