08/06/2017 10:46 GMT+7

Người xưa, xưa hơn ta tưởng

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Hóa thạch của người Homo Sapien (người tinh khôn) tìm thấy tại Morroco có niên đại 300.000 năm, tức lâu hơn 100.000 năm so với mốc khoa học đã ghi nhận.

Các đặc điểm về gương mặt trên xương hộp sọ của hóa thạch người Homo sapien mới tìm thấy tại Morroco khá giống với người hiện đại, nhưng phần vỏ não lại thuôn dài giống người tiền sử - Ảnh: Reuters
Các đặc điểm về gương mặt trên xương hộp sọ của hóa thạch người Homo sapien mới tìm thấy tại Morroco khá giống với người hiện đại, nhưng phần vỏ não lại thuôn dài giống người tiền sử - Ảnh: Reuters

Theo đài CNN (Mỹ), so với các chứng tích khảo cổ học được khẳng định lâu nay về thời gian xuất hiện của người Homo Sapien (người tinh khôn), phát hiện mới về các hóa thạch cho thấy những tổ tiên đầu tiên của loài người đã xuất hiện trước đó tới cả 100.000 năm.

Thông tin này được các chuyên gia khảo cổ công bố trên tạp chí Nature ra mắt ngày 7-6.

Phát hiện này theo các chuyên gia, đã mở rộng phạm vi được coi là “chiếc nôi của loài người” trên toàn châu Phi, trước đó người ta đã tìm thấy hóa thạch người Homo sapien tại nam và đông Phi.

Các hóa thạch mới tìm thấy, trong đó có một phần xương hộp sọ và một răng hàm dưới, bao gồm xương của 5 người Homo sapien khác nhau, gồm 3 thanh niên, một vị thành niên và 1 em bé khoảng 8 tuổi.

Cũng tại tầng di chỉ khảo cổ phát hiện các hóa thạch xương, người ta còn tìm thấy các công cụ đồ đá, xương động vật và chứng cứ của việc dùng lửa của người tiền sử.

Tuy nhiên điều gây ấn tượng đặc biệt nhất ở các hóa thạch này là những chi tiết lưu lại dấu ấn tiến hóa của loài người.

Các đặc điểm trên khuôn mặt ở phần hộp sọ cho thấy họ có những điểm khá giống với người hiện đại. Tuy nhiên phần vỏ não lại vẫn rất thuôn dài và lưu lại những đặc trưng cổ xưa của người tiền sử giai đoạn đầu xuất hiện.

Ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy con người hiện đại đã có những tiến hóa khác biệt so với người Neanderthal và người Denisovan và khoảng 500.000 năm trước, khiến chúng ta gần gũi hơn với những tổ tiên trực tiếp của mình.

Trước khi có phát hiện khảo cổ này, giới khoa học vẫn luôn tin là loài người hiện đại chúng ta đã tiến hóa từ những người tiền sử đầu tiên xuất hiện tại châu Phi khoảng 200.000 năm trước.

Tuy nhiên con người đã tiến hóa như thế nào trong khoảng giữa đó thì lại là vấn đề khoa học chưa thể lý giải.

Dù vậy các nhà nghiên cứu đề xuất giả thuyết, có thể giữa hai chặng tiến hóa này đã xuất hiện nhiều nhóm người tiền sử khác nhau, các nhóm này có những mối liên hệ phân tích và chồng lấn với nhau trong quá trình tồn tại và tiến hóa theo thời gian.

Với phát hiện khảo cổ vừa tìm thấy tại Morroco, các nhà khoa học có thể nghiên cứu sâu hơn về giai đoạn tiến hóa của người Homo sapien trong giai đoạn xa xưa hơn nữa, lùi sâu thêm tới cả 100.000 năm.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên