19/04/2018 18:01 GMT+7

Nguy cơ tăng giá thịt heo, gà

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TTO - Giá heo, gà bán ra tại các trang trại đã tăng từ 20-50% so với cuối năm 2017 đang tạo áp lực tăng giá bán lẻ thịt trên thị trường.

Nguy cơ tăng giá thịt heo, gà - Ảnh 1.

Mua bán thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều công ty tham gia chương trình bình ổn giá của TP.HCM đã có kiến nghị lên Sở Tài chính tăng giá bình ổn của năm 2018 nếu không họ sẽ bị thua lỗ.

Giá nguyên liệu tăng nhanh

Giá các sản phẩm chăn nuôi như heo, gà, trứng… đều tăng so với cuối năm 2017, chủ yếu do giá các loại nguyên liệu dành cho chăn nuôi tăng lên đáng kể trong thời gian qua.

Do phần lớn bắp, đậu nành và các loại nguyên liệu bổ sung cho ngành chăn nuôi công nghiệp VN đều phải nhập khẩu, nên khi giá thế giới tăng thì giá trong nước cũng tăng lên tương ứng, có loại tăng giá đến hàng chục lần.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho biết ba tháng đầu năm 2018 người chăn nuôi heo khổ đơn khổ kép vì một mặt giá đầu vào tăng lên mà giá heo lại giảm xuống.

Khoảng giữa tháng 3-2018, nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tăng giá hàng loạt các sản phẩm thức ăn chăn nuôi trên thị trường càng làm cho người nuôi heo thêm khó khăn.

Nhiều hộ chăn nuôi buộc phải giảm đàn, thậm chí bán cả trang trại để trả nợ. Rất may là kể từ đầu tháng 4-2018 đến nay, giá heo đã tăng nhanh nên người chăn nuôi đã thoát lỗ và bắt đầu có lời.

Theo ông Lê Hưng - Giám đốc Công ty công nghệ sinh học Việt Hưng, so với cuối năm 2017 giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như bắp, đậu nành tăng 10-20%.

Các loại nguyên liệu bổ sung như vitamin, khoáng chất để pha trộn trong thức ăn chăn nuôi còn tăng nhanh hơn nhiều, có loại tăng đến 7-10 lần so với trước. Chính vì vậy, giá thành các sản phẩm chăn nuôi của VN đã tăng lên so với năm 2017.

Do nguồn cung giảm trong khi giá đầu vào tăng, chỉ trong vòng hai tuần đầu tiên của tháng 4 vừa qua, giá heo hơi tại các trang trại đã tăng tới gần 40% từ mức 26.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg.

Đây là mức giá cao nhất trong khoảng một năm qua. Mức giá này đã cứu người chăn nuôi thoát khỏi thua lỗ tạm thời sau hơn 2 năm bán dưới giá thành nhưng cũng tạo ra áp lực tăng giá bán lẻ các loại thịt heo, gà trên thị trường. Ngay lập tức, giá heo mảnh tại chợ đầu mối tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg, giá bán lẻ tại các chợ cũng tăng lên tương ứng.

Dù vậy, giá thịt heo, thịt gà bán lẻ tại TP.HCM thời gian qua vẫn chưa tăng nhanh bằng giá đầu vào là do giá bán tại các điểm tham gia chương trình bình ổn thị trường vẫn giữ nguyên giá của năm 2017.

Tuy nhiên, các công ty tham gia chương trình này cho rằng họ đang thua lỗ và rất mong Sở Tài chính TP.HCM phê duyệt phương án tăng giá bình ổn của năm 2018 theo sát giá đầu vào.

Áp lực tăng giá bán lẻ

Ông Nguyễn Văn Sỹ - đại diện Công ty TNHH Thanh Bình (Đồng Nai) cho biết, giá heo thời gian qua đã tăng nhanh đang gây áp lực tăng giá bán lên các nhà bán lẻ. 

Tuy nhiên, hiện Thanh Bình vẫn chưa tăng giá bán vì công ty mới đưa các sản phẩm thịt heo thải độc (detox) ra thị trường nên muốn ổn định giá bán lẻ cho người tiêu dùng.

Công ty giữ được mức giá của năm 2017 vì đã khép kín được quy trình sản xuất từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, chuồng trại, giết mổ và phân phối nên giảm được giá thành ở nhiều khâu so với các đơn vị khác.

Tuy nhiên, nếu thời gian tới giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và giá heo hơi trên thị trường tiếp tục tăng cao thì công ty cũng sẽ phải tính tới phương án tăng giá bán lẻ, nếu không sẽ bị lỗ.

"Giá heo hơi thời gian qua đã tăng nhanh nhưng giá của Vissan bán ra trên thị trường không thay đổi tương ứng vì quy định của chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM. Chính vì vậy, mỗi ngày công ty đang bị lỗ hàng trăm triệu đồng do giá mua heo hơi cao mà giá bán vẫn ở mức giá của năm 2017. Chúng tôi đã kiến nghị lên Sở Tài chính TP.HCM để tăng giá bán thịt heo của chương trình bình ổn thị trường cho sát với giá heo hơi thời gian qua".

Ông Nguyễn Ngọc An, - Tổng Giám đốc Công ty Vissan

Trong khi đó, nhiều công ty thực phẩm tham gia vào chương trình bình ổn của TP.HCM đã có kiến nghị tăng giá bán trong năm 2018 để bù đắp lại các chi phí đầu vào tăng. Tuy nhiên, đến nay Sở Tài chính TP.HCM vẫn chưa đồng ý phương án này.

Ông Nguyễn Như Sinh - Giám đốc Công ty TNHH Long Bình (Đồng Nai) cho biết, giá gà công nghiệp tăng nhanh trong thời gian qua và hiện ở mức cao (trên dưới 30.000 đồng/kg), vì vậy đơn vị không tham gia chương trình bình ổn đã chủ động tăng giá bán theo giá đầu vào.

Còn lại những mặt hàng tham gia bình ổn thì vẫn phải giữ nguyên giá cũ của năm 2017 vì phải đợi Sở tài chính TP.HCM đồng ý tăng giá mới được tăng.

Giám đốc một công ty thực phẩm TP.HCM cũng cho biết tình trạng cắn răng chịu lỗ của nhiều đơn vị bán lẻ tham gia vào chương trình bình ổn. Do Sở Tài chính TP.HCM chưa cho phép tăng giá nên các công ty vẫn phải cắn răng cầm cự với giá đầu vào tăng cao nhưng giá bán vẫn bằng năm 2017.

Tuy nhiên, nếu thời gian tới giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng, giá heo, gà tại trại tăng lên thì các công ty phải tiếp tục kiến nghị cho tăng giá bán của chương trình bình ổn, nếu không sẽ bị thua lỗ.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên