26/11/2020 09:43 GMT+7

'Người rừng' Hồ Văn Lang: ngày ấy và bây giờ

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Bảy năm trước, 'người rừng' Hồ Văn Lang rời đại ngàn, ngơ ngác như đứa trẻ, thấy gì cũng lạ cũng sợ. Nhưng giờ ở tuổi 51, anh đã có cuộc sống mới, biết nuôi trâu, trồng chuối bán và chẳng muốn trở lại rừng già.

Người rừng Hồ Văn Lang: ngày ấy và bây giờ - Ảnh 1.

Ngày anh Lang còn đóng khố và được đưa về làng - Ảnh: VÕ MINH

Hàng chục năm ở rừng chẳng tiếp xúc với ai và chỉ bập bẹ được ít từ không tròn âm rõ nghĩa, giờ anh Lang đã làu làu chuyện trò tiếng đồng bào Cor của mình, còn tiếng Kinh anh bắt đầu bập bẹ. Sự khởi đầu mới muộn màng nhưng không ngăn được khát khao cuộc sống vui vẻ, hòa nhập của "người rừng" năm nào.

Khởi đầu muộn màng

Xã Trà Phong, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi mùa này trời lạnh căm, ánh mặt trời không thể ngăn được cảm giác tê buốt ở những đầu ngón tay. "Người rừng" Hồ Văn Lang đón khách lạ bằng nụ cười thân thiện. Anh chẳng còn sợ hãi người lạ như trước đây nữa mà vui vẻ mời khách nhai trầu, rồi cười phá lên khi thấy chúng tôi nhăn mặt với độ cay nồng trong món khoái khẩu của mình. "Ngon mà" - Lang nói tiếng Kinh lơ lớ.

Anh Hồ Văn Tri, em trai anh Lang, ngồi bên cạnh cũng cười theo. Trong câu chuyện về anh trai mình, anh Tri kể lúc mới đưa anh về gia đình thì tiếng Cor anh chỉ nói được vài từ, tiếng Kinh hoàn toàn không nói được. Một năm đầu tiên, anh Lang đối diện với bệnh tật liên tục, năm thứ hai đang hòa nhập với cuộc sống mới thì bất ngờ anh Lang và ông Hồ Văn Thanh - cha anh Lang - muốn rời làng vào lại căn chòi trên đọt cây gắn bó 40 năm trước.

"Lúc đó tôi phát hiện nên ngăn lại, động viên mãi cha và anh trai mới thôi ý định. Đến năm thứ ba về làng, cha và anh Lang đào hố, tính dựng trụ làm chòi như trước sống. Tôi không cho khiến cha và anh rất buồn, cứ nhìn mãi về núi" - anh Tri tâm sự.

41 năm ở rừng, thời gian đủ dài để cha con "người rừng" nhớ nhung núi thẳm. Năm 2017, ông Thanh qua đời, người Cor chứng kiến sự suy sụp của "người rừng"; anh ngồi bó gối, im bặt trước bất kỳ lời động viên nào. Mấy tháng ròng anh Lang lặng lẽ trước bàn thờ của cha, không muốn tiếp xúc với bất kỳ ai. Anh Tri và người làng cũng hết cách an ủi, họ để anh Lang tự chữa lành cảm xúc của mình. Mãi cho đến một ngày, trong làng có một buổi tiệc rượu, anh Lang tìm đến khiến mọi người bất ngờ. 

"Anh Lang đã chấp nhận chuyện cha mất, từ đó anh có những thay đổi không ngừng. Tôi nghĩ năm 2017 anh ấy mới thật sự khởi đầu lại cuộc đời mình, thoát khỏi bóng núi vẫn tồn tại trong lòng lâu nay" - anh Tri chia sẻ.

Từng sống giữa rừng già tự cấp tự túc nên việc rẫy rừng anh Lang rất thạo. Trong khu rẫy của gia đình mình, anh trồng rất nhiều loại cây khác nhau. Người Cor giỏi làm rẫy, nhưng chẳng ai qua được anh Lang. Anh biết nuôi gà, nuôi trâu, trồng rau, chuối để bán. Nhịp sống trôi đi như suối nguồn, mở lòng ra anh Lang nhanh chóng thông thạo tiếng Cor. 

"Người rừng" ngờ nghệch như một đứa trẻ ngày nào giờ không hỏi "tiền để làm gì?" nữa, chỉ có điều anh vẫn chưa hiểu mệnh giá. Chính điều này dẫn đến những chuyện buồn cười. Có lần anh Tri đưa tiền nhờ anh Lang đi mua muối, anh đưa tiền và chủ cửa hàng tạp hóa bán hẳn 10 gói, anh mang về nhà và mất bốn tháng mới ăn hết chỗ muối ấy.

Ở tuổi 51, anh Lang mở ra một chương mới của đời mình. Những tiếng Kinh rời rạc anh phát ra cũng đủ để anh Tri kỳ vọng anh trai sẽ nói chuyện được với mọi người mà chẳng cần anh phiên dịch như bây giờ. Nụ cười nở trên môi anh Tri lúc anh Lang nói "ngon mà" có lẽ đến từ niềm tin anh trai mình sẽ hòa nhập với cuộc sống mới trọn vẹn nhất.

Người rừng Hồ Văn Lang: ngày ấy và bây giờ - Ảnh 2.

Giờ anh Lang đã hòa nhập với mọi người và làm rẫy kiếm sống - Ảnh: TRẦN MAI

Ở làng có trẻ con vui lắm

Bọn trẻ người Cor thấy có khách đến thăm anh Lang cứ cười chọc ghẹo: "Hồ Lang - hàng lô". Anh Lang hiểu được, nhoẻn miệng cười. Anh nói một tràng tiếng Cor, đại ý là anh vẫn còn "gin" chứ chưa có "lô". Đã một thời, anh Lang mong tìm cho mình một tổ ấm riêng tư. Nhưng vẫn chưa cô gái nào mở lòng đón nhận anh. Mong muốn ấy cũng chìm vào sương núi. Bây giờ, anh Lang chỉ muốn sống cùng gia đình em trai, bọn trẻ trong làng như con cháu. Anh mở lòng trước những lời bông đùa của bọn trẻ, không còn cục súc, khó chịu như trước đây nữa.

Hoàng hôn nơi triền tây xứ Quảng Ngãi buông bóng nắng xuyên qua tán rừng tạo thành vệt sáng tối đối lập. Thứ ánh sáng mờ mờ của buổi chiều sơn cước lẫn với khói bếp phả ra từ những nóc nhà. Anh Lang cũng vào bếp nấu ăn. Bữa cơm hôm nay có rau rừng và cá kho mà anh Lang nấu có vị rất ngon và vừa miệng.

Anh Tri bảo rằng anh Lang rất thích nấu ăn. Trước đây, mỗi lần anh Lang vào bếp là hôm đó món nào cũng đầy nước lúc mặn, lúc nhạt. Dần dà, anh Lang hiểu được nấu ăn không phải nấu chín và nhìn em dâu nấu rồi bắt chước theo. 

"Gần hai năm nay, anh Lang nấu ăn ngon nhất nhà, vượt mặt vợ tôi luôn" - anh Tri cười nói.

Bữa cơm chiều của "người rừng" và em trai qua đi, hai anh em ngồi tựa vào vách tường trò chuyện bằng ngôn ngữ của đồng bào mình. Buồng chuối anh Lang vừa mang về thương lái cũng đã mua, vài chục nghìn đồng được trả là thành quả mấy tháng trời anh Lang chăm bẵm. Chúng tôi hỏi anh Lang còn nhớ rừng không, anh Tri dịch lại rằng vẫn nhớ nhưng anh Lang không còn muốn sống tách biệt nữa.

Bộ quần áo, chiếc mũ ai đó tặng anh Lang luôn đội trên đầu xóa đi hình ảnh "người rừng" ngày nào dùng vỏ cây đóng khố. Và anh Lang cũng luôn nở nụ cười với khách lạ...

Nguồn gốc người rừng

48 năm trước, nghe tiếng bom giội ở phía làng mình, ông Hồ Văn Thanh, một du kích tham gia kháng chiến chống Mỹ, chạy về nhà thì thấy mẹ và hai con trai lớn đã chết. Ông Thanh đưa vợ cùng hai con Lang, Tri sang nơi khác sinh sống. Trong một lần động kinh, ông Thanh đã đánh vợ ngất xỉu rồi ôm Lang vào rừng.

Sau đó, ông có quay lại làng tìm vợ nhưng người làng sợ ông lên cơn đánh vợ nên nói dối "Vợ mày chết rồi". Từ đó, ông Thanh cùng con trai sống biệt lập trong rừng ở xã Trà Xinh, huyện Trà Bồng. Ban đầu ở gần bìa rừng, nhưng dân phát rẫy trồng lúa nên ông Thanh đưa con vào sâu trong rừng.

Năm 12 tuổi, Tri cùng bác ruột mới vào rừng sâu tìm cha và anh trai nhưng ông Thanh không nhận ra con mình. Sau lần đó, mỗi năm Tri vào rừng hai lần mang theo gạo, muối, dầu hỏa... tiếp tế cho cha và anh trai. Năm 2013, khi ông Thanh già yếu, gia đình cùng chính quyền địa phương quyết định vào rừng sâu đưa hai cha con về làng. Những tháng ngày về làng, ông Thanh thu mình và ôm nỗi nhớ rừng cho đến khi qua đời.

Đã biết nấu ăn ngon

nguoi rung 5

Mới rời rừng, anh Lang đã được ăn chén cơm ngon - Ảnh: H.C.

Dù thích người làng, thích trẻ con nhưng phần lớn thời gian anh Lang sống ở chiếc chòi trên rẫy. Chỉ khác xưa là căn chòi ấy không thẳm sâu giữa rừng mà cách cầu sông Tang chừng 1km. Mỗi tháng anh Lang về nhà vài lần, chủ yếu mang nông sản về bán.

Anh Tri cũng muốn anh trai sống cuộc đời hạnh phúc nhất nên cũng chẳng ép anh trai ở lại làng nếu không muốn. Thương anh từng biệt lập rừng sâu tận hàng chục năm, ngày nào anh Tri cũng vượt 4km từ nhà lên rẫy thăm anh. Dẫu sao, con đường ấy cũng quá gần so với đoạn núi thăm thẳm anh Tri từng vào tiếp tế cho anh trai và cha sống ẩn mình giữa thâm sơn trước đây.

Bí ẩn về “cô gái người rừng” Bí ẩn về “cô gái người rừng”

TTO - Năm 2007, một tốp thợ săn ở Campuchia phát hiện một “cô gái người rừng”, người này sau đó được một gia đình Campuchia nhận là con đẻ của họ và đưa về nuôi nấng. Câu chuyện này đã gây chấn động dư luận một thời.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên