19/05/2020 14:06 GMT+7

Nguy cơ COVID-19 xóa sổ ngành dịch vụ ăn uống toàn cầu

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Theo nhiều chủ nhà hàng và quán bar, họ không thể có lợi nhuận nếu như vừa kinh doanh vừa áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.

Nguy cơ COVID-19 xóa sổ ngành dịch vụ ăn uống toàn cầu - Ảnh 1.

Một nhà hàng tại Hong Kong (Trung Quốc) thực hiện biện pháp giãn cách xã hội. Ảnh: chinadailyhk.com

Chính quyền bang Georgia (Mỹ) cho phép các nhà hàng nối lại hoạt động từ 27/4, song ông Ryan Pernice vẫn quyết định chưa mở cửa trở lại ba cơ sở kinh doanh.

Theo kênh CNN (Mỹ), ba nhà hàng Table & Main, Osteria Mattone và Coalition Food & Beverage của ông Ryan đóng cửa từ 16/3. Bên cạnh mối lo về sức khỏe của nhân viên và khách hàng, ông Ryan còn một lý do khác để quyết định không vội trở lại kinh doanh: Các nhà hàng không thể sinh lời nếu như áp dụng quy tắc giãn cách xã hội.

'Nếu như nói về ngành dịch vụ ăn uống trên toàn cầu, từ ngữ có thể thay đổi nhưng bài toán vẫn như vậy. Nhà hàng và quán bar cần đông khách mới có thể tồn tại', ông chủ Ryan chia sẻ.

Trong 2 tháng đóng cửa, ông Ryan buộc cho nghỉ việc 80 trong tổng số 120 nhân viên. Trên toàn thế giới, có hàng triệu nhân viên tại các nhà hàng và quán bar mất việc khi chính phủ các nước áp dụng lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Một số biện pháp hiện được nới lỏng, nhưng nhà hàng và quán bar vẫn không thuộc cơ sở ưu tiên được mở cửa trở lại vì những tụ điểm này bị coi là nơi có nguy cơ cao phát tán virus SARS-CoV-2.

Trong một thị trường cạnh tranh, muốn kiếm lợi nhuận, các nhà hàng và quán bar phải có nhiều khách nhất có thể. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này không tương thích với các quy định giãn cách xã hội.

'Chúng tôi không có lãi nếu thực hiện giãn cách xã hội. Thậm chí tôi biết có nhiều nhà hàng sẽ không bao giờ mở cửa trở lại nữa', Blaiss Nowak – một chủ nhà hàng tại bang Georgia – cho biết. Tháng trước, khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ, ông lựa chọn nối lại công việc kinh doanh của nhà hàng. Hiện cơ sở của ông chỉ tiếp 50 khách mỗi tối, giảm 3/4 lượng khách trước đây. Bàn trong nhà hàng cũng được đặt cách nhau 3,6m. Ông hy vọng trong khoảng thời gian này, nhân viên nhà hàng sẽ được đào tạo để xử lý công việc trong khi thực hiện giãn cách và khách hàng cảm thấy an tâm hơn đối với việc quay trở lại nhà hàng ăn.

Trong tình hình đó, một số chủ nhà hàng cho biết họ sẽ tiếp tục đóng cửa thay vì mở cửa mà cắt giảm lượng khách.

Tập đoàn Union Square Hospitality hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nhà hàng đã sa thải khoảng 2.000 nhân viên hồi tháng Ba. Tuần trước, Giám đốc điều hành Danny Meyer cho rằng khách hàng sẽ không quay lại trước khi tìm ra vắc-xin.

'Chúng tôi không được lợi gì khi mọi người đến nhà hàng đều phải đo nhiệt độ và đeo khẩu trang, thêm vào đó tôi cũng không kiếm được nhiều tiền', ông Danny trả lời tờ Bloomberg News.

Không chỉ dừng lại ở Mỹ, quan điểm này cũng xuất hiện ở nhiều quốc gia khác. Tại Italy, hàng nghìn chủ nhà hàng đã biểu tình phản đối các biện pháp giãn cách xã hội của chính phủ có hiệu lực từ 1/6.

'Nhà hàng này là tâm huyết của cả cuộc đời tôi, nhưng tôi không muốn mở cửa', Mario Firpo – chủ quán pizza Gennaro Esposito Milano ở thành phố Milan – cho biết. Ông ước tính lượng khách đến nhà hàng sẽ giảm 70% nếu như ông đặt các bàn cách nhau 2m.

Theo một cuộc khảo sát trên 260 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Anh, 3/4 số chủ các quán bar và nhà hàng không tự tin sẽ tồn tại nổi khi áp dụng các biện pháp giãn cách.

'Nếu như chúng tôi cắt giảm lượng khách đến mà không có hỗ trợ từ chính phủ, điều đó sẽ dẫn tới hàng loạt cơ sở bị đóng cửa và nhân viên mất việc', James Ramsden – chủ một nhà hàng ở London – giải thích.

Đối với các quán bar, tình hình còn tệ hớn. Tại Hong Kong (Trung Quốc), kể từ khi các ca mắc COVID-19 mới tăng nhanh vào cuối tháng Ba, chính quyền địa phương ra lệnh đóng cửa toàn bộ các cơ sở phục vụ đồ uống có cồn trong một tháng trong khi các nhà hàng được phép hoạt động.

Sau đó, lệnh phong tỏa được nới lỏng. Các quán bar mở cửa trở lại nhưng tuân thủ quy tắc giãn cách xã hội như chỉ phục vụ nửa lượng khách so với trước và các nhóm tụ tập trong bar cách nhau 1,5 m.

'Làm thế nào mà chúng tôi hoạt động được khi mỗi tối chỉ có 15 khách đứng cách nhau 1,5 m', Gagan Gurung - chủ quán bar Tell Camellia – chia sẻ.

Ireland là quốc gia gắn liền văn hóa quán rượu và gần 8% lao động nước này làm việc trong ngành dịch vụ ăn uống. Sau khi các nhà hàng và quán bar ở đây đóng cửa 2 tháng vì phong tỏa, Hiệp hội Nhà hàng Ireland thống kê có khoảng 120.000 người đã mất việc.

Mặc dù Chính phủ Ireland đã ấn định ngày mở cửa trở lại đối với các quán rượu vào ngày 10/8 nhưng chưa công bố hướng dẫn về quy định giãn cách xã hội. Liên đoàn Vintner Ireland đã đề xuất mô hình mở cửa quán rượu không có nhạc sống, chỉ phục vụ tại bàn và không cho quá 4 người tụ tập trên 10m2.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên