19/07/2019 10:40 GMT+7

Người Thái sốc khi thấy cá tôm chết dưới đáy sông Mekong khô cạn

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Các chuyên gia lo ngại những ảnh hưởng trực tiếp của hệ thống đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong bắt đầu biểu hiện rõ, báo hiệu một tương lai bất định cho cả khu vực.

Người Thái sốc khi thấy cá tôm chết dưới đáy sông Mekong khô cạn - Ảnh 1.

Nước từ thượng nguồn không về, cá tôm chết khô dưới đáy sông Mekong đoạn chảy qua Thái Lan - Ảnh: THE NATION

Theo báo The Nation, ông Somkiat Prajumwong - tổng thư ký Văn phòng Tài nguyên nước quốc gia Thái Lan (ONWR), vừa lên tiếng trấn an người dân rằng mực nước sông Mekong ở Thái sẽ sớm hồi phục sau khi xuống thấp kỷ lục trong tuần này do ảnh hưởng của đập thủy điện trên thượng nguồn.

Trong tuần này, nước sông Mekong đoạn chảy qua biên giới Lào - Thái Lan ở khu vực đông bắc giảm xuống mức báo động do đập Cảnh Hồng ở Trung Quốc giảm xả nước, còn đập Xayaburi ở Lào bắt đầu vận hành thử nghiệm.

Ông Somkiat thừa nhận chính quyền Thái "không có biện pháp nào" để đối phó mực nước thay đổi nhanh, chỉ khẳng định dòng sông sẽ sớm "trở lại bình thường" sau khi Cảnh Hồng xả nước đều trở lại, còn đập Xayaburi cũng sớm hoàn tất thử nghiệm.

Trước đó, Ủy hội sông Mekong (MRC) thông báo Trung Quốc đã giảm một nửa lượng nước xả từ đập Cảnh Hồng để bảo trì hệ thống truyền tải điện từ ngày 5 đến 17-7. Trong khi đó, đập Xayaburi ở Lào cũng tiến hành chạy thử tuôcbin phát điện thứ 5 trong 72 giờ, kết thúc vào hôm nay (19-7).

"Tôi kêu gọi mọi người chờ đợi thêm ít lâu vì sông Mekong sẽ trở lại bình thường trong vài ngày. Đập Xayaburi không thể giữ nước lâu hơn 24 giờ, do đó nước xả từ Trung Quốc sẽ sớm về đến hạ nguồn" - ông Somkiat thông báo.

Người Thái sốc khi thấy cá tôm chết dưới đáy sông Mekong khô cạn - Ảnh 2.

Sông Mekong ở Thái Lan trơ đáy ngay trong mùa mưa - Ảnh: THE NATION

Vị quan chức Thái bổ sung thêm: đập Xayaburi sẽ bắt đầu vận hành toàn phần từ tháng 10 năm nay và chính quyền Thái sẽ nhận được thông tin về lịch xả nước, sự thay đổi về mực nước thông qua đơn vị đồng vận hành là Cơ quan Phát điện Thái Lan (Egat).

Trước quan ngại về tác động môi trường của thủy điện sông Mekong từ tổ chức Mạng lưới người Thái ở tám tỉnh Mekong, Egat cho rằng tác động của đập Xayaburi sẽ ở "mức nhỏ" và được khoanh vùng, không gây ảnh hưởng đến người dân sống dưới hạ nguồn ở Thái Lan.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động chỉ ra mực nước thấp bất thường của sông Mekong ngay trong mùa mưa này là dấu hiệu rất rõ cho thấy tác động trực tiếp của siêu đập Xayaburi trên thượng nguồn.

Ông Chainarong Setthachua, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Maha Sarakham (Thái Lan), cho biết ông cảm thấy choáng váng khi nhìn thấy ảnh hưởng thảm họa do các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong gây ra.

Chuyên gia Chainarong cho biết thay đổi quá lớn về mực nước đã làm suy giảm lượng cá sông Mekong, nguồn dinh dưỡng chính của 60 triệu người sống ở lưu vực. 

Nếu các nước Mekong không chịu từ bỏ tất cả dự án thủy điện để hồi phục hệ sinh thái, tương lai của các thế hệ sau vô cùng bất định.

Thủy điện thượng nguồn Mekong làm giảm 90% phù sa ĐBSCL Thủy điện thượng nguồn Mekong làm giảm 90% phù sa ĐBSCL

TTO - Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong cho thấy nếu thượng nguồn sông Mekong phát triển đủ thủy điện, tổng lượng phù sa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị suy giảm tới 90%.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên