05/01/2020 09:19 GMT+7

Người mở đường đưa đặc sản H’rê vào mâm cỗ Tết

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Đây là cái tết thứ ba đồng bào dân tộc thiểu số H’rê (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) mang đặc sản xứ sở như rau dớn, bắp chuối rừng, gà H’rê, heo tộc... phục vụ tết khắp Tổ quốc.

Người mở đường đưa đặc sản H’rê vào mâm cỗ Tết - Ảnh 1.

Ông Phùng Tô Long (phải) kiểm tra việc đóng gói hàng cung ứng cho siêu thị - Ảnh: TRẦN MAI

Ông Phùng Tô Long (48 tuổi) - phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hà - được xem là người đã mở "kho vàng" của núi rừng, biến những món ăn dân dã của đồng bào H’rê thành món hàng thương phẩm đáng giá và xem đây là cú hích cho sự phát triển kinh tế địa phương.

Trái ớt núi, cọng rau rừng ra siêu thị

Đường về huyện miền núi Sơn Hà mưa lất phất, không khí Tết cảm nhận rõ nét nhất ở điểm mua sản phẩm núi rừng cung ứng cho siêu thị khi mọi người đang tất bật đóng gói, kiểm tra hàng chuyển vào kho trữ chuẩn bị chuyển đi. 

Ông Long mấy ngày qua cũng chạy đôn chạy đáo đến các bản làng kiểm tra hàng hóa, sẵn sàng đặc sản cung cấp cho siêu thị phục vụ Tết. Ông phó chủ tịch huyện nở nụ cười mãn nguyện với chuỗi cung ứng sản phẩm mà đồng bào H’rê đã trở nên thành thục.

Tết Nguyên đán với ông Long là điều đặc biệt, bởi mùa xuân cách đây hai năm đã khởi đầu một cuộc đổi thay thật sự với huyện Sơn Hà. Năm đó, cũng vào những ngày cuối năm, ông Long mang rau dớn, bắp chuối, gà, ớt... chào mời với đại diện siêu thị Big C và được chấp nhận. 

Vài trăm ký hàng được vào một góc trưng bày và đã hết ngay vào buổi chiều. "Tết năm 2018, chúng tôi huy động cả huyện gom hàng, thật không thể ngờ trái ớt núi, cọng rau rừng lại bán chạy đến vậy" - ông Long nói.

Từ cái Tết ấy, đến nay huyện Sơn Hà đã gửi hơn 100 tấn đặc sản núi rừng vào siêu thị. Những hợp tác xã của huyện Sơn Hà cũng đã được thành lập với những xã viên là người đồng bào H’rê đầy nhiệt huyết.

Người dân cảm ơn ông Long

Năm nay, ông Long đang lo chuyện thiếu hàng. Chuyện này nếu nói vào ba năm trước thì nghe như lời "bốc phét". Lúc đó, ông Long manh nha ý tưởng biến những cây, con có sẵn của địa phương thành thế mạnh xóa đói giảm nghèo thay cho việc tìm kiếm mô hình về gá ghép vào huyện nhà.

Để có được khoảng 200 nhóm hộ, hợp tác xã làm đầu mối và lôi kéo người của làng mình cùng tham gia "vệ tinh" tạo ra sản phẩm không phải chuyện giản đơn. Chẳng biết bao nhiêu ngày cuối tuần ông Long vào làng thuyết phục người dân nuôi trồng với số lượng lớn, rồi bị cười khẩy khi người dân bảo bắp chuối rừng, rau dớn, ớt rừng, bồ ngót rừng... có đầy ở trên núi, ông Long lên đó hái về mà bán. 

"Tôi vẫn nhớ có một ông lão uống ngà ngà say, khi nghe nói chuyện trồng rau dớn bán đã cười khà khà và nói sống đến gần chết rồi, hái ra đường bán còn không hết mà bày vẽ trồng cho nhiều" - ông Long nhớ lại.

Có ở miền núi, sống cùng người đồng bào mới thấy được thành quả ngày hôm nay là một sự kiên nhẫn đáng nể của ông Long. Trình độ dân trí thấp, mù mờ thông tin thị trường là trở lực lớn. Chính điều này đã biến bao nhiêu mô hình xóa đói giảm nghèo đưa về Sơn Hà chỉ dừng lại ở... mô hình. Vốn liếng của Nhà nước và tâm huyết của nhiều cán bộ trở về con số không khi người H’rê chẳng mấy mặn mà.

Anh Đinh Văn Đẽo (xã Sơn Trung) cũng từng cho rằng ý tưởng lấy mấy thứ rau vùng núi này ra siêu thị là hão huyền. Vậy mà bây giờ anh Đẽo là trưởng nhóm thu hái và trồng đặc sản rừng ở xã Sơn Trung: "Hồi đó tôi không tin vì chẳng biết siêu thị là gì, sợ hái ra không ai mua tốn công. Sau đó, con tôi coi trên mạng thấy anh Long thông báo mua 100kg rau dớn, cả nhà xúm đi hái và bán được thật. Giờ cả làng cùng làm, ngày nào cũng kiếm được hơn trăm nghìn. Vui lắm, cảm ơn anh Long giúp bà con".

Để bà con tin tưởng hơn, ngoài việc kiếm nguồn mượn vốn cho dân, có trường hợp ông Long còn trực tiếp góp vốn làm ăn chung, người dân mới tin tưởng làm theo. "Nói góp vốn chớ tôi có đồng lời nào đâu, chủ yếu để người dân tin tưởng. Sau khi thành công thì tôi rút để người dân tự liên kết với nhau" - ông Long nói.

Thêm một cái Tết mà đặc sản H’rê vào mâm cỗ khắp Tổ quốc, và trong đầu ông Long cũng có những dự tính lớn hơn cho sản phẩm của địa phương. Sẽ không còn là chuyện mỗi tháng cung ứng 4 tấn hàng nữa, mà tăng lên 8 tấn khi những hợp tác xã và những nhóm hộ bắt đầu biết chăm bẵm cho từng cọng rau, con vật của xứ sở mình phát triển với quy mô lớn.

"Tôi hi vọng sau mỗi cái Tết chúng tôi còn thêm sự lớn mạnh trong chuỗi cung ứng sản phẩm của mình. Hiện chúng tôi đã đa dạng sản phẩm lên khoảng 20 loại khác nhau. Tết này có thêm chè lá Dung và trà Lạc Tiên được đưa ra siêu thị" - ông Long nói.

Ông Nguyễn Tăng Bính - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - cho rằng nếu địa phương miền núi nào cũng biết tận dụng thế mạnh của mình như huyện Sơn Hà đã làm thì mô hình giảm nghèo sẽ cực kỳ đơn giản. "Công của ông Long là rất lớn, từ huyện Sơn Hà với mô hình lấy đặc sản núi rừng đang lan tỏa ra khắp các huyện miền núi khác của tỉnh Quảng Ngãi. Các huyện đã bắt đầu ký kết hợp tác với siêu thị" - ông Bính nói.

Ngắm những không gian tết cổ truyền của ba miền ở Ngắm những không gian tết cổ truyền của ba miền ở 'Lễ hội Tết Việt'

TTO - Không gian tết ba miền Bắc - Trung - Nam được tái hiện lại ở "Lễ hội Tết Việt 2020" trở thành điểm đến lý tưởng để du khách lưu giữ những tấm hình kỷ niệm bên gia đình, bạn bè trong ngày đầu năm.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên