29/08/2021 16:50 GMT+7

Người mắc bệnh thận mạn, đặc biệt bệnh nhân lọc máu, cần tiêm vắc xin sớm nhất có thể

TS.BS NGUYỄN BÁCH (trưởng khoa nội thận - lọc máu Bệnh viện Thống Nhất)
TS.BS NGUYỄN BÁCH (trưởng khoa nội thận - lọc máu Bệnh viện Thống Nhất)

TTO - Bệnh thận mạn, đặc biệt đã chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng, nếu không có chống chỉ định nên tiêm ngay vắc xin COVID-19 khi có thể, càng sớm càng tốt. Người bệnh nên tiêm vào ngày không lọc máu và chú ý uống thuốc huyết áp trước khi tiêm.

Người mắc bệnh thận mạn, đặc biệt bệnh nhân lọc máu, cần tiêm vắc xin sớm nhất có thể - Ảnh 1.

Người bệnh được khám sàng lọc kỹ lưỡng trước khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại khoa thận - lọc máu Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) - Ảnh: bác sĩ cung cấp

Chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi từ bệnh nhân, nhân viên y tế về tiêm vắc xin COVID-19 cho bệnh nhân lọc máu (chạy thận chu kỳ và lọc màng bụng). Bài viết này giúp bạn đọc có thêm một số thông tin xung quanh vấn đề này.

Bệnh nhân suy thận mạn lọc máu, đặc biệt là bệnh nhân chạy thận nhân tạo chu kỳ, là người có nguy cơ cao nhất nhiễm COVID-19 do phải ra vào bệnh viện lọc máu thường xuyên 2-3 lần một tuần, sức đề kháng giảm, khi nhiễm COVID-19 thường nặng và tỉ lệ tử vong cao.

Nghiên cứu ở các nước trên thế giới lúc bắt đầu xảy ra đại dịch cho thấy tỉ lệ nhiễm COVID-19 ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng lần lượt là 3,41% và 1,36%. Tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng lần lượt là 49% và 37%.

Năm 2020, tại Đà Nẵng, ghi nhận có 46 người bệnh chạy thận nhân tạo nhiễm COVID-19, tử vong 26 bệnh nhân (56,5%). Tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, nhờ có sự chuẩn bị tốt hơn về nhân lực, vật tư trang thiết bị nên tỉ lệ tử vong thấp hơn 31,5%.

Do vậy, Hiệp hội thận học Vương quốc Anh và Tổ chức thận Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến cáo ưu tiên tiêm chủng cho những bệnh nhân bệnh thận mạn. Tiêm vắc xin giúp cơ thể tạo miễn dịch phòng chống nhiễm và giảm thiểu biến chứng nặng khi nhiễm COVID-19 ở bệnh nhân lọc máu.

Bên cạnh đó, tiêm vắc xin còn giúp bảo vệ cho cả bệnh nhân lọc máu và nhân viên y tế tại khoa thận nhân tạo vì cả bệnh nhân và nhân viên y tế như người "cùng sống trong một gia đình".

Tuy nhiên, bệnh nhân lọc máu thường là lớn tuổi, thuộc nhóm có bệnh nền, vẫn có thể xảy ra các biến chứng bất lợi (tác dụng không mong muốn) khi tiêm vắc xin COVID-19 vì vậy cần khám sàng lọc và theo dõi kỹ sau tiêm.

Vắc xin chứa vectơ virút (AstraZeneca) sử dụng một phiên bản vô hại của một loại virút khác, được gọi là "vectơ" để cung cấp thông tin đến cơ thể giúp bảo vệ cơ thể chúng ta.

Dữ kiện lâm sàng hiện tại cho thấy vắc xin loại này và vắc xin dựa trên công nghệ mRNA (Pfizer, Moderna) an toàn ở người mắc bệnh thận mạn. Tuy nhiên, người ta cũng lưu ý rằng đáp ứng với vắc xin ở nhóm bệnh nhân mắc bệnh thận dường như kém hơn so với người không có bệnh thận do tình trạng suy giảm miễn dịch.

Rút kinh nghiệm thực tiễn từ các nước và được sự quan tâm của lãnh đạo bệnh viện, chúng tôi đã triển khai tiêm vắc xin ngay tại khoa thận - lọc máu mũi 1 cho bệnh nhân lọc máu từ ngày 20-7 (sau khi tiêm cho nhân viên y tế khoảng 1 tháng). Đến nay chúng tôi đã hoàn tất tiêm mũi 2.

Kết quả thu được rất đáng khích lệ. Có 207 bệnh nhân chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng lớn tuổi, nhiều bệnh nền được khám sàng lọc, chúng tôi tiêm được cho 139 bệnh nhân chiếm tỉ lệ 67,15%. Số còn lại do chống chỉ định, hoặc người nhà bệnh nhân không đồng ý tiêm. Không ghi nhận tai biến nào, chỉ có một số tác dụng phụ nhẹ.

Đánh giá hiệu quả lâm sàng sau tiêm mũi 1, chúng tôi ghi nhận trong số 139 bệnh nhân lọc máu được tiêm mũi 1, chỉ có 10 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, chiếm tỉ lệ 7,19% do nguyên nhân từ cộng đồng là chủ yếu, gồm 9 bệnh nhân thận nhân tạo và 1 bệnh nhân lọc màng bụng.

Điều đáng chú ý là có 9 ca nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng lâm sàng, phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc định kỳ. Bệnh nhân vẫn được tiếp tục lọc máu ngoại trú, cách ly và xét nghiệm lại âm tính sau 3 - 14 ngày.

Chỉ có 1 bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền có triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2 với ho, khó thở, tiêu chảy đã được chuyển đi cách ly tập trung cùng gia đình và tử vong sau đó.

Chúng tôi hy vọng rằng bệnh nhân sau khi được tiêm mũi 2 đầy đủ khả năng bảo vệ bệnh nhân lọc máu được tăng lên, ít bệnh nhân bị nhiễm SARS-CoV-2 hơn và nếu nhiễm sẽ nhẹ hơn.

Từ kết quả này, chúng tôi khuyến cáo bệnh nhân bệnh thận mạn, đặc biệt đã chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng, không do dự, nếu không có chống chỉ định nên tiêm ngay vắc xin COVID-19 khi có thể, càng sớm càng tốt.

Tiêm vắc xin nên tiêm vào ngày không lọc máu và chú ý uống thuốc huyết áp đầy đủ trước khi tiêm. Tiêm vắc xin không chỉ bảo vệ người bệnh mà còn bảo vệ cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, người bệnh ngay cả khi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn phải thực hiện đầy đủ 5K.

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Trong COVID-19, tại sao không được ăn khi đang chạy thận? HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Trong COVID-19, tại sao không được ăn khi đang chạy thận?

TTO - Trước đây, khi chạy thận tại Bệnh viện An Sinh, TP.HCM, bệnh nhân được mang theo đồ ăn nhẹ vào phòng vì thời gian chạy thận kéo dài, nay bệnh viện không cho như vậy nữa, vì sao?

TS.BS NGUYỄN BÁCH (trưởng khoa nội thận - lọc máu Bệnh viện Thống Nhất)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên