06/08/2011 08:01 GMT+7

Người kể chuyện ở Hiroshima

THU HÀ
THU HÀ

TT - Căn phòng nhỏ dưới tầng hầm của Bảo tàng Hiroshima sáng sủa, chỉ có hai dãy bàn ghế đơn giản. Những bức tường màu trắng không trang trí. Bên ngoài, công viên Hòa Bình Hiroshima tấp nập người viếng thăm và dạo chơi.

4vCJDmLV.jpgPhóng to
Đài tưởng niệm Hiroshima, phía sau là tòa nhà mái vòm Bom A, biểu tượng của Hiroshima - Ảnh: Thu Hà
WKdRKxoq.jpgPhóng to
Bà Tomiko Matsumoto - Ảnh: T.Hà
Tại đó, một phụ nữ đã sống sót ngay ở tâm vụ ném bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản ngày 6-8-1945. Bà là Tomiko Matsumoto. Câu chuyện của bà không một ai trên trái đất này có thể quên nếu đã được nghe một lần.

Ngày 6-8-1945, tôi 13 tuổi. Đó là thời chiến, học sinh không được đi xe buýt mà phải đi bộ đến trường. Trường học năm ấy không nghỉ hè. Chúng tôi không được học nhiều, chủ yếu là học quân sự, trú bom và trồng rau ngay trong sân trường. Sáng hôm ấy có còi báo động, theo quy định phải nghỉ học. Nhưng còi dứt sớm nên chúng tôi vẫn đến trường. Khoảng 8g10 chúng tôi ra sân trường để chào cờ thì một vầng sáng da cam lòe lên, mặt trời như rụng xuống. Ngay sau đó, một sức ép lớn quật tôi ngã xuống, rất nhiều thứ đè lên.

Quang cảnh khủng khiếp

Tôi ngất rất lâu, không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua nữa. Khi tỉnh dậy, tôi không thấy một ai, xung quanh vắng lặng. Tôi lần mò ra cổng trường thì thấy nó đổ nát, không còn lối để đi. Tôi không nghĩ được gì nữa, chỉ mong được về nhà. Nhà tôi ở Minami Takiaso, cách trường chừng hơn 1km. Nhưng mặt đất là một bãi tan hoang, không còn đường đi nữa. Tôi không còn biết phải đi đâu.

Chợt nhớ ra sau trường có ngọn núi Hijama, tôi bèn chạy lên núi. Tôi giẫm lên gạch ngói và mảnh vỡ mà đi. Tôi nghe thấy rất nhiều tiếng kêu khóc dưới đống đổ nát. Tôi cũng gào lên kêu cứu mà chẳng biết kêu ai, vì không ai trả lời. Tôi đi mãi, đến gần cầu, không gian rộng hơn, tôi nhìn thấy những cảnh tượng kinh hãi hơn. Rất nhiều người bị phù, mặt to và đỏ như bí ngô, da tróc hết. Có những bà mẹ ôm đứa con chết trên tay, có những người bị bóc hết cả da mặt đang vật vã vì đau đớn, có những người bốc khói nghi ngút...

Tôi sực nhớ ra không biết mặt mình có sao không? Sờ lên đầu, thấy mảnh thủy tinh vỡ găm chi chít, sờ gáy thì thấy tróc một mảng da và tóc, sờ tay thì da đã tuột từ vai đến tay. Chỉ đến lúc nhận ra hình dạng của mình, tôi mới mất hết sức lực và ngã xuống giữa đường. Tôi bắt đầu cảm thấy nóng khủng khiếp và nhận ra có rất nhiều người thi nhau nhảy xuống sông. Nhưng tôi không đủ dũng khí để nhảy. Trên cầu, nhiều người đang vật vờ như những bóng ma. Dưới sông, có rất nhiều người chết đuối.

Tôi vẫn kiên nhẫn trèo lên núi.Trên núi có hầm trú bom. Nhiều người đã ở đó lúc bom nổ. Cảnh tượng còn khủng khiếp hơn: có những người bị lòi mắt, đang cố nhét mắt vào hốc mắt, người cụt tay, cụt chân, lột da mặt...

Quá trưa, xe tải quân đội lên, đưa những người bị thương đến một ngôi trường khác ở khá xa vùng bị bom. Tôi gặp lại năm người bạn và một thầy giáo. Do bức xạ nhiệt, họ đã bị mù, mặt chỉ còn hai màu đỏ và đen, tai đã điếc. Đêm ấy, người bạn nằm cạnh tôi chết. Hôm sau, thầy và bốn người bạn chết nốt, thi thể được kéo ra sân, chất đống. Tôi sợ chết, khóc suốt ngày.

Vật lộn để sống sót

Phòng bệnh bắt đầu dậy lên mùi máu, mủ và mùi xác chết. Ruồi bâu, đậu vào vết loét nở ra giòi, bò lên những vết thương của người sống. Một người đến hỏi tôi có cần giúp gì không, tôi xin đưa về Hiroshima nhưng người đó bảo thành phố đã cháy rụi hết rồi. Tôi sợ cha mẹ và em tôi cũng đã chết. Tôi nhờ liên lạc với bà tôi ở quê. Ông ấy nhận lời, đi bộ đến nhà bà tôi trong một ngày đêm (cách gần 80km). Hôm sau ông ấy trở về, tôi được đưa về với bà.

Nhưng ở với bà thì... hết thuốc chữa bệnh. Bà lấy dưa chuột đắp lên vết bỏng cho tôi đỡ đau. Người tôi bắt đầu xuất hiện triệu chứng lạ: nóng lạnh thất thường, tiêu chảy, nôn, vết ban màu tím nổi chi chít. Vào thời điểm đó, không ai biết đó là triệu chứng nhiễm phóng xạ. Khi tôi hỏi về mẹ và đứa em 12 tuổi, người ta đưa cho tôi một cái hộp, trong đó có xương tìm thấy trong ngôi nhà bị thiêu rụi của chúng tôi và bảo đó là những gì còn lại của mẹ và em tôi. Tôi còn một đứa em 5 tuổi. Sáng hôm ấy nó chạy ra ngoài đường chơi và đến tận bây giờ tôi vẫn không biết nó chết ở đâu, như thế nào.

Bố tôi đi làm ở công ty, góc phố Cannon. Bom nổ, bố tôi không bị bỏng, không bị thương, nhưng sau đó khu vực này bị một trận mưa đen, bố tôi đội mưa đi tìm chúng tôi và ông đã nhận đủ phần đau đớn của mình trong trận mưa ấy. Khi bố trở về quê tìm tôi, tôi bắt đầu không dậy được nữa, tóc rụng trơ sọ. Bà vẫn kiên nhẫn đắp dưa chuột cho tôi, tôi khỏi bỏng nhưng khắp người đầy sẹo lồi và móng tay tróc hết.

Bố tôi định quay lại Hiroshima, dựng lại nhà, nhưng thành phố đã hoang tàn. Chúng tôi không có thức ăn. Để sống, chúng tôi đã ăn cả cỏ dại. Chiến tranh kết thúc, nhưng cuộc sống ngày càng khốn khó hơn nhiều. Tôi đến trường từ học kỳ hai của năm tiếp theo vì bố vẫn muốn tôi đi học. Ngoài giờ học, chúng tôi gom sắt vụn từ đống tro tàn để đổi lấy gạo và rau. Chỉ hai năm sau, bố tôi phát bệnh, nằm bẹp một chỗ. Không chịu nổi sự đau đớn và cũng không chịu nổi ý nghĩ sẽ trở thành gánh nặng của đứa con gái bệnh tật, ông đã tự sát. Ở Hiroshima những năm ấy có hàng ngàn người tự sát.

Để bom không còn rơi

“Tôi bắt đầu kể câu chuyện của mình đã 50 năm nay. Thú thật, tôi không muốn nghe, không muốn kể, không muốn nhắc lại nữa. Nhưng để bom hạt nhân không rơi nữa, tôi bắt buộc phải kể lại và sẽ còn kể, về vụ nổ bom, về ngôi nhà cháy, về những khuôn mặt đã bị lột da” - bà Tomiko Matsumoto nghẹn ngào, im lặng một lúc, cặp mắt đã đỏ hoe nhưng vẫn quyết không khóc.

Bà cho biết bà có một người bạn tình nguyện làm công việc kể lại câu chuyện Hiroshima cho khách tham quan từ khi Bảo tàng Hiroshima khánh thành năm 1952. Bà ấy muốn cho tất cả nhân loại biết bom hạt nhân đã hủy hoại con người và cuộc sống như thế nào. “Nhưng cô ấy mất sớm, do di chứng phóng xạ. Cô ấy đã để lại di chúc cho tôi, đề nghị tôi tiếp tục làm công việc của cô ấy” - bà Tomiko nói.

Hiện nay, tay phải của bà không sử dụng được nữa. “Nhưng còn được sống là may mắn lớn nhất rồi. Sau khi cha mất, tôi sống một mình, luôn luôn một mình. Nhiều lúc cũng bi quan, chán sống. Nhưng nghĩ đến những người đã mất, tôi chỉ còn một cách là phải sống. Sống để kể lại. Và sống để làm tất cả cho lời thề của người dân Hiroshima chúng tôi. Đó là không để bom nguyên tử lại rơi xuống ở bất kỳ nơi đâu trên trái đất này”.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên