01/03/2020 11:25 GMT+7

Người Việt bỗng thấy thương cái áo bình dân mà bánh mì đang khoác

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Không ai có thể tả chính xác cái vị của bánh mì, mỗi miền một kiểu, mỗi tiệm một loại nước chan. Nhưng thật lạ, cái gì người ta càng khó định hình được thì chúng lại càng gắn bó với họ cả đời.

Người Việt bỗng thấy thương cái áo bình dân mà bánh mì đang khoác - Ảnh 1.

Tác phẩm của họa sĩ ‎Trần Thị Phương Thảo‎ - Ảnh: VẼ MINH HỌA - ILLUSTRATION

Bánh mì đi qua cả miền nông thôn lẫn thành thị, nằm trong tuổi thơ của những đứa trẻ, bữa ăn vội trên tay lái bác xe ôm, trong cặp của cô cậu sinh viên nghèo hay những buổi tối thình lình cúp điện... và nhiều hơn thế.

Tây với ta có khác nhau ở nhiều chỗ, nhưng ở cái điểm mê bánh mì thì chẳng xa nhau được. Tùy theo từng vùng miền mà mỗi người lại lớn lên với kiểu ăn bánh mì khác nhau, đến Khánh Hòa phải thử ăn bánh mì lòng cá, ra Hải Phòng lại có bánh mì với ớt cay sè, ở Đà Lạt se lạnh bánh mì được ăn chung với xíu mại và vào Sài Gòn thì có đến muôn kiểu biến tấu.

Đa dạng là vậy nhưng bánh mì ít gây cãi nhau. Mặc cho người ta nói phở là món quốc ẩm, phở miền Nam và miền Bắc vẫn cứ khắc khẩu hoài.

Còn bánh mì lại khác, mỗi người ăn mỗi kiểu, mỗi nơi ăn mỗi vị, cay ngọt mặn có đủ mà vẫn chưa bao giờ chí chóe. Có thể chẳng ai rỗi hơi lại giành lấy riêng cho mình một món ăn bình dân như vậy.

Cũng vì thế, ít có dịp người ta thổ lộ về món ăn đã đi suốt cuộc đời họ ngoại trừ vài ngày gần đây, khi một số du khách Hàn Quốc có những lời không hay về bánh mì trên đài truyền hình, sau khi trở về từ khu cách ly ở Đà Nẵng. Người Việt bỗng thấy thương cái áo bình dân mà bánh mì đang khoác.

Bánh mì trở thành một phần của đời sống. Không phải như thức ăn nhanh vẫn thường gắn với những thành phố phát triển và dòng người cần lao gấp gáp, bánh mì đi qua cả miền nông thôn lẫn thành thị, nằm trong tuổi thơ của những đứa trẻ, bữa ăn vội trên tay lái bác xe ôm, trong cặp của cô cậu sinh viên nghèo hay những buổi tối thình lình cúp điện... và nhiều hơn thế.

Tôi lớn lên ở Hội An, cái thị xã bé bé chỉ có một lò bánh mì. Thời ấy, những lò thủ công còn đỏ lửa, mỗi lần đi ngang qua lại hít hà mùi thơm của bột bánh.

Chẳng hiểu sao bánh ở đây được làm nhọn cả hai đầu, người ta nói đùa làm nhọn là để mấy ông thợ khi ngứa lưng thì gãi (!), nên khi ăn phải bẻ đi. Nhưng với con nít chúng tôi, ổ bánh mì giòn rụm chia đôi đã ít đi thì khó lòng bỏ thêm miếng nào được.

Những đứa trẻ có đủ mọi yêu cầu khi mua, có thể chỉ mua một ổ bánh mì không nhưng phải xẻ ra, chan nước thịt vào, lấn tới chút nữa thì xin thêm vài cọng rau và phải cắt đôi ra để chia cho lũ bạn. Người ta hay nói "tình bạn thời ổ bánh mì bẻ đôi" là thế.

Bánh mì là món ăn để chia sẻ, bằng một cách kỳ diệu nào đó, những thùng bánh mì miễn phí trên vỉa hè đều đầy ắp trở lại sau mỗi ngày.

Người ta nghĩ đến chuyện làm bánh mì thanh long để giải cứu nông dân làm lụng vất vả và cũng có những dòng người đứng xếp hàng dài để mua. Sự chia sẻ đã chìa ổ bánh ra với mọi người, hay thực ra bánh mì đã chìa tay bảo bọc chúng ta?

Sống giữa những câu chuyện như vậy, dù chẳng phải là món ăn cầu kỳ hay độc đáo, người Việt vẫn cứ dành một tình cảm đặc biệt cho bánh mì.

Chúng đã có chuyến phiêu lưu đến trời Tây, vài tiệm bánh mì được mở ở Mỹ, cái tên cũng được ghi vào từ điển Oxford, nhưng ổ bánh quét patê, cộm thịt rau vẫn là của người Việt và thuộc về những câu chuyện thân thương nơi vỉa hè.

Nếu ngày mai, câu chuyện quanh ổ bánh mì bớt giòn trên mạng, bánh mì lại trở về với góc phố yên bình của mình với mùi bột bánh thơm phức nằm trong ao ước bình dị của những đứa trẻ.

'Lên cơn thèm' với loạt tranh bánh mì khiến dân mạng ‘sôi sùng sục’

TTO - Bộ tranh Bánh mì Việt Nam được các nghệ sĩ trên cả nước giới thiệu mới đây đã khiến người xem bất ngờ lẫn 'lên cơn thèm' với một món ăn những tưởng hết sức gần gũi, bỗng nhiên được biến hóa rất độc đáo này.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên