09/01/2024 08:57 GMT+7

Người lớn và trẻ em đều có thể tử vong vì cơn hen phế quản

Việc nhận biết cơn hen phế quản và xử trí ban đầu đúng là rất quan trọng, giúp người bệnh thoát khỏi cơn khó thở, nguy hiểm đến tính mạng. Đã có nhiều ca tử vong vì căn bệnh này và các gia đình quan tâm sơ cấp cứu ban đầu như thế nào?

Các bác sĩ lưu ý bệnh nhân cần luôn mang thuốc cắt cơn hen theo bên người - Ảnh:fiercehealthcare.com

Các bác sĩ lưu ý bệnh nhân cần luôn mang thuốc cắt cơn hen theo bên người - Ảnh:fiercehealthcare.com

Bác sĩ Võ Huỳnh Ngọc Trâm - khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho biết suyễn hay hen phế quản là tình trạng viêm đường hô hấp mạn tính thường gặp nhất ở trẻ em.

Đây là bệnh lý mạn tính hàng đầu khiến trẻ phải nghỉ học và nhập viện trong tình trạng cấp cứu, thậm chí tử vong.

Do vậy cha mẹ và người trực tiếp chăm sóc trẻ cần có kiến thức về quản lý cơn hen phế quản ngay tại nhà.

Dấu hiệu nhận biết trẻ lên cơn suyễn như: khó thở, khò khè, ho tăng lên khi ngủ; trẻ mệt mỏi, giảm các hoạt động thể thao, hoạt động thường ngày, kể cả ăn và bú.

Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng trên, cha mẹ và người trực tiếp chăm sóc cần cho trẻ dùng thuốc cắt cơn có tác dụng nhanh.

Ví dụ như dùng thuốc xịt 2 lần nếu không dùng buồng đệm hoặc 4-6 lần nếu có buồng đệm. Hoặc phun khí dung kèm thuốc.

Sau đó trẻ cần được cha mẹ, người trực tiếp chăm sóc trẻ theo dõi. Nếu chưa thấy tốt hơn có thể lặp lại sau 20 phút nếu cần, tối đa 3 lần.

Trường hợp trẻ cải thiện nhiều, hết khó thở, hết khò khè, tiếp tục duy trì xịt hay phun khí dung kèm thuốc mỗi 4-6 giờ trong 1-2 ngày. Lưy ý phải cho trẻ đi tái khám trong vòng 24-48 giờ.

Trường hợp trẻ không giảm triệu chứng, còn thở nhanh, khó thở khi sử dụng thuốc giãn phế quản hoặc thuốc chỉ có tác dụng ngắn, nói chuyện khó khăn, đứt đoạn từng từ, lơ mơ, tím tái môi hay đầu ngón tay là dấu hiệu nguy kịch cần đưa đến bệnh viện.

Người lớn lên cơn hen phế quản xử lý ra sao?

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Uyển - khoa cấp cứu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết ở người lớn triệu chứng bệnh hen phế quản bao gồm những cơn thở rít, thở nhanh, ngực bị co ép và ho đặc biệt xảy ra vào ban đêm hay sáng sớm.

Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc hen phế quản trung bình khoảng 3,9% dân số (trẻ em từ 13-14 tuổi chiếm 14,8%), tương đương khoảng 4 triệu người mắc và lấy đi sinh mạng của 3.000 - 4.000 người/năm vì những biến chứng của nó.

Để hạn chế tối đa việc xuất hiện những cơn khó thở cấp tính, bệnh nhân phải tuân thủ đúng theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ và tránh các yếu tố khiến mình phải vào đợt khó thở cấp tính.

Bác sĩ Uyển lưu ý người bệnh hen phế quản luôn luôn có bình thuốc cắt cơn khó thở dù đang ở bất cứ nơi nào bên người. Dưới đây là các bước sơ cứu nếu xuất hiện cơn hen phế quản:

Bước 1: Lập tức đưa người bệnh rời khỏi tác nhân kích động cơn hen đến nơi thoáng khí, không tập trung nhiều người quanh người bệnh.

Bước 2: Làm ấm cơ thể người bệnh, tránh điều hòa, quạt ẩm.

Bước 3: Đỡ người bệnh ngồi dậy hoặc nằm kê cao nửa người (trên giường), giúp người bệnh dễ thở hơn rất nhiều.

Tuyệt đối không xoa hay vuốt ngực cho người bệnh trong khi người bệnh đang lên cơn hen vì điều này càng khiến khó thở, nặng ngực và tức ngực hơn.

Cách sử dụng thuốc dạng xịt cho người bệnh - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Cách sử dụng thuốc dạng xịt cho người bệnh - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bước 4: Sử dụng ngay thuốc điều trị dạng xịt, tác dụng nhanh. Nếu hen phế quản nhẹ, thường xịt hít 2 nhát/lần.

Nếu sau 20 phút cơn hen vẫn không giảm thì tiếp tục xịt thêm 2 nhát, sau đó nếu triệu chứng vẫn không giảm thì xịt thêm 2 nhát và đưa bệnh nhân tới bệnh viện cấp cứu.

Bước 5: Nếu là cơn hen phế quản nặng (lúc ngồi nghỉ cũng khó thở, nói không hết được nguyên câu, thở dốc) xịt hít thuốc cắt cơn và đưa vào bệnh viện gần nhất.

Bước 6: Nếu là cơn hen phế quản đe dọa tính mạng (tím tái, lú lẫn, vã mồ hôi, không thể nói chuyện được) gọi ngay xe cấp cứu (cấp cứu 115). Trong thời gian chờ đợi xe thì phải xịt ngay 2 nhát thuốc cắt cơn.

Dùng thằn lằn trị hen suyễn là không có cơ sở khoa họcDùng thằn lằn trị hen suyễn là không có cơ sở khoa học

Mới đây, thông tin mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh người phụ nữ cho trẻ ăn thằn lằn đã qua chế biến để chữa bệnh hen suyễn. Thực sự cách điều trị này không có cơ sở khoa học và rất nguy hiểm. Có hai nguy cơ chết người khi dùng thằn lằn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên