15/01/2018 15:02 GMT+7

Nguyên tắc trong chế độ ăn uống của người cao tuổi

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương  (Bộ Y tế)
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế)

Người cao tuổi nên ăn nhiều vào bữa sáng, trưa ăn vừa phải, bữa tối không nên ăn quá no, không ăn tối muộn sau 7 giờ tối.

Nguyên tắc trong chế độ ăn uống của người cao tuổi - Ảnh 1.

Người cao tuổi nên uống nước cả khi không khát. Nguồn: paulageister.com

Đối với người cao tuổi, các cơ quan đã bị lão hóa, suy giảm chức năng nên cần phải cung cấp năng lượng đầy đủ để các cơ quan hoạt động, giảm tốc độ lão hóa. Do vậy, việc ăn uống trở nên rất quan trọng. Chế độ ăn cho người cao tuổi cần tuân thủ những nguyên tắc nhất định sau đây:

1. Nguyên tắc chung trong ăn uống của người cao tuổi

Chế độ ăn phải lỏng, mềm nhiều nước. Mùa hè mất nhiều mồ hôi do thời tiết nắng nóng, vì vậy cần một chế độ ăn nhiều nước, mềm, vừa dễ tiêu hoá, hấp thu lại cung cấp thêm nước cho cơ thể, các món nên ăn thường xuyên là: cháo, súp, sữa, nước ép trái cây…

Chọn loại thức phẩm ít béo, giàu chất đạm, giàu vitamin và khoáng chất: thịt nạc, thịt gà, cá, tôm, đậu đỗ, rau xanh và quả chín.

Khi chế biến món ăn hạn chế xào, rán, nên tăng cuờng các món ăn hấp, luộc, nấu canh và ăn nhạt.

Thực phẩm nên chọn loại tươi, ngon, tránh ăn thực phẩm đã bị ôi thiu.

Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, tránh ăn quá no, không để bữa ăn cách xa nhau dễ gây tình trạng hạ đường huyết.

Nên ăn nhiều vào bữa sáng, trưa ăn vừa phải, bữa tối không nên ăn quá no, không ăn tối muộn sau 7 giờ tối. Người cao tuổi nên giữ chế độ ăn từ 4 - 5 bữa trong một ngày, đồng thời khoảng cách giữa các bữa đều nhau và nên thực hiện tương đối đúng giờ. 

Nếu người cao tuổi trong mỗi một bữa ăn không ăn được đủ số lượng cần thiết, đặc biệt là loại tinh bột (glucid) thì nên ăn tăng thêm bữa (xen vào giữa các bữa chính), ví dụ như vào khoảng 9 giờ sáng, 4 - 5 giờ chiều.

Người cao tuổi nên chú ý: Ăn ngay sau khi nấu chín, thức ăn còn thừa phải đun sôi mới cất tủ lạnh, khi bỏ ra ăn lại đun sôi lại, không ăn các thức ăn đã ôi thiu.

2. Những thực phẩm nên ăn

- Gạo, mỳ khoai củ

- Thịt nạc, thịt gà, cá, tôm, sữa, đậu phụ

- Dầu thực vật

- Rau xanh: mồng tơi, muớp, bầu bí, rau dền, rau muống...

- Các loại quả chín: đu đủ, cam, bưởi, chuối, thanh long…

3. Những thực phẩm nên hạn chế

- Thực phẩm chế biến sẵn: patê, xúc xích, lạp sườn, thịt hộp, thịt xông khói…

- Các loại nước ngọt có ga, bánh kẹo, socola, sữa đặc có đường… Không nên uống bia, rượu quá nhiều, cũng không nên uống cà phê nhất là vào buổi tối.

- Thức ăn nhiều muối mặn: dưa cà muối mắm tôm, mắm tép…

- Các loại thịt đỏ: thịt bò, thịt chó, trâu, dê, ngựa…

- Các loại phủ tạng: óc, tim, gan, thận…

- Thức ăn xào rán, thức ăn nhiều mỡ động vật.

- Không nên ăn các thức ăn tươi, sống như rau sống, gỏi cá, nem chua, tiết canh, nem chạo...

- Hạn chế dùng các loại gia vị như ớt, hạt tiêu, mù tạt...

4. Uống nước cả khi không khát

Nước uống rất quan trọng vì người già thường giảm cảm giác khát, do trung tâm điều khiển cảm giác khát ở não bị thoái hoá. Vì vậy, người già dễ bị thiếu nước nếu chỉ uống nước khi khát, vì khi chưa khát đã bị thiếu nước rồi, về mùa hè nhu cầu nước lại càng cần nhiều hơn do thời tiết nóng bức, ra nhiều mồ hôi.

Mỗi ngày nên uống từ 1,5 - 2 lít uống ít một, cứ 30 phút lại uống 1 lần, mỗi lần 100 - 200ml, tập thói quen uống nước ngay cả khi không khát, nên uống nhiều vào ban ngày, buổi tối nên uống hạn chế để giảm số lần đi tiểu vào ban đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Người cao tuổi nên uống các loại nước: nước đun sôi để nguội, nước trà xanh, nước hoa quả ép ít đường (nước dưa chuột, củ đậu, bí xanh, cà rốt…) vừa cung cấp ít đường lại giàu vitamin và khoáng chất, các loại nước này giải nhiệt rất tốt. Ngoài ra có thể uống nước rau má, nước bông mã đề, nước mướp đắng cũng rất tốt.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên