03/09/2019 14:55 GMT+7

Người kể chuyện Hoàng Sa

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Nhà trưng bày Hoàng Sa đã trở thành điểm đến trong hành trình khám phá Đà Nẵng. Nhiều du khách, nhà nghiên cứu khi tới đây đã bày tỏ sự thích thú khi được một "hướng dẫn viên" đặc biệt kể chuyện Hoàng Sa.

Người kể chuyện Hoàng Sa - Ảnh 1.

TS Lê Tiến Công kể chuyện Hoàng Sa cho giảng viên, sinh viên một trường cao đẳng tại Đà Nẵng - Ảnh: T.B.DŨNG.


Mỗi lần nhắc đến Hoàng Sa là tim tôi thắt nghẹn. Tôi tin rằng bạn cũng vậy, và mọi người Việt chúng ta đều như vậy!

TS Lê Tiến Công

"Hướng dẫn viên" đó là tiến sĩ sử học Lê Tiến Công - phó giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa, một bảo tàng mang sứ mệnh đặc biệt về chủ quyền Tổ quốc.

Người miệt mài kể chuyện Hoàng Sa

Khi quay thuyền từ biển trở lại bờ mang theo mẻ cá trĩu nặng trên khoang, ngư dân lại thấy hình ảnh lá cờ Tổ quốc được ghép lại bằng những viên gạch ở mặt trước Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ngọn cờ ấy chẳng bao giờ tắt, vẫn sáng kiêu hãnh và hướng ra biển cả mênh mông, nơi đó có ngư dân, có Hoàng Sa máu thịt.

Nhà trưng bày Hoàng Sa đã là một địa chỉ mà mỗi người Việt khi đến đây luôn khắc khoải khi thấy hình hài Tổ quốc vẹn toàn nhưng phải trả giá bằng nhiều mất mát, đau thương. Câu chuyện Hoàng Sa bị cưỡng chiếm, thông qua những hình ảnh, tư liệu đầy công phu trưng bày trong nhà trưng bày luôn làm thắt ngực người xem. Ông Lê Tiến Công - người miệt mài kể câu chuyện Hoàng Sa - đã thành một phần của bộ tư liệu hiện có.

Một buổi sáng, chiếc xe khách 45 chỗ sau khi tham quan chùa Linh Ứng đã rẽ vào mép đường để một nhóm du khách bước xuống. Đó là đoàn cán bộ đã nghỉ hưu, có những người từng đi lính, tranh thủ những ngày ở Đà Nẵng để vào Nhà trưng bày Hoàng Sa, bởi "nghe lâu lắm rồi nhưng chưa từng được tới". Sau khi được các nhân viên hướng dẫn tỉ mỉ về bộ tư liệu về chủ quyền Tổ quốc với Hoàng Sa, nhóm du khách được TS Lê Tiến Công cung cấp thêm về quá trình gian nan đi tìm tài liệu.

Ông Công nói nếu như những món đồ có thể định giá được bằng tiền thì tư liệu lại là một thứ tài sản đặc biệt, đôi khi có nhiều tiền mà không thể mua nổi. "Vậy thì chúng ta sẽ làm sao để có thể đưa về được? Đây là nỗ lực của cả một tập thể, đôi khi phải mất hàng năm đeo đuổi, với sự hỗ trợ của cơ quan chính quyền và tấm lòng với Tổ quốc của người dân thì mới có được" - ông Công kể.

Luận án tiến sĩ xuất sắc về biển đảo

TS Lê Tiến Công đã được giới sử học biết đến bởi những đóng góp của ông trong lĩnh vực nghiên cứu về thời nhà Nguyễn và Biển Đông. Trước khi về phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa, ông Công từng là giảng viên nhiều năm tại Đại học Phan Chu Trinh, rồi dành hết thời gian để tìm kiếm và đưa những gì mình góp nhặt được về kho tư liệu Hoàng Sa ra với công chúng.

Năm 2015, luận án tiến sĩ "Tổ chức phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1885" của ông Công đã bảo vệ thành công và công bố nhiều thông tin cũng như cách tiếp cận mới. Công trình này sau đó đã đoạt giải nhất Giải thưởng sử học Phạm Thân Duật dành cho những luận án tiến sĩ xuất sắc nhất. Luận án cũng tiếp tục đoạt giải nhất giải thưởng Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Vị tiến sĩ này về với Nhà trưng bày Hoàng Sa cũng từ những kết quả nghiên cứu biển đảo. Khi Nhà trưng bày Hoàng Sa chuẩn bị xây dựng, chính quyền TP Đà Nẵng đã tìm kiếm người phụ trách. Lê Tiến Công đã được chọn về làm nhân viên, rồi sau đó được bổ nhiệm phó giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa hiện nay.

Người kể chuyện Hoàng Sa - Ảnh 3.

TS Lê Tiến Công kể chuyện Hoàng Sa - Ảnh: T.B.DŨNG

Làm cho Hoàng Sa được nhiều người biết đến

Ông Công nói rằng về với Nhà trưng bày Hoàng Sa là quyết định đúng nhất của ông. Phải xa vợ con (ở Huế), ông Công một mình ở Đà Nẵng để miệt mài với niềm hạnh phúc mỗi ngày: làm cho Hoàng Sa được nhiều người biết đến. Mỗi người Việt Nam phải biết và dư luận quốc tế phải biết đến câu chuyện Hoàng Sa. 

Người kể chuyện Hoàng Sa - Ảnh 4.

Nhà trưng bày Hoàng Sa - Ảnh: TTO

Việc một nhà trưng bày công bố những tư liệu về Hoàng Sa xuất hiện tại TP Đà Nẵng đã tạo sự chú ý đặc biệt dù cũng có những kẻ đã tìm cách ngăn cản để nhà trưng bày không vận hành được thuận lợi.

Một câu chuyện khác cũng gây "mất ăn mất ngủ" không kém cho ông Công, đó là việc đưa con tàu ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào ngày 26-5-2014 về trưng bày tại đây. Con tàu với những vết thương vì tàu Trung Quốc đâm có sức mạnh tố cáo hơn bất cứ lời nói nào.

TS Công nói rằng ông luôn thấy hạnh phúc và có niềm vui khi được trở thành cầu nối đưa tư liệu Hoàng Sa ra công chúng, trong đó rất nhiều khách đến từ nhiều nước trên thế giới. "Nhà trưng bày Hoàng Sa là nơi đặc biệt và có lẽ anh em chúng tôi cũng ý thức được công việc đặc biệt này. Chúng tôi sẽ đưa về đây thật nhiều tư liệu, là bằng chứng về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam. Biến nơi đây trở thành điểm mà mọi người cần phải đến để hiểu rõ nhất câu chuyện Hoàng Sa" - ông Công nói.

Xây dựng kho tư liệu mở về Hoàng Sa

Ông Công cho biết đang làm việc với các trường học, các cơ quan quản lý nhà nước để đưa những tư liệu Hoàng Sa tới các trường học trên thành phố Đà Nẵng. Việc này trước hết sẽ được tổ chức thí điểm ở các trường.

Ngoài ra, Nhà trưng bày Hoàng Sa cũng sẽ trở thành kho tư liệu mở về chủ quyền biển đảo, để ai cũng có thể tiếp cận Hoàng Sa và biển đảo Việt Nam.

Những người kể chuyện Hoàng Sa Những người kể chuyện Hoàng Sa

TTO - Nhà trưng bày Hoàng Sa được xem là điểm hành hương của lòng yêu nước. Sau hơn 7 tháng đi vào hoạt động, đến nay nơi đây đã đón gần 20.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên