10/05/2009 02:20 GMT+7

Người tuần đường - Kỳ cuối: Dõi mắt canh tàu

TẤN ĐỨC - MỸ HẠNH
TẤN ĐỨC - MỸ HẠNH

TT - Những người gác chắn là người bạn song hành không thể thiếu của công nhân tuần đường, gác cầu đường để đảm bảo an toàn chạy tàu. Công việc của họ cũng là “lên ban”, làm việc cả ngày đêm, bất kể mưa nắng. Họ cũng chịu nhiều áp lực và thường xuyên đối mặt với nguy hiểm.

ouxLFiCh.jpgPhóng to
Dung đón tàu giữa đêm - Ảnh: Tấn Đức

Dưới chân cầu vượt

Gác chắn Sóng Thần, Bình Dương 20g đêm. Nhân viên gác chắn Đặng Thị Dung rướn người lấy hết sức kéo dàn chắn ngang, rồi tay cầm đèn giơ cao đón tàu. “Gác chắn đường ngang này mệt lắm, tuy là đường ngang cấp 3 nhưng thường xuyên xảy ra cảnh chen lấn xô đẩy dẫn đến ùn tắc, cao điểm nhất là từ 6g-8g và 19g-20g do công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất vào ca và tan ca. Có những lúc tụi mình phải nhờ sự can thiệp của lực lượng dân quân, dân phòng mới vãn hồi được trật tự”, Dung phân trần.

1.300

Đó là số nhân viên nữ làm nhiệm vụ gác chắn trong toàn ngành đường sắt.

Chốt gác nơi đây có ba người toàn nữ, Dung là người trẻ tuổi nhất và cũng là người ít thâm niên nhất. “Nơi đây nằm dưới chân cầu vượt nên phức tạp lắm, nhất là vào ban đêm có người hút chích, trộm cắp tập trung thường xuyên. Có nhiều lần nửa đêm nhìn ra thấy họ đứng lừ lừ trước mặt, tụi tôi sợ phát khiếp” - một đồng nghiệp của Dung nói thêm.

Ngày qua ngày công việc của Dung và các đồng nghiệp là “lên ban”, nhận kế hoạch tàu chạy, ngồi trực ban, nghe điện thoại xin đường từ nhà ga, kéo còi báo hiệu, kéo dàn chắn ngang, đứng cầm cờ đón từng chuyến tàu qua. “Công việc tưởng đơn giản, thế nhưng không biết bao nhiêu lần tụi tôi đối mặt với sự phàn nàn của người đi đường. Vừa rồi có một ông say rượu còn đòi đánh tụi tôi, phải nhờ sự can thiệp của những người xung quanh ông ta mới bỏ đi” - Dung kể.

Lại tiếng điện thoại reo vang. “Họ xin đường ấy mà. Thường thì bên nhà ga gần nhất sẽ gọi xin đường, rồi 10-15 phút sau họ gọi điện lần hai báo tàu chạy. Đôi khi họ cũng quên báo lại nên mình phải tập trung thật cao độ canh chừng tàu đến để hạ cần chắn sao cho tuyệt đối an toàn, nhưng không quá sớm tránh gây phiền lòng những người đang đi trên đường bộ”. Dung vừa nói vừa ghi vội vào sổ trực. Rồi cô tất tả rời vị trí, bước ra kéo còi báo tín hiệu, thắp đèn kéo dàn chắn ngang. Đã nghe tiếng còi tàu thế mà vẫn có mấy người tìm cách lách xe máy, vượt dàn chắn, thậm chí còn vác cả xe đạp chạy băng qua dàn chắn. Chứng kiến cảnh này tôi vội đưa máy lên chụp hình thì nghe có tiếng dọa: “Muốn đập vỡ máy không?”. Giật mình nhìn lại đã thấy Dung chỉnh tề mũ nón, tay cầm đèn giơ cao và đón tàu.

O3FelSaI.jpgPhóng to

Thảo làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn chạy tàu -Ảnh: Tấn Đức

Lo cho đoàn tàu đi

Dung quê Thanh Hóa. Hồi mới vào Bình Dương, Dung làm công nhân một công ty chuyên về lắp ráp điện tử. Những ngày dài tăng ca từ sáng đến khuya cũng chẳng dư dả chút nào, cô xin vào làm công nhân gác chắn. Vào ngành đường sắt một năm, Dung gặp anh Phạm Văn Công, cũng từ miền Bắc vào làm công nhân duy tu cầu đường. Lấy chồng, sinh con, ở nhà tập thể.

Một tháng 20 ngày Dung “lên ban”, còn chồng làm công việc duy tu nặng nhọc, vất vả, thường xuyên vắng nhà. Lương hai vợ chồng ngót nghét 4 triệu đồng/tháng, chẳng dư dả gì, đành gửi con về quê nhờ ông bà nội chăm sóc. Hướng đôi mắt theo dõi tàu, Dung cho biết ban đêm, nhất là những ngày cận tết, nhìn những đoàn tàu đi qua cô nhớ quê và nhớ con dữ lắm, chỉ mong sớm được về quê thăm mẹ thăm con, nhưng đã nhận công việc, nhận trách nhiệm rồi đành phải gác tình cảm riêng tư. Ước mong của Dung là mai này hai vợ chồng cố gắng dành dụm được ít tiền tìm mua miếng đất để làm nhà và đón con vào sum vầy.

Câu chuyện mưu sinh của công nhân gác chắn Nguyễn Thị Thảo ở chốt gác trên đường Hoàng Diệu (đội quản lý đường sắt Long Khánh) càng khó khăn hơn. Cũng như Dung, việc hằng ngày của Thảo là đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu và việc qua lại trên đường Hoàng Diệu. 30 tuổi nhưng Thảo đã hơn 11 năm gắn bó với gác chắn. Chồng làm công nhân chẻ đá, thu nhập hai người gộp lại chỉ đủ lo cho hai con đang độ tuổi ăn học, vậy mà Thảo còn lo chu toàn cho mẹ già bệnh nặng. Sau giờ xuống ca mỗi tối, Thảo lại tất tả chạy ra chợ mua vội thức ăn rồi chạy về nhà lo cơm nước cho mẹ.

Mẹ Thảo, bà Đoàn Thị Có, 60 tuổi, là công nhân từng tham gia tái thiết đường sắt trong khu Rừng Lá khắc nghiệt những năm đầu sau ngày miền Nam giải phóng, sau đó về đây làm công nhân gác chắn. Một buổi trưa nắng gắt của năm 1994, sau khi kéo đóng dàn chắn hai bên đường ngang an toàn, bà Có đã ngã gục bên dàn chắn do tai biến mạch máu. Sau hơn 20 năm gắn bó với gác chắn, giờ đây bà trải dài thời gian trên giường bệnh.

Hết giờ “lên ban”, Thảo đưa tôi về thăm mẹ. Bà Có cố gắng ngồi dậy, hai tay run run, nghẹn ngào: “Cả một đời gắn bó với nghề, giá như bây giờ đôi mắt tôi còn thấy đường thấy sá thì tôi sẽ tiếp tục đi làm”. Hai thế hệ cùng làm gác chắn, đời sống chật vật nhưng Thảo nói vẫn sẽ tiếp tục công việc của mẹ. “Công việc gác chắn vất vả nhưng cứ mỗi lần đoàn tàu đi qua an toàn là lòng lại cảm thấy vui. Góp phần lo được an toàn cho hành khách cả đoàn tàu là một vinh dự với người làm gác chắn như tôi”, Thảo nói. Và không chỉ Thảo, còn rất nhiều “bóng hồng” khác đang lặng lẽ làm nhiệm vụ đưa những đoàn tàu đi.

_____________________________

Đón đọc số tới: Theo chân hàng Trung Quốc vào Việt Nam

Quảng Châu từ xa xưa đã được xem là điểm khởi đầu của “con đường tơ lụa” đưa hàng hóa đi khắp thế giới. Và ngày nay, Quảng Châu - trung tâm cung ứng hàng hóa lớn nhất nhì châu Á - cũng là nơi có thể xuất phát những con đường hàng hóa đi mọi nơi.

Phóng viên Tuổi Trẻ đã đến Quảng Châu để tìm hiểu con đường đưa hàng hóa Trung Quốc thâm nhập thị trường Việt Nam như thế nào.

TẤN ĐỨC - MỸ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên