01/01/2022 09:02 GMT+7

Người trẻ Hà thành phi ngựa, bắn cung

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Những bạn trẻ Hà Nội đam mê thể thao khoác cổ phục uy nghi, lưng đeo cung tên, phóng lên ngựa một cách điệu nghệ. Như kỵ sĩ, họ thực hiện các đường cung bên phải, bên trái, trước, sau một cách điêu luyện trên lưng ngựa đang phi nước đại.

Người trẻ Hà thành phi ngựa, bắn cung - Ảnh 1.

Lễ diễu hành chào hỏi, khởi động của đội thể thao kỵ xạ - Ảnh: NVCC

Đây là môn thể thao thú vị, rất có lợi cho sức khỏe và tinh thần, được nhiều bạn trẻ đam mê. Chúng tôi luôn mở rộng sân chơi và khuyến khích các bạn trẻ thử sức.

Nguyễn Thị Hòa Hợp

Đây chính là nghệ thuật kỵ xạ - cưỡi ngựa bắn cung với bộ cung tên đơn giản nhưng đòi hỏi kỹ thuật bắn lại không hề giản đơn. Môn thể thao gần gũi thiên nhiên đang hấp dẫn nhiều người trẻ rèn luyện cả trí, lực và các kỹ thuật bổ ích cho người tập...

Rèn luyện sức khỏe trên lưng ngựa

Câu lạc bộ (CLB) ngựa Hà Nội vừa có buổi biểu diễn bắn cung trên lưng ngựa, phục dựng lại hình ảnh kỵ sĩ trong kỳ thi của các võ quan thời xưa. 

Gần 10 thành viên CLB đã tham gia trình diễn một cách hào hứng trên sân cỏ lau ở huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội, trong đó có thành viên mới chỉ học lớp 7.

Mở đầu bằng hình ảnh đoàn quân người ngựa tiến ra từ trong bãi lau lách, người dẫn đường cầm cờ hiệu bay phấp phới như thuở xưa. 

Các kỵ sĩ trong bộ cổ phục, sau khi chạy một vòng làm nghi lễ chào hỏi, từng người biểu diễn màn phi ngựa bắn cung, múa thương và kiếm một cách đẹp mắt. Có hai đường chạy: đường tròn đồng tâm và đường chạy thẳng bên ngoài.

Đường tròn được cố định bằng hàng rào thân tre, bia tên được cắm ở chính giữa. Người đầu tiên cho ngựa vào vòng tròn rồi điều khiển cho ngựa chạy nước kiệu giống như bước dạo. 

Khi người và ngựa đã sẵn sàng màn trình diễn, kỵ sĩ thúc cho ngựa phi nước đại. Khi đạt tốc độ tối đa, người và ngựa hòa quyện vào nhau ăn ý.

Lúc này kỵ sĩ hai tay thả dây cương, nâng cung rút tên ráp vào nhau. Ngựa cứ chạy, kỵ sĩ giương cung chọn góc thích hợp ngắm bắn vào bia sao cho mũi tên cắm vào vòng hồng tâm. Mũi tên cắm vào gần nhất hoặc trúng hồng tâm là đạt giỏi hoặc xuất sắc.

Kỵ sĩ thay đổi tư thế, góc bắn một cách điệu nghệ. Lúc nhắm bắn phía trước, lúc nhắm bên hông, khi lại vòng cung tên ra phía sau bắn mà không cần nhắm. Dùng trực quan để thực hiện thao tác, kỹ thuật và trình độ thể hiện ở đường tên khó này.

"Để thực hiện tốt mọi góc bắn, điều quan trọng nhất là người và ngựa phải hiểu ý nhau. Ngựa phi đạt tốc độ phù hợp và giữ ở thế cân bằng vận tốc. Người và ngựa hợp nhịp, lúc này cung thủ mới thực hiện các góc bắn theo ý của mình.

Điều quan trọng là không làm ngựa bị bất ngờ, giật mình. Nếu ngựa không hợp tác sẽ khó mà thực hiện được"- anh Phạm Văn Phúc, huấn luyện viên đội kỵ xạ, chia sẻ kinh nghiệm.

Theo anh Phúc, chạy đường thẳng còn khó hơn vì bên ngoài vòng tròn ngựa chạy tự do và có nhiều tình huống gây cản trở. Kỵ sĩ phải làm chủ được việc điều khiển ngựa mới có thể thực hiện các bài bắn cung, múa thương múa kiếm một cách dễ dàng.

Người trẻ Hà thành phi ngựa, bắn cung - Ảnh 3.

Ngoài mê thể thao, nhiều thành viên môn cưỡi ngựa, bắn cung còn yêu thích lịch sử nước nhà - Ảnh: NVCC

Phục hồi lại môn kỵ xạ xưa

Với những bạn trẻ mê môn thể thao cưỡi ngựa, đây là loài vật dễ gần và thân thiện với con người. Từ xưa đã được người dân vùng đồi núi, thảo nguyên thuần hóa làm vật di chuyển và vận chuyển hàng hóa.

Nhờ đặc tính nhanh, khỏe, biết nghe lời, ngựa được huấn luyện trở thành những đội kỵ binh lớn mạnh trong chiến tranh. Kỵ xạ trên lưng ngựa là một chiến thuật về cách đánh được tướng lĩnh lựa chọn, rèn luyện cho đội quân thiện chiến. 

Từ năm 1912 tới nay, cưỡi ngựa nghệ thuật trở thành môn thể thao tranh tài chính thức tại các kỳ Thế vận hội.

Ở một số quốc gia, kỵ xạ được phục dựng lại trong các lễ hội truyền thống để tưởng nhớ hình ảnh kỵ sĩ với tài nghệ bắn cung trên lưng ngựa. Một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc còn duy trì môn thi truyền thống này. 

Ở Việt Nam, có địa phương như Đình Vồng, huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) vẫn có tục đua ngựa, bắn cung trong hội làng.

Hiện nay, một số tỉnh thành đã lập CLB ngựa phục vụ du lịch và thể thao, riêng CLB ngựa Hà Nội bắt đầu khôi phục lại môn kỵ xạ hơn một năm nay. 

"Chúng tôi muốn khôi phục nội dung kỵ xạ từ lâu, nhưng việc tìm được thành viên thực hiện không dễ. Bộ môn này đòi hỏi người chơi phải thạo cả hai môn bắn cung và cưỡi ngựa. Thích thôi chưa đủ, mà phải trải qua tập luyện rất nhiều" - chị Nguyễn Thị Hòa Hợp, chủ CLB ngựa Hà Nội, chia sẻ.

Thể thao kết hợp trí và lực

"Để có thể thực hiện được bộ môn này đòi hỏi học viên phải tập luyện trong quãng thời gian 6 tháng đến một năm, nhưng với điều kiện bắn cung và cưỡi ngựa đã thành thục trước đó" - anh Phúc nói thêm môn này "kén" cả người và ngựa, không phải ai cũng theo được và không phải con ngựa nào cũng chịu hợp tác. 

Trong hơn 100 thành viên CLB, chỉ khoảng 10 người có thể thực hiện được kỵ xạ. Đàn ngựa CLB gần 30 con, nhưng chỉ có 5 con có thể thực hiện tốt bộ môn này.

Kỵ xạ là môn thể thao kết hợp giữa trí và lực, người tham gia rèn luyện sức khỏe nhờ động tác đánh hông lên xuống theo nhịp ngựa phi. Tập giao tiếp với ngựa qua các động tác ra hiệu, tập điều khiển cơ thể linh hoạt khi thả dây cương. Cuối cùng là tập trung cao độ khi giương cung chọn góc bắn.

"Lúc đó, người và ngựa đã hòa làm một, tôi có thể nhìn thấy bên trong bản thân sự tĩnh lặng, không còn nghĩ điều gì khác" - anh Nguyễn Ngọc Tân, một thành viên nhóm kỵ xạ, cho biết đây là môn giúp anh rèn luyện tính tập trung rất tốt.

Bộ trang phục cổ cũng làm anh Tân khá thích thú, vì khi mặc anh có cảm giác như mình đang được bảo vệ bởi lớp áo giáp vững chãi. 

Việc phục dựng lại kỵ xạ cổ làm cho câu chuyện lịch sử trở nên sống động với người trẻ, anh Tân cũng là người mê sử nên rất hào hứng với môn thể thao này.

Ý tưởng đưa kỵ xạ cổ trở lại là anh Phúc, vì anh đang tham gia một CLB của những người trẻ yêu thích cổ vật và tìm cách phục dựng chúng. 

"Chúng tôi có tìm hiểu về cung cổ, phục chế lại và đã tập luyện kỹ ở CLB Long Thành xạ nghệ. Tình cờ khi chơi môn thể thao cưỡi ngựa, tôi muốn kết hợp chúng và thực sự bị lôi cuốn bởi kỹ thuật kỵ xạ" - anh Phúc cười nói.

Cung cổ làm rất đơn giản, không giống cung thể thao hiện đại có phụ kiện như trợ lực hay ống ngắm chuyên nghiệp. Nhưng chính sự đơn giản lại đòi hỏi kỹ thuật của người chơi nhiều hơn, khả năng điều khiển đường cung khi ngựa đang phi nước đại.

Ngoài bắn cung, các thành viên còn thực hiện màn múa thương và kiếm trên lưng ngựa một cách điệu nghệ, rất có ích cho rèn luyện sức khỏe và tinh thần.

Kỵ xạ 13 tuổi

ky xa 3(read-only)

Với các bạn trẻ, cưỡi ngựa, bắn cung luyện cả sức khỏe và tinh thần - Ảnh: NVCC

Trong nhóm kỵ xạ có một thành viên mới học lớp 7 nhưng cưỡi ngựa bắn cung khá thuần thục. Đó là Gia Khánh, con trai của chủ CLB ngựa. "Môn này em rất thích vì nó hay, mức độ khó hơn bài tập khác như cho ngựa vượt rào. Các bạn trong lớp của em cũng thích môn cưỡi ngựa bắn cung" - Khánh khoe.

Khám phá Khám phá 'thế giới bút chì màu' ở Hà thành

TTO - Bước vào căn phòng nhỏ, bạn như đang lạc vào một thế giới đầy màu sắc, thỏa sức ngắm nghía chiếc bình tì bà duyên dáng, bình khổng tước hay những chiếc bàn trà có kích thước lớn nhỏ khác nhau… Tất cả đều được làm từ những chiếc bút chì màu.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên