15/04/2021 08:00 GMT+7

Người ứng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách từ những nguồn nào?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Phóng viên Tuổi Trẻ tổng hợp, phân tích để nhận diện gần 200 người ứng cử đại biểu chuyên trách Quốc hội khóa XV (đạt tỉ lệ cao nhất từ trước đến nay).

Người ứng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách từ những nguồn nào? - Ảnh 1.

Tại hội nghị hiệp thương lần thứ 2, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN đã chốt danh sách sơ bộ 130 người ứng cử ĐBQH chuyên trách ở trung ương - Ảnh: LÊ KIÊN

Ngày mai (16-4), Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN sẽ tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ 3 để chốt danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) được các cơ quan trung ương giới thiệu.

Mục tiêu yêu cầu của cuộc bầu cử là phải được tổ chức theo đúng quy định của pháp luật, phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo công khai minh bạch và an toàn.
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

Nhiều ĐBQH tái cử

Kết quả các hội nghị hiệp thương lần thứ 1, 2 cho thấy có 130 người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách được các cơ quan trung ương giới thiệu; trong khi đó, các tỉnh thành đã quy hoạch và giới thiệu 67 người ứng cử làm ĐBQH chuyên trách tại địa phương (Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hóa, Nghệ An được quy hoạch 2 đại biểu chuyên trách, các tỉnh thành còn lại được 1 người).

Trong số 130 người ứng cử ĐBQH chuyên trách ở trung ương, thống kê cho thấy nguồn tại chỗ của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chiếm số lượng đông đảo nhất (88 người). Trong số này, có 61 ĐBQH tái cử là các lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, các đại biểu chuyên trách đang làm việc tại các cơ quan của Quốc hội.

Số còn lại được quy hoạch nguồn từ lãnh đạo các cơ quan chuyên môn, cơ quan tham mưu, cơ quan truyền thông, gồm 2 phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, 11 vụ trưởng, 4 giám đốc (Thư viện, Trung tâm tin học, Trung tâm Thông tin khoa học lập pháp, Trung tâm Nghiên cứu khoa học lập pháp), phó tổng giám đốc Truyền hình Quốc hội, tổng biên tập báo Đại Biểu Nhân Dân, 5 trợ lý và thư ký của các phó chủ tịch Quốc hội...

Phân tích danh sách còn cho thấy trường hợp khá thú vị như có anh em ruột: ông Lò Việt Phương (vụ trưởng Vụ Dân nguyện) và bà Lò Thị Việt Hà (chánh văn phòng Đảng - đoàn thể, Văn phòng Quốc hội).

Nguồn thứ hai được quy hoạch, giới thiệu ứng cử làm ĐBQH chuyên trách là từ các bộ, ngành với 19 người, đa số đang giữ vị trí vụ trưởng, cục trưởng, cục phó. Trong đó, các bộ Công an, Tư pháp, Tài nguyên - môi trường, Kế hoạch - đầu tư, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đều "đóng góp" 2 ứng cử viên.

Nguồn thứ ba được "tiến cử" từ các địa phương với 9 ứng cử viên, chủ yếu là các phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách và ĐBQH tái cử (Bến Tre, Bắc Giang, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Tĩnh, Quảng Trị), giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt có Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường.

Khối Đảng và các đoàn thể có 9 người được giới thiệu ứng cử, gồm các vụ trưởng ở Ban Tổ chức trung ương, Ban Nội chính trung ương, trợ lý ủy viên Bộ Chính trị, Hội Chữ thập đỏ VN, Hội LHPN VN, Tổng liên đoàn Lao động VN, Liên minh Hợp tác xã VN. Đặc biệt, có ông Y Thanh Hà Niê Kđăm - bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương.

Quân đội có 4 ứng cử viên được quy hoạch làm đại biểu chuyên trách của Quốc hội, đặc biệt có phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - thượng tướng Trần Quang Phương và Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - trung tướng Trần Hồng Minh.

Đại học Quốc gia Hà Nội, đơn vị có truyền thống "tiến cử" ĐBQH chuyên trách cho Quốc hội, kỳ này có một ứng cử viên là giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp.

Đối với người ứng cử được quy hoạch làm ĐBQH chuyên trách ở địa phương, thống kê cho thấy 67 ứng cử viên đa số là lãnh đạo các sở, ban, ngành và lãnh đạo cấp huyện, tỉ lệ ĐBQH khóa XIV tái cử không nhiều.

Sau bầu cử, Quốc hội sẽ có thêm những vị trí lãnh đạo mới nào?

Tại kỳ họp thứ 11 vừa qua, sau khi kiện toàn bộ máy, hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm có: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; các phó chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định, Đỗ Bá Tỵ; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Lê Quang Huy; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Võ Trọng Việt; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến; Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Trong các thành viên nêu trên, các ông Đỗ Bá Tỵ, Hà Ngọc Chiến không tái cử, ông Võ Trọng Việt tái cử thuộc khối MTTQ VN (đại diện cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải đã được bầu làm phó chủ tịch Quốc hội.

Do đó, sau bầu cử, Quốc hội khóa XV sẽ kiện toàn 4 vị trí này với các ứng cử viên đã thấy rõ, gồm: Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - thượng tướng Trần Quang Phương, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - trung tướng Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường và Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương Y Thanh Hà Niê Kđăm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra công tác bầu cử tại Quảng Ninh

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia - cùng đoàn giám sát, kiểm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã làm việc tại tỉnh Quảng Ninh về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào sáng 14-4.

Trò chuyện với cử tri và nhân dân, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của cử tri trong việc lựa chọn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp thực sự xứng đáng.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn cử tri sẽ nghiên cứu, xem xét thật kỹ càng về từng ứng cử viên, danh sách người ứng cử trên phiếu bầu cử được xếp theo thứ tự ABC, không phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.

Từ đó, cử tri cần sáng suốt lựa chọn đại biểu đại diện cho mình tại Quốc hội, HĐND các cấp, vì quyền quyết định là của cử tri.

Người ứng cử ĐBQH và HĐND phải ghi rõ đang có hoặc đang xin gia nhập quốc tịch nước khác Người ứng cử ĐBQH và HĐND phải ghi rõ đang có hoặc đang xin gia nhập quốc tịch nước khác

TTO - Trong phần quốc tịch của đơn ứng cử, sơ yếu lý lịch, tiểu sử tóm tắt, nếu người ứng cử đang có cả quốc tịch nước khác hoặc đang làm thủ tục xin gia nhập quốc tịch khác thì ghi rõ thông tin về các quốc tịch này.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên